Giờ học thụ động…

Như thường lệ, trên đường đi học về, một nữ sinh lớp 7 tại TPHCM kể cho mẹ mình nghe từ chuyện vui đến chuyện chưa vui trong lớp.

Như thường lệ, trên đường đi học về, một nữ sinh lớp 7 tại TPHCM kể cho mẹ mình nghe từ chuyện vui đến chuyện chưa vui trong lớp.

 Em nói với giọng bực mình: “Hôm nay giờ học môn Sử chán lắm mẹ ạ. Cả lớp chẳng ai muốn nghe thầy giảng. Thầy hỏi bài cũng không có ai giơ tay phát biểu. Đến hết giờ thầy ghi vào sổ là lớp học thụ động. Chúng con tức lắm vì nhìn thầy chúng con không muốn học”. Nghe con mình nói thế, phụ huynh vội hỏi lại: “Nhìn thầy không muốn học là sao con?”. Học sinh này trả lời: “Thầy đi đôi dép sandal có quai hậu nhưng không xỏ vào mà cứ đi lại trong lớp nghe lẹt xẹt, khó chịu lắm. Quần áo của thầy nhìn cũng không tươm tất; đầu tóc thì bù xù…”.

Mặc dù trường hợp trên có thể là không phổ biến nhưng nghe câu chuyện của học trò này kể lại chúng ta có suy nghĩ gì? Đứng trên bục giảng, người thầy luôn phải chỉn chu từ tác phong đến lời nói, cử chỉ. Thầy không làm gương thì làm sao đòi hỏi học sinh phải noi theo. Thử hỏi người thầy bước vào lớp học mà không tạo ấn tượng, niềm vui cho học trò thì làm sao kích thích niềm đam mê học tập, khám phá tri thức của các em. Giữ tư duy cũ, nhiều thầy cô vẫn cho mình là trung tâm, có quyền ra oai, bắt học sinh phải làm thế này thế nọ. Còn học sinh thì chưa dám phản ứng, góp ý kiến thẳng với thầy cô. Vì thế các em phải mang tâm trạng ấm ức, bực bội trong lòng.

Chúng ta đang hô hào đổi mới giáo dục - bắt đầu từ người thầy. Nhưng làm thế nào để chấn chỉnh tác phong, nâng cao chuyên môn, kỹ năng sư phạm của giáo viên? Một khi thầy cô vào lớp vẫn coi mình là trung tâm chứ không phải học trò thì họ vẫn giành diễn đàn nói một chiều, truyền đạt kiến thức một chiều. Kết quả học sinh vẫn thụ động, chép chép ghi ghi là chính thay vì được nói lên suy nghĩ, chính kiến của mình.

Để thầy cô biết rõ những điểm yếu, những gì cần điều chỉnh về bản thân từ tác phong, kỹ năng sư phạm, phương pháp truyền đạt… nên chăng cho học sinh nhận xét về thầy cô dạy mình sau mỗi học kỳ. Chỉ có học trò nhận xét thì mới chính xác và ban giám hiệu cũng biết rõ đội ngũ giáo viên của mình đạt chất lượng, yêu cầu đến đâu, có đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hay không. Kinh nghiệm ở một trường phổ thông ở Hà Nội về lấy phiếu góp ý của học trò cho thấy “thầy cô nhìn lại bản thân rõ hơn và điều chỉnh những gì chưa hay, chưa chuẩn để dạy tốt hơn, chất lượng giáo dục nâng cao hơn”.

Vậy bao giờ thì học trò được khuyến khích cho phép đối thoại và nói những điều cần nói, cần góp ý đối với thầy cô, với ban giám hiệu để việc học, việc chơi phải xuất phát từ nguyện vọng, mong muốn của chính các em, chứ không phải từ sự áp đặt, bệnh thành tích?

KHÁNH HÀ

Tin cùng chuyên mục