“Giữ chân” các nhà đầu tư lớn

Ngày 18-1 vừa qua, UBND tỉnh Bắc Giang đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho Foxconn Singapore Pte Ltd để xây dựng Nhà máy Fukang Technology ở Khu công nghiệp Quang Châu.
Trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và tặng hoa chúc mừng các nhà đầu tư. Ảnh: BGP
Trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và tặng hoa chúc mừng các nhà đầu tư. Ảnh: BGP

Foxconn sẽ sản xuất, gia công máy tính bảng và máy tính xách tay tại nhà máy này, với quy mô hơn 8 triệu sản phẩm/năm. Dự án có tổng vốn đầu tư 270 triệu USD, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong quý 3-2022. Theo nguồn tin từ Bộ KH-ĐT, dự án 270 triệu USD này mới chỉ là sự bắt đầu cho những kế hoạch tiếp theo, cũng ấn tượng không kém của Foxconn. Tính đến tháng 12-2020, Foxconn đã đầu tư tại Việt Nam 1,5 tỷ USD và năm 2021 dự kiến bổ sung 700 triệu USD, tuyển dụng mới 10.000 lao động. 

Cũng trong ngày 18-1, UBND tỉnh Bắc Giang còn trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 3 dự án khác nữa. Đó là dự án Công nghệ tế bào quang điện Ja Solar PV Việt Nam của nhà đầu tư Ja Solar Investment Limited (Hồng Công); dự án Nhà máy Risesun New Material Việt Nam và dự án Nhà máy Kodi New Material Việt Nam của nhà đầu tư Risesun Investment Pte.Ltd (Singapore). Tổng vốn đầu tư của 3 dự án này gần 300 triệu USD. Cũng trong tháng 1, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức lễ trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty TNHH Công nghệ Everwin Precision Việt Nam, có tổng mức đầu tư 200 triệu USD, dự kiến sẽ thu hút tới 14.000 lao động địa phương, 1.000 lao động nước ngoài. Tại Đồng Nai, trong những ngày đầu năm, tỉnh thu hút được 11 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong đó, có 3 dự án cấp mới, 8 dự án tăng vốn với tổng số vốn hơn 226 triệu USD - cao nhất so với cùng kỳ trong khoảng 5 năm qua. Bên cạnh đó, dự án điện khí LNG ở Quảng Trị do Tập đoàn T&T Group (Việt Nam), Công ty KOSPO, Công ty KOGAS và Công ty Hanwha (Hàn Quốc) liên doanh đầu tư đang được Chính phủ và các bộ ngành hữu quan xem xét. Quy mô dự án dự kiến lên tới 4,5 tỷ USD, công suất 4.500MW.

Đáng lưu ý, phần lớn các dự án đầu tư vào Việt Nam gần đây là của các tập đoàn công nghệ cao như: Foxconn, Heesung Electronics, Goertek Technology, Luxshare ICT… Mới đây, Tập đoàn Capital United (Mỹ) đã có cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, đề đạt mong muốn được nghiên cứu đầu tư dự án trung tâm công nghệ và công nghiệp Việt Nam, với tổng quy mô gần 900ha, vốn đầu tư trên 390 triệu USD. Trung tâm này dự kiến sẽ thu hút hàng loạt công ty trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ cao, công nghiệp nhẹ, logistics… 

Dù có nhiều tín hiệu đáng mừng về thu hút đầu tư FDI nhưng cũng có những ý kiến lo ngại về khả năng hấp thụ vốn hiệu quả. Theo các chuyên gia, để “giữ chân” được các nhà đầu tư “khủng” này ở lại lâu dài tại Việt Nam, bên cạnh cơ sở hạ tầng như đất đai, giao thông, năng lượng…, còn phải có nguồn nhân lực chất lượng cao. Dù Việt Nam có nguồn lao động giá rẻ dồi dào và được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do, nhưng chất lượng nhân lực lại là một câu chuyện khác. Kinh nghiệm của Singapore là trước cơ hội thu hút được một tập đoàn khủng, Chính phủ sẵn sàng thiết kế chương trình đào tạo riêng để đáp ứng nhu cầu nhân lực của nhà đầu tư. 

Khi một đại gia quyết định “bén rễ xanh cây” tại Việt Nam thì các nhà đầu tư khác cũng sẽ đi theo để đáp ứng nhu cầu cho nhau, hình thành một hệ sinh thái kinh doanh bền vững, như Capital United đang tìm cách đi trước, đón đầu nhu cầu nghiên cứu phát triển công nghệ cao ở Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục