Gỗ dán Việt Nam bị Hoa Kỳ nghi ngờ nhập nguyên liệu Trung Quốc

Chiều 9-8, Văn phòng Bộ Công thương thông tin, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã công bố kết luận sơ bộ vụ việc điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng nhập khẩu từ Việt Nam.
Gỗ dán Việt Nam bị Hoa Kỳ nghi ngờ nhập nguyên liệu Trung Quốc
Đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam liên tục gặp rào cản về thương mại

Gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng là sản phẩm được làm từ các lớp gỗ ván bóc gắn với nhau bằng keo, sau đó được phủ 1 hoặc 2 lớp ván gỗ cứng ở bề mặt. Hoa Kỳ đang áp dụng thuế chống bán phá giá (CBPG) và thuế chống trợ cấp (CTC) với sản phẩm này của Trung Quốc với mức thuế CBPG là 183,36% và thuế CTC từ 22,98% đến 194,90%.

Tuy nhiên theo thống kê của Hải quan Hoa Kỳ, kim ngạch xuất khẩu gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng của Việt Nam sang Hoa Kỳ liên tục tăng từ 112,3 triệu USD năm 2018 lên 226,4 triệu USD năm 2019, tiếp tục tăng lên 248,5 triệu USD năm 2020 và 356,7 triệu USD năm 2021. So với năm trước khi khởi xướng điều tra (năm 2019), kim ngạch xuất khẩu gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng của Việt Nam sang Hoa Kỳ năm 2021 đã tăng 57,6%.

Do đó, kết luận sơ bộ của Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho rằng gỗ dán từ Việt Nam nếu có lõi sử dụng nguyên liệu là ván bóc nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ bị áp dụng thuế CBPG và CTC như đang áp dụng với gỗ dán nhập khẩu từ Trung Quốc. Gỗ dán từ Việt Nam nếu có lõi sử dụng nguyên liệu là ván bóc sản xuất tại Việt Nam hoặc tại các nước khác không bị áp dụng thuế CBPG và CTC.

Căn cứ kết luận sơ bộ này, Bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ đề nghị Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ (CBP) tiếp tục dừng thanh khoản và yêu cầu nhà nhập khẩu nộp tiền đặt cọc bằng mức thuế chống lẩn tránh tạm tính đối với các lô hàng nhập khẩu từ Việt Nam vào Hoa Kỳ kể từ ngày 17-6-2020 (ngày thông báo khởi xướng điều tra) đối với các trường hợp là đối tượng bị áp dụng biện pháp.

Bộ Thương mại Hoa Kỳ  cho phép các nhà xuất khẩu Việt Nam cũng như các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ tham gia cơ chế tự xác nhận để được loại trừ khỏi biện pháp lẩn tránh. Cơ chế tự xác nhận này sẽ không áp dụng đối với các doanh nghiệp mà Bộ Thương mại Hoa Kỳ đánh giá là không cung cấp thông tin hoặc hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, chính xác theo yêu cầu của Bộ Thương mại Hoa Kỳ  trong quá trình điều tra. 

“Theo tính toán, số lượng các doanh nghiệp được tham gia tự chứng nhận chiếm khoảng 80% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn điều tra”, Bộ Công thương tính toán. 

Theo thông báo mới nhất, Bộ Thương mại Hoa Kỳ gia hạn thời gian ban hành kết luận cuối cùng trong vụ việc này đến ngày 17-10-2022.

Tin cùng chuyên mục