Được mệnh danh là “thủ phủ trà” của cả nước, nhưng thời gian gần đây, ngành trà Lâm Đồng lâm cảnh khó khăn, hàng ngàn tấn trà thành phẩm đang tồn kho vì những bất cập từ khâu sản xuất đến tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
Gần 5.000 tấn trà tồn kho
Lâm Đồng hiện là địa phương sản xuất trà lớn nhất nước với diện tích gần 24.000ha, sản lượng khoảng 230.000 tấn. Trong đó, Cầu Đất - Đà Lạt được đánh giá là vùng nguyên liệu trà hàng đầu để sản xuất trà Ô long chất lượng cao. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do thị trường tiêu thụ trà biến động, xuất hiện nhiều thông tin bất lợi và công tác quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập nên đầu ra cho sản phẩm trà, nhất là xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.
Theo thống kê chưa đầy đủ, đến giữa tháng 10-2015, các doanh nghiệp trên địa bàn Lâm Đồng còn tồn kho (không xuất khẩu được) gần 5.000 tấn trà; gồm 2.590 tấn trà đen, 1.660 tấn trà xanh và 688 tấn trà Ô long. Giá thu mua trà nguyên liệu của các nhà máy giảm 5% - 10% so cùng kỳ năm ngoái, hiện trà Ô long chỉ có giá 20.000 đồng/kg, giảm 4.000 đồng; trà búp để sản xuất trà xanh là 7.000 - 8.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng và nguyên liệu trà đen chỉ 4.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng. Đặc biệt, hiện đã có 9 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động và nhiều doanh nghiệp khác hoạt động cầm chừng, một số cơ sở trồng trà Ô long phải dùng phương pháp “đốn đau” (đốn ngang cây trà) để hạn chế thu hái nguyên liệu.
Kiểm tra, phân loại trà búp tươi Ảnh: ĐOÀN KIÊN
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, thị trường trà xanh, trà đen của Lâm Đồng chủ yếu là Pakistan và Afghanistan. Các nước này hiện vẫn thu mua trà, nhưng thanh khoản chậm, rủi ro cao. Trong khi đó, trà Ô long đang quá phụ thuộc vào thị trường Đài Loan. Gần đây, phía Đài Loan tìm nhiều cách dựng hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu trà Việt Nam nhằm bảo hộ ngành trà nội địa, trong đó đáng chú ý là việc hạ thấp chỉ tiêu dư lượng Fipronil xuống mức 0,002ppm (trong khi đó, châu Âu áp dụng mức 0,005ppm). Ngoài những nguyên nhân khách quan, việc sản phẩm trà khó tiêu thụ còn do những bất cập từ chính người trồng, chế biến và quản lý chất lượng trà. Trong đó, nổi cộm là việc doanh nghiệp không kiểm soát được nguyên liệu đầu vào, nhất là giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Nhiều hộ sử dụng thuốc BVTV không theo quy định và không đảm bảo thời gian cách ly.
Ông Huỳnh Văn Duẩn, Giám đốc Công ty trà Trân Nam Việt (TP Bảo Lộc), thừa nhận, cùng với khó khăn chung của ngành trà, hiện công ty đang tồn kho đến hơn 2.500 tấn trà và không còn năng lực tài chính để tiếp tục sản xuất. Ông Huỳnh Văn Duẩn đưa ra nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó khăn của ngành trà, trong đó có “ma trận” thuốc BVTV trên thị trường.
Loay hoay tìm lối ra
Trước những khó khăn của ngành trà, ngày 3-11, tại thành phố Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng), hơn 50 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trà và cơ quan quản lý đã cùng ngồi lại để bàn cách tháo gỡ. Hai vấn đề lớn được bàn thảo, mổ xẻ tại hội nghị là quản lý chặt chẽ việc sử dụng thuốc BVTV và tìm thị trường tiêu thụ trà. Ông Phạm Đức Nguyên, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Phương Nam, cho rằng vấn đề quản lý sử dụng thuốc BVTV còn bất cập, doanh nghiệp không có máy móc để test nhanh khi thu mua trà nguyên liệu từ nông dân. Bên cạnh đó, vùng nguyên liệu trà của Lâm Đồng hiện còn manh mún, chưa hình thành những cánh đồng mẫu lớn, nên có trường hợp phun xịt thuốc từ rẫy cà phê lan sang vườn trà. Về thị trường, do trà Ô long quá lệ thuộc Đài Loan, nên khi thị trường này “trục trặc” thì sản phẩm trà Ô long Lâm Đồng cũng ảnh hưởng theo. Còn trà xanh, trà đen cũng do thương lái Pakistan, Afghanistan sang mua, chứ doanh nghiệp Lâm Đồng không đưa trực tiếp sang các thị trường này, nên không biết bên đó họ bán mua như thế nào. Vì vậy, ngành trà cần tập trung tháo gỡ những tồn tại này.
Trong khi đó, ông Hồ Phương, Giám đốc Công ty TNHH TCB, cho rằng, cây trà không phải không có thị trường, mà là do không có sản phẩm đáp ứng được thị trường đó. “Hiện công ty chúng tôi đang có nhiều hợp đồng, nhưng chưa thực hiện hết, vì thiếu sản phẩm đạt chuẩn về chất lượng, dư lượng thuốc BVTV. Chính nông dân là người quyết định chất lượng, độ an toàn của trà nguyên liệu, vì họ biết rõ vườn trà được phun xịt loại thuốc gì và cách ly bao nhiêu ngày”, ông Hồ Phương nhấn mạnh. Cùng quan điểm, ông Đoàn Trọng Phương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chè (trà) Việt Nam (phụ trách phía Nam), cho rằng, người trồng trà cần chấm dứt thói quen cứ thu hái xong là xịt thuốc, mà chỉ nên “chữa bệnh khi có bệnh”. Vướng mắc chính của thị trường trà Ô long hiện nay là do phía Đài Loan áp dụng một cách vô lý mức dư lượng thuốc BVTV, vì vậy, cần xác định xuất khẩu vào thị trường nào thì sản xuất theo tiêu chuẩn đó.
Ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, chỉ đạo thực hiện một số giải pháp để gỡ khó cho ngành trà như: nâng cao nhận thức cho người sản xuất trà trong việc áp dụng công nghệ giống, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất an toàn; nghiên cứu khảo nghiệm thuốc BVTV thế hệ mới, thuốc sinh học có khả năng phòng trừ sâu bệnh tốt nhưng không để dư lượng vượt ngưỡng trong sản phẩm; tuyệt đối không sử dụng thuốc hóa học có hoạt chất Fipronil. Riêng vấn đề đầu ra cho trà Ô long, cần phải tìm thêm thị trường như châu Âu, châu Mỹ, vì lâu nay đầu ra quá hẹp, chỉ xuất sang Đài Loan, đề phòng việc chúng ta khắc phục được những tồn tại về chất lượng, dư lượng thuốc BVTV nhưng họ vẫn không chịu mua.
NAM VIÊN