Gỡ khó, tăng thu hút đầu tư PPP

Rào cản về thủ tục và quá trình thực thi của các cơ quan là cái khó lâu nay trong thu hút đầu tư xã hội, nhưng đó chưa phải là tất cả những gì nhà đầu tư phải đối mặt và cân nhắc.

Gỡ khó, tăng thu hút đầu tư PPP

UBND TPHCM vừa giao Sở KH-ĐT TPHCM chủ trì, trong tháng này tham mưu chính sách mời gọi đầu tư khu vực trung tâm thành phố, như đường Lê Lợi, không gian ngầm khu vực nhà ga Bến Thành, Công viên 23 tháng 9. Nếu các hạng mục này sớm được thực hiện, trung tâm TPHCM sẽ có diện mạo khang trang hơn, cùng với việc vận hành tuyến metro số 1, tạo nên sức bật mới cho thành phố. Trước đó, nhiều người dân phấn khởi khi TPHCM thông tin chuẩn bị triển khai 5 dự án BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) khai thông các “cửa ngõ” theo Nghị quyết 98/2023/QH15.

Năm dự án có tổng mức đầu tư khoảng 44.591 tỷ đồng, nhằm nâng cấp, mở rộng những tuyến đường huyết mạch như quốc lộ 13, quốc lộ 1, quốc lộ 22, trục Bắc Nam từ đường Nguyễn Văn Linh đến tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, cầu đường Bình Tiên. Các dự án triển khai càng sớm người dân càng mừng; chắc chắn nhà đầu tư sẵn sàng tham gia nếu như lợi ích các bên được xem xét.

Thực tế thời gian qua, việc thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) không hề dễ dàng. Bốn dự án bãi đậu xe ngầm một thời được người dân kỳ vọng, nhưng sau gần 15 năm, vẫn chưa dự án nào thành hình. Gần 15 năm chôn chân ở một dự án không chỉ làm nản lòng chủ đầu tư mà còn khiến những doanh nghiệp khác cũng thấy “chùn chân”.

Rào cản về thủ tục và quá trình thực thi của các cơ quan là cái khó lâu nay trong thu hút đầu tư xã hội, nhưng đó chưa phải là tất cả những gì nhà đầu tư phải đối mặt và cân nhắc. Quy định tỷ lệ vốn nhà nước tham gia trong các dự án tối đa 50% là một rào cản mà Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đánh giá là “khó và nhạy cảm”. Thực tế, với các dự án giao thông, nơi có mật độ giao thông thấp thì nhà đầu tư sẽ không quan tâm; còn các dự án đi qua đô thị thì chi phí giải phóng mặt bằng rất lớn, khiến doanh nghiệp không mặn mà. Chính vì lý do đó mà 5 dự án BOT giao thông nói trên được phép tăng tỷ lệ vốn nhà nước lên tối đa 70%, trong trường hợp chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng chiếm tỷ trọng lớn hơn 50% tổng mức đầu tư của dự án và phương án tài chính sơ bộ của dự án không bảo đảm khả năng hoàn vốn.

Tiếp đó, điều 82 của Luật Đầu tư theo đối tác công tư (PPP) năm 2020 quy định về cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu, cũng rất khó triển khai. Để nhà nước chia sẻ với nhà đầu tư khi doanh thu thực tế đạt thấp hơn 75%, đòi hỏi rất nhiều thủ tục, phải qua kiểm toán, điều chỉnh giá, phí xem tác động đến doanh thu như thế nào. Quá trình này có khi mất vài năm, hoặc không xác định được thời gian. Nhiều địa phương thậm chí không đồng ý bố trí ngân sách cho việc chia sẻ sụt giảm doanh thu với nhà đầu tư, vì nguồn dự phòng của địa phương rất thấp.

Thực ra, những vấn đề nói trên không mới. Những khó khăn nảy sinh từ khi Luật PPP ra đời, tồn tại cho tới nay vẫn chưa được sửa đổi. Vì lẽ đó, việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư hạ tầng hết sức khó khăn. Thực tế cho thấy, vốn ngân sách bố trí cho hạ tầng chưa tới 20%, nên không đủ lực triển khai, ngay cả đối với những nước phát triển khi đầu tư hạ tầng cũng dựa vào nguồn lực xã hội. Trong khi TPHCM lại có nguồn lực rất lớn nhưng chưa có chính sách để thu hút. Chẳng hạn, năm 2023 nguồn kiều hối về TPHCM khoảng 9 tỷ USD, gần gấp 3 lần vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Để khai thác nguồn lực này, theo các chuyên gia kinh tế, TPHCM nên xem xét phát hành trái phiếu công trình, với việc đảm bảo sự hấp dẫn cần thiết.

Hơn lúc nào hết, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, chúng ta cần sửa đổi các quy định pháp luật, tạo cơ chế thông thoáng để thu hút nguồn lực xã hội tham gia đầu tư các dự án hạ tầng. Khơi thông hạ tầng tức là giải quyết trực tiếp điểm nghẽn của nền kinh tế cũng như giải quyết bức xúc của người dân lâu nay. Những công trình hình thành từ đồng vốn của nhà nước và tư nhân sẽ hết sức có ý nghĩa khi góp phần thúc đẩy TPHCM và đất nước phát triển nhanh, bền vững hơn.

Tin cùng chuyên mục