Gỡ nút thắt để vùng ĐBSCL phát triển bền vững

Báo cáo Kinh tế thường niên ĐBSCL lần thứ 3 năm 2023 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố mới đây đã nhận diện, các nút thắt thể chế, quản trị và liên kết đang kìm hãm sự phát triển vùng trong hiện tại và dài hạn.

Cần có hành động đột phá cải cách thể chế, quản trị và tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng thực chất, hiệu quả. Đó cũng là sự chọn lựa hướng đi để thoát khỏi “3 vòng xoáy đi xuống”: vòng xoáy ngân sách, lao động và vòng xoáy cấu trúc kinh tế vùng thiên lệch.

Trong đó, vòng xoáy ngân sách là thiếu đầu tư tương xứng của Nhà nước, dẫn đến sự yếu kém về hạ tầng giao thông, đô thị và logistics. Vòng xoáy lao động với tình trạng thiếu việc làm tại chỗ, phần lớn người trẻ bị “đẩy” ra khỏi vùng, dẫn đến sự suy giảm trầm trọng số lượng lẫn chất lượng lao động.

Vòng xoáy cơ cấu kinh tế tạo ra sự “thiên lệch” trong việc thực thi sứ mệnh an ninh lương thực, khoảng cách tụt hậu của vùng này so với các vùng, miền trong cả nước ngày càng xa. Năm 1990, GRDP của ĐBSCL đóng góp 27% cho toàn quốc, đến đầu những năm 2000 còn khoảng 16%, nhưng đến năm 2022, chỉ còn 12%.

Môi trường kinh doanh và đầu tư suy giảm, sức hấp dẫn của ĐBSCL giảm đi. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là niềm tự hào của vùng này, luôn cao hơn mặt bằng chung cả nước, thì nay đang giảm đi. PCI năm 2022 thấp hơn trung bình cả nước.

Báo cáo Kinh tế thường niên ĐBSCL lần thứ 3 năm 2023 khuyến nghị tháo gỡ những “nút thắt” của ĐBSCL bắt đầu từ thể chế, quản trị và liên kết vùng, tập trung vào “5 cải cách”:

Một là, sửa đổi Luật Đất đai, khơi thông nguồn lực từ đất theo hướng không nên phân chia quá nhiều loại đất, áp dụng các quy tắc cứng nhắc tạo rào cản, giảm chi phí giao dịch khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất hợp lý làm cơ sở phân bổ lại và quản lý đất đai hiệu quả tạo vốn đầu tư.

Hai là, tư duy mới về an ninh lương thực, chuyển đổi mạnh mẽ từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp đa giá trị.

Ba là, hoàn thiện cơ chế quản trị tài nguyên nước, cụ thể hóa cách tiếp cận coi tài nguyên nước làm cốt lõi, thiết lập lộ trình áp dụng cơ chế thị trường, mà cụ thể nước cần được nhìn nhận như một hàng hóa có giá trị kinh tế.

Bốn là, hoàn thiện thể chế quản trị và điều phối vùng.

Theo đó, hội đồng vùng hay một tổ chức điều phối vùng chính thức, đảm bảo “7 có”: Thực quyền, có ngân sách rõ ràng và cơ chế tài chính sáng tạo để đầu tư phát triển vùng, có hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu vùng phục vụ việc ra quyết định chính sách và đầu tư, có phân công, trách nhiệm giải trình, có lĩnh vực ưu tiên và lộ trình triển khai cụ thể, có bộ máy thường trực đủ năng lực theo dõi và đánh giá, cập nhật, điều chỉnh thích ứng và các bên liên quan có động lực thực thi.

Năm là, tăng cường hợp tác công tư và liên kết vi mô. Khuyến khích các sáng kiến liên kết cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện cụm ngành, thiết kế sản phẩm tín dụng phù hợp, sử dụng các cơ chế thực thi công bằng, doanh nhân hóa nông dân, xây dựng chiến lược thương hiệu vùng…

Thể chế hợp tác, quản trị và liên kết vùng không chỉ cần thiết, quan trọng đối với ĐBSCL mà còn là một đột phá để tháo các nút thắt phát triển vùng. Đây là tiền đề để chính quyền các địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ, để doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh thuận lợi, để nguồn lực được sử dụng hiệu quả nhất. Cải thiện mạnh mẽ thể chế hợp tác vùng là cơ sở và nền tảng quan trọng để ĐBSCL phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục