Gốc và ngọn

Gốc và ngọn

- Các nhà máy đường lại “đói” mía bác ạ.
 

Gốc và ngọn ảnh 1

- Bác có nói đùa không? Nước mình ruộng rẫy bạt ngàn, có thiếu đất đâu mà “đói” mía!
 
- Những người nông dân không “mặn mà”. Đơn giản là trồng mía thì… đói ăn.
 
- Ô bác ơi! Bác lại nói “ngược” rồi. Nhà máy đường “đói” mía thì giá mía phải cao.
 
- Nhưng có loại cây trồng khác còn cao hơn. Năm ngoái nông dân nhiều nơi đua nhau chặt mía để trồng mì.

 - Sao vậy?
 
- Còn sao nữa. Trồng mì mỗi vụ năng suất 25 tấn/ha, bán giá 700.000đ/tấn, 6 tháng cầm chắc lãi 10 triệu/vụ. Một năm quay vòng 2 vụ lãi khoảng 20 triệu/ha. Trồng mía 1 năm mới thu hoạch, năng suất 50 – 70 tấn/ha giỏi lắm lãi từ 8 đến 10 triệu/ha nếu “được” giá. Rủi “rớt” giá, chỉ còn nước đốt bỏ.
 
- Bác ơi! Thế sao các nhà máy đường không tăng giá lên nữa cho dân được nhờ.
 
- Bác lại thích đùa rồi. Chi phí nguyên liệu trên một tấn đường của Việt Nam lên đến 200 USD, trong khi Ấn Độ chỉ có 139 USD, Thái Lan 131 USD và Úc 122 USD. Giá đường Việt Nam hiện nay đang thuộc hàng cao nhất thế giới. Tăng giá mía nữa để… dẹp tiệm à?
 
- Thế theo bác phải làm thế nào?
 
- Không chỉ lo giải quyết cái ngọn mà phải xử lý triệt để cái gốc.
 
- Là sao?

 - Đầu tư cho nông dân cả vốn liếng và khoa học kỹ thuật để tăng năng suất cây mía. Đổi mới công nghệ chế biến các nhà máy đường và kiên quyết đóng cửa các nhà máy công nghệ lạc hậu, thua lỗ triền miên. Nếu không thế thì chỉ có cách hát tiếp bài ca.
 
- Bài ca gì.
 
- “Khen ai khéo kết cái đèn cù” 
 

TÂN BIÊN

Tin cùng chuyên mục