Gương mặt đạt Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2014

Gương mặt đạt Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2014

Cô BÙI MỸ DUNG (giáo viên Trường THCS Quang Trung, quận 4, TPHCM): Bạn của học trò

Gặp cô Mỹ Dung vào giữa giờ ra chơi, chúng tôi bất ngờ trước sự gần gũi, thân thiết giữa cô và đám học trò nhỏ. Thấy có khách, đứa lễ phép xin gặp cô lúc khác, đứa nhẹ nhàng đưa cô lá thư tay. “Mình coi học sinh như bạn nên tụi nhỏ tin tưởng lắm, “khách” học trò tìm đến chủ yếu là để chia sẻ những khúc mắc trong tình bạn, trong chuyện gia đình”, cô Mỹ Dung nói với một tâm trạng dạt dào yêu thương.

26 năm gắn bó với nghề, cô Dung không chỉ là giáo viên dạy môn Văn giỏi, đạt được nhiều thành tích mà đáng chú ý nhất, cô còn là một chuyên gia tư vấn tuyệt vời của học sinh. Tiếp nhận nhiệm vụ tư vấn học đường từ năm 2010, đến nay cô Dung đã tạo được sự tin yêu của rất nhiều học sinh, phụ huynh ở các trường trên toàn thành phố. Cô Dung cho biết, đây là nhiệm vụ mà cô bị trường “ép” làm nhưng càng làm càng tâm sự nhiều với học trò thì nhận ra đó là cái duyên, là điều dễ thương mà cô may mắn nhận được.

Năm 2013, cô được cử đi dự lớp tập huấn do Bộ GD-ĐT tổ chức rồi được chọn để tập huấn lại cho hàng trăm giáo viên các trường trên địa bàn TPHCM. Cô Mỹ Dung đã mất 4 tháng để tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu về tâm lý tuổi học trò, gặp gỡ nhiều chuyên gia, các bác sĩ tâm lý trong và ngoài nước, tìm hiểu các tài liệu nước ngoài để soạn thành một đề cương thuyết phục. Tuy mới đảm nhiệm vai trò tư vấn học đường 4 năm qua nhưng thực tế, ngay từ đầu những năm 1990 cô đã có nhiều trải nghiệm trong việc khuyên răn, giúp học trò vượt qua những cú sốc về tinh thần, dù khi ấy bản thân chỉ là một cô giáo mới ra trường, còn non về kinh nghiệm nghề và kinh nghiệm sống. “Ngày đó mình giúp học trò hoàn toàn bột phát bằng trái tim. Ngày nay thì khác, bên cạnh tình thương học trò, mình còn có nhiều kinh nghiệm sống, tích lũy thêm kiến thức về tuổi mới lớn để nhìn nhận vấn đề sâu sắc hơn, cụ thể hơn”, cô Dung tâm tình.

Kể về những học trò cô từng mất ăn mất ngủ thì nhiều lắm. Đó là những cô bé tìm đến cái chết chỉ vì phát hiện mình là con nuôi, không được mọi người yêu thương. Đó là cậu học trò mồ côi phải bỏ học để đi bán vé số nuôi 4 đứa em mà cậu đã nhận trách nhiệm lo toan, che chở khi người mẹ gửi gắm trước lúc ra đi... Chính tình yêu thương đó, đến nay những học trò được cô tận tình bao bọc, khuyên răn đều đã thành đạt và sống chan hòa với mọi người.

Giải thưởng Võ Trường Toản đem lại cho cô niềm hạnh phúc vô bờ khi cô nhận được hàng trăm cuộc điện thoại chúc mừng từ người thân, bạn bè, đồng nghiệp và học trò khắp nơi. Suốt cuộc trò chuyện, chúng tôi bắt gặp nhiều trạng thái tình cảm của cô khi nhắc về những học trò ngày ấy và bây giờ. Tất cả đều chung một điểm là coi học trò như những người bạn trẻ tuổi, bởi cô luôn đặt mình vào vị trí của học trò để cảm nhận và sẻ chia.

MINH VÂN

*****

Thầy NGUYỄN DI TÍCH, Trường Cao đẳng Kinh tế TPHCM: Hạnh phúc khi thấy trò thành đạt

Với tuổi nghề hơn nửa tuổi đời, thầy Nguyễn Di Tích, giảng viên Khoa Tài chính - Kế toán Trường CĐ Kinh tế TPHCM luôn tạo được cảm giác thân thiện, cởi mở khi trò chuyện với chúng tôi về chuyện đời, chuyện nghề.

Hơn 31 năm gắn bó với nghề, đào tạo nhiều thế hệ học trò cùng với bao thăng trầm của cuộc sống đã giúp thầy càng thấy yêu nghề, yêu ngôi trường này hơn. Thầy tâm sự: “Cái ngành tôi đang theo cũng như cuộc đời vậy. Có lúc sinh viên vô học ào ào, có lúc vắng vẻ. Nhưng tôi luôn nghĩ dù học ngành nào nhưng các em không đam mê, không yêu thích, không nghiêm túc với chính bản thân mình thì chắc chắn sẽ không thành công, không sống được với nghề”. Chính cách nghĩ ấy, thầy đã đem kinh nghiệm sống lồng ghép vào những bài giảng, những buổi thực tế để truyền thụ cho sinh viên.

Mỗi giờ lên lớp đối với thầy Nguyễn Di Tích là một niềm vui.

Ngành thầy Nguyễn Di Tích dạy khá đặc biệt là dạy các em tiếp xúc với tiền và quản lý tiền như thế nào cho lành mạnh. Thầy chia sẻ: “Cái nghề của các em chọn là quản lý và tiếp xúc với tiền bạc. Do đó, tôi muốn sinh viên phải ghi nhớ những điều cốt lõi là phải cẩn thận, trung thực và am hiểu các chính sách pháp luật để bảo vệ và quản lý tốt “sức khỏe” của công ty, doanh nghiệp”.

Sự nghiêm túc trong nghề nghiệp cùng với mong muốn trang bị cho sinh viên những kỹ năng cần thiết để ứng dụng trong thực tiễn, thầy Tích đã luôn chủ động bổ sung và lấp đầy những “khoảng trống” kiến thức, kỹ năng cho sinh viên. Xuất phát từ lòng nhiệt huyết ấy, môn thực hành sổ sách kế toán mà thầy cải tiến đã giúp ích rất nhiều cho sinh viên khi ra trường. Giải thích về sáng kiến của mình, thầy Tích lý giải: “Hiện nay với sự phát triển của công nghệ thông tin, ở các công ty, doanh nghiệp lớn, người làm kế toán thao tác trên các phần mềm một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, tôi muốn sinh viên ra trường có thể làm việc ở bất kỳ môi trường hoặc doanh nghiệp lớn hay nhỏ nào. Vì vậy, tôi đã dạy cho sinh viên thêm kỹ năng thực tế thông qua việc tập làm bài tập kế toán sổ sách bằng tay”. Có lẽ chính sự đầu tư nghiêm túc trong từng giờ giảng, bài giảng ấy mà sinh viên học môn của thầy luôn đạt tỷ lệ khá, giỏi trên 50%.

Nếu trên bục giảng thầy là một tấm gương tận tụy với nghề, với trò thì đằng sau bục giảng thầy luôn được đồng nghiệp yên mến bởi sống chan hòa. Chính vì vậy, những thành tích, đóng góp của thầy luôn được nhà trường và cơ quan nhà nước ghi nhận và biểu dương như: Chiến sĩ thi đua cấp thành phố, đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở từ năm 2008 đến nay, Bằng khen của thành phố các năm 2010, 2012, 2014 và Huy hiệu TPHCM.

THANH HÙNG

*****

Thầy HOÀNG MINH CHÍ, Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền: Những giờ dạy Vật lý tâm huyết

Đam mê dạy học, gắn bó với sự nghiệp bồi dưỡng học sinh giỏi môn Lý từ những năm 1980, thầy Hoàng Minh Chí đã tiếp sức cho những ước mơ học giỏi, thành đạt của nhiều thế hệ học trò. Để mang đến cho học trò mình những kiến thức mới, thầy luôn tìm tòi, sưu tầm tư liệu, những cuốn sách hay. Thầy kể rằng, thời đất nước còn nghèo khó, đồng lương giáo viên ít ỏi nhưng sưu tầm được cuốn sách hay từ nước ngoài, khó mấy, cực mấy, tốn kém mấy tôi cũng phải tìm mọi cách dịch bằng được. Nhờ những kiến thức “độc” sưu tầm được, bài giảng của thầy giúp học trò khám phá, trải nghiệm những điều mới lạ. Không chỉ dạy học bằng phương pháp tư duy, thầy luôn cập nhật những kiến thức mới, nâng cấp bài giảng, gắn lý thuyết với thực tiễn sinh động của cuộc sống. Chính vì thế, những tiết dạy đầy ắp tâm huyết, tình yêu thương dành cho học trò của thầy luôn mang đến sự thích thú, thậm chí là ngỡ ngàng cho những ai yêu thích môn Lý.

Nở nụ cười thân thiện, thầy Minh Chí bộc bạch chân tình: “Muốn học trò ham học, hiểu sâu vấn đề thì người thầy phải chủ động đổi mới phương pháp dạy học, khuyến khích học sinh tự học, phát triển tư duy độc lập, sáng tạo. Vì thế, đưa ra những bài tập vật lý gắn với thực tiễn sẽ giúp các em nhớ lâu, hiểu sâu kiến thức và ham thích môn học...”. Phụ trách các lớp chuyên ở trường, tham gia huấn luyện đội tuyển học sinh giỏi quốc gia, thầy đã bắc cầu - giúp học trò đạt được những thành tích cao nhất. Thật nể phục khi nhìn vào bảng thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi của thầy Hoàng Minh Chí trong những năm qua. Chỉ tính riêng giải Olympic môn Lý các tỉnh phía Nam, học trò của thầy đã đoạt với 23 huy chương, trong đó có 5 huy chương vàng. Ngoài thành tích dẫn dắt một học sinh đoạt giải Ba toàn quốc môn Vật lý năm học 1994-1995, thầy còn bồi dưỡng cho 108 học sinh lớp 12 đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp TP với nhiều giải nhất, nhì, ba. Không những thế, những kinh nghiệm, sáng kiến của thầy đã trở thành điểm sáng, được đánh giá cao tại các hội giảng giáo viên từ cấp trường đến cấp quận. Đặc biệt, cuốn bài tập thực hành Vật lý lớp 10 do Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam xuất bản đã trở thành cẩm nang cho học trò, cũng như đồng nghiệp tham khảo…

Tuy có “thương hiệu” giáo viên dạy giỏi môn Lý nhưng thầy không hề dạy thêm vì muốn dành thời gian, tâm huyết cho công việc huấn luyện, bồi dưỡng học sinh giỏi của trường lẫn TP. Suốt 36 năm gắn bó với nghề giáo, thầy luôn đón nhận niềm vui, sự trân trọng, quý mến từ học trò, sự đánh giá cao của đồng nghiệp. Và với thầy, niềm vui hái trái ngọt-những thành quả từ công sức vun trồng, bồi dưỡng học sinh giỏi là món quà vô giá và mang lại giá trị tinh thần lớn nhất, khó có gì so sánh được.

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục