Dịp 2-9 năm nay thật ý nghĩa khi lại trùng vào dịp lễ Vu lan báo hiếu, vì thế, dòng người từ khắp mọi miền đất nước và kiều bào ở nước ngoài về Thủ đô Hà Nội cũng đông hơn. Đông đảo người dân vào Lăng viếng Bác, thăm Phủ Chủ tịch, thể hiện lòng biết ơn thành kính trước công lao to lớn của Bác Hồ.
Hoàng thành Thăng Long dịp này cũng tấp nập du khách trong và ngoài nước đến để tận mắt ngắm nhìn Di sản văn hóa của nhân loại, nơi là vị trí trung tâm quyền lực của nhiều vương triều xuyên suốt chiều dài lịch sử hơn 10 thế kỷ với nhiều điểm nhấn: Khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu với những tầng văn hóa sâu đậm, điện Kính Thiên, Đoan Môn, Cột cờ Hà Nội, đặc biệt là di tích cách mạng nằm trong Hoàng Thành với căn hầm ngầm độc đáo là nhà D67 Khu A Bộ Quốc phòng, nơi Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã đưa ra những quyết định lịch sử: Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, Tổng tiến công nổi dậy mùa xuân năm 1975.
Cùng người cháu sau bao năm xa quê được trở về Việt Nam, ông Nguyễn Văn Bình, Việt kiều ở Đức cho biết, thăm Hoàng thành Thăng Long, ông thật tự hào với văn hóa Việt, khi đây là một di sản hiếm có trên thế giới về sự phát triển chính trị, văn hóa liên tục dài lâu. Di sản này còn ghi đậm dấu ấn thắng lợi của một nước thuộc địa đã đứng lên giành độc lập dân tộc, có ảnh hưởng lớn trong phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, mà vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh là không thể phủ nhận.
Hòa trong không khí rộn ràng của Hà Nội trong dịp Tết Độc lập, Những ngày văn hóa Tây Nguyên lần II thực sự là một món quà với người dân thủ đô. Trong khuôn viên vừa phải của Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam, dù rất khó để tái hiện được Tây Nguyên đại ngàn, rộng lớn, nhưng người dân đến đây đã cảm nhận được cái nắng, cái gió, tình người từ núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ, đắm mình trong âm điệu của cồng chiêng do các nghệ nhân biểu diễn.
Đặc biệt là Triển lãm “Sử thi Tây Nguyên” trưng bày hơn 100 tác phẩm của kho tàng sử thi Tây Nguyên của các dân tộc Bana, Êđê, Mơnông, Raglai, Xêđăng… đã được sưu tầm, giữ gìn và đang được truyền dạy cho thế hệ trẻ Tây Nguyên, đã đem tới cho người xem nhiều cảm xúc về vùng đất này.
Một điểm đến ở Hà Nội thu hút du khách trong dịp 2-9 là Bảo tàng lịch sử Quốc gia. Rất đông người về đây, để được tận mắt ngắm tấm bản đồ cổ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” do nhà Thanh (Trung Quốc) xuất bản, khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Các châu bản thời Nguyễn cũng làm nên sức hút kéo du khách tìm về triển lãm ở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, cho thấy tình yêu đất nước luôn nồng cháy trong trái tim mỗi người dân đất Việt.
V. XUÂN