
Nếu như cách đây chỉ một vài tháng, hàng trăm ngàn nhà đầu tư vẫn kháo nhau rằng chơi chứng khoán là lãi lớn vì giá chứng khoán lên liên tục từng ngày. Thế nhưng 2 ngày qua, thị trường chứng khoán (TTCK) bất chợt thay đổi chiều hướng và nhiều người trong số họ bỗng chốc xoay chiều tham gia vào cuộc đổ bán lớn nhất trong vòng 3 tháng qua.
- Cuộc đổ bán quy mô

Các nhà đầu tư lo lắng chăm chú theo dõi biến động giá cổ phiếu. Ảnh: Thành Tâm
90,45 là số điểm kỷ lục mà chỉ số giá chứng khoán Việt Nam (VN-Index) bị mất chỉ trong 2 phiên giao dịch ngày 14 và 15-3. VN-Index từ mức 1.158,27 điểm đã rớt xuống chỉ còn 1.067,82 điểm, tương ứng giảm 7,8%. Trong 2 ngày, tổng khối lượng chứng khoán bán ra trên thị trường là 21,46 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ trị giá 1.804,3 tỷ đồng. Chưa bao giờ VN-Index giảm điểm nhanh như vậy và cũng chưa bao giờ thị trường phải đối mặt với khối lượng chào bán áp đảo như hiện nay.
Ngày 14-3, thị trường có 86/109 mã chứng khoán giảm giá, trong đó có 70 loại rớt xuống mức giá sàn thấp nhất trong ngày với dư bán sàn là 3,86 triệu chứng khoán trị giá hơn 361,3 tỷ đồng. Tuy nhiên tất cả chưa là gì với phiên giao dịch sáng qua khi VN-Index giảm kỷ lục 48,69 điểm và toàn thị trường có 104 mã chứng khoán bị rớt giá. “Ngày thứ năm đen tối” của TTCK Việt Nam chứng kiến 87 loại cổ phiếu và chứng chỉ quỹ giảm kịch sàn với khối lượng dư bán sàn cao nhất từ trước đến nay là 9,36 triệu chứng khoán, giá trị chào bán giá sàn cũng thấp thứ 2 trong lịch sử 743,9 tỷ đồng, kém con số 950,6 tỷ đồng trong phiên giao dịch ngày 22-12-2006.
Trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội, chỉ số HASTC-Index sau khi leo lên đến mức đỉnh 451,84 điểm ngày 13-3 cũng đã bị giảm mạnh 30,51 điểm (6,75%) xuống chỉ còn 421,33 điểm sau 2 ngày giao dịch. Trong phiên gần nhất, dư bán tại 3 mức giá thấp nhất trên thị trường này đạt hơn 1,5 triệu cổ phiếu trị giá hơn 103,6 tỷ đồng.
Đây là cuộc đổ bán quy mô nhất trong 3 tháng qua và chứng khoán Việt Nam đang đối diện với nguy cơ sụp giá mạnh khi các chỉ số tài chính của những công ty niêm yết đang chống lại sự ổn định của thị trường.
- Giá chứng khoán có lâm vào khủng hoảng?
Khi giá cổ phiếu còn lên nhanh, các nhà đầu tư mới lũ lượt kéo đến các công ty chứng khoán mỗi ngày và trong mắt họ chỉ cần mua và mua. Thậm chí nếu đặt lệnh tranh mua giá các cổ phiếu đang lên nhưng không được khớp, họ sẵn sàng trách móc các nhân viên nhập lệnh không thương tiếc. Tuy nhiên, trong hai ngày 14 và 15-3 vừa qua, việc mua cổ phiếu đã trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết vì hiện nay lượng người bán nhiều hơn hẳn người mua(!). Sự đảo chiều nhanh chóng của TTCK khiến không ít các nhà đầu tư nhỏ lẻ, đặc biệt là những người mới tham gia gặp... choáng. Họ nhanh chóng bị lay chuyển tâm lý từ muốn mua sang muốn bán, làm thay đổi cán cân cung cầu.
Trái với sự sợ hãi từ phía các nhà đầu tư mới, giới đầu tư có kinh nghiệm lại ôn hòa hơn khi cho biết giá chứng khoán giảm là quy luật tất yếu. Theo họ, nếu như trước đây các tổ chức lo ngại về sự can thiệp quá mức từ phía chính phủ thì mới đây tại buổi hội thảo với các doanh nghiệp tại Hồng Công, Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển đã tiếp tục tái khẳng định quan điểm của chính phủ khi cho biết sẽ không dùng các biện pháp hành chính đối với TTCK. Sự e ngại về việc TTCK khủng hoảng do những biện pháp hành chính quá tay sẽ không xảy ra.
Như vậy, đợt giảm giá 2 ngày qua có thể viện dẫn từ ảnh hưởng của việc giá chứng khoán toàn cầu bị chao đảo mạnh trong ngày 13-3 khi lan dần từ Mỹ sang các thị trường tại châu Âu và châu Á. Chứng khoán Việt Nam nhiều năm trước vốn biệt lập với các nước khác nhưng kể từ khi gia nhập WTO, sự liên thông đã dần rõ nét và đợt điều chỉnh giảm giá cuối tháng 2 - đầu tháng 3 vừa qua cũng trùng với giai đoạn khủng hoảng của TTCK Trung Quốc. Ông Nguyễn Miên Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết giá chứng khoán có thể điều chỉnh giảm trong nhiều phiên theo quy luật của thị trường nhưng xét trên giai đoạn từ nay đến cuối năm, sự tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam sẽ là đòn bẩy thúc đẩy TTCK tiếp tục đi lên. Đó cũng là niềm tin của hầu hết các tổ chức nước ngoài đang tăng cường đầu tư vào Việt Nam, tuy nhiên với những nhà đầu tư “ngắn hạn” đang ăn theo giá cổ phiếu, sẽ có không ít người... sốt vó.
TƯỜNG CHÂU