Như tin SGGP đã đưa, ngày 21-8, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã thừa nhận trách nhiệm dẫn đến tình trạng căng thẳng, tốn kém trong đợt tuyển sinh vừa qua. Thế nhưng việc nhận lỗi này sẽ không có ý nghĩa gì nếu Bộ GD-ĐT không thực sự lắng nghe, nhìn nhận những thiếu sót, hoàn thiện phương án tuyển sinh cho năm sau.
Thủ phạm là... phần mềm tuyển sinh
Một trong sự khác biệt lớn nhất của đổi mới tuyển sinh năm 2015 là thí sinh biết điểm trước rồi mới đăng ký xét tuyển vào đại học. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT được đánh giá là quá chiều thí sinh khi cho các em được đăng ký tới 4 ngành trong 1 trường ở đợt tuyển đầu tiên và trong vòng 20 ngày các em được rút hồ sơ nếu thấy cơ hội đậu không cao. Mục đích của sự thay đổi này theo Bộ GD-ĐT là nhằm tạo cơ hội trúng tuyển lớn nhất cho thí sinh, bảo đảm thí sinh điểm cao không bị trượt oan đại học như hồi thi đại học 3 chung. Nhưng thực tế có đạt được mục tiêu đó không? Sự thật, như thừa nhận của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, việc cho thí sinh đăng ký nguyện vọng 4 ngành, lại được thay đổi nguyện vọng trong thời gian dài là 20 ngày trong khi những quy định liên quan đến hồ sơ đăng ký xét tuyển chưa hợp lý và việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) chưa ổn là một trong những nguyên nhân chính khiến đợt xét tuyển vừa qua bị rối loạn.
Nhiều hạn chế, bất cập trong xét tuyển đại học 2015 do Bộ GD-ĐT can thiệp quá sâu
Theo thống kê, có khoảng 43.000 thí sinh thay đổi nguyện vọng, trong đó chỉ có trên 10.000 thí sinh thực hiện thủ tục qua Sở GD-ĐT, còn lại trên 30.000 đến trực tiếp các trường. Việc hàng chục ngàn thí sinh đến rút hồ sơ tại trường trong khi hạ tầng CNTT cũng như phần mềm của Bộ GD-ĐT chưa hoàn thiện đã gây nên tình trạng tắc nghẽn, nhiều nơi hệ thống gần như bị “đơ” không thể xử lý nổi. Lãnh đạo nhiều trường đại học đều cho rằng, tất cả vấn đề này nằm ở Bộ GD-ĐT, mà cụ thể là Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục vì đã can thiệp quá nhiều, quá sâu vào quy trình xét tuyển của các trường đại học. Buộc tất cả trường phải dùng phần mềm xét tuyển của Bộ GD-ĐT là nguyên nhân gây ra rối rắm như vừa qua.
Thực tế kỳ thi năm nay đã trở thành “4 chung”: chung giờ, chung đề, xét tuyển chung, chung phần mềm xét tuyển. Chính phần mềm xét tuyển chung là nguyên nhân gây ra tất cả xáo trộn. Với cơ sở hạ tầng CNTT yếu kém, không có sự chuẩn bị chu đáo đã dẫn đến nhiều rắc rối, mà dấu hiệu đầu tiên đã bộc lộ ngay ngày công bố điểm thi, thí sinh không xem được điểm do nghẽn mạng. Đến khi xét tuyển, phần mềm này cũng gây ra sự tắc nghẽn trong quá trình nộp - rút. Bởi khi thí sinh tới rút các trường có thể trao lại hồ sơ giấy tờ mà các em đã nộp, nhưng trường phải thông qua Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục mới xóa được dữ liệu. Xóa xong thí sinh mới nộp được vào trường khác. Khi lượng hồ sơ rút cao, mạng liền bị tắc.
Ông Lê Hữu Lập, Phó Giám đốc Học viện Bưu chính viễn thông, cho rằng, phần mềm xét tuyển của Bộ GD-ĐT chỉ được hoàn chỉnh vào ngày 11-8 (thời điểm bộ công bố thí sinh có thể đến rút hồ sơ tại Sở GD-ĐT), trong khi kỳ xét tuyển đã bắt đầu trước đó 10 ngày (từ ngày 1-8). Nghĩa là bộ “vừa làm vừa hoàn thiện”, trong khi xét tuyển là một vấn đề rất lớn. Điều đó cho thấy khâu chuẩn bị của Bộ GD-ĐT không tốt. Với phần mềm chưa hoàn thiện, cộng thêm hạ tầng CNTT chưa bảo đảm, việc tắc nghẽn là điều đương nhiên. Trong khi đó, hơn một lần Bộ GD-ĐT đã trấn an xã hội rằng “bộ đã lường hết các tình huống”…
Cục CNTT của Bộ GD-ĐT đứng ngoài cuộc?
Với mục tiêu ban đầu là bảo đảm thí sinh điểm cao không bị trượt đại học, mở rộng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh nên Bộ GD-ĐT yêu cầu 3 ngày/lần, các trường phải công bố danh sách thí sinh đã nộp hồ sơ, thứ hạng của thí sinh để các em biết được khả năng trúng tuyển của mình. “Nhưng thực tế mỗi trường làm một kiểu, phần mềm của các trường không thống nhất. Trường thì công bố rất trách nhiệm, đầy đủ dữ liệu để thí sinh có thể tính toán tương đối chính xác; trường thì công bố như đánh đố học sinh, khiến các em như lạc vào ma trận”, ông Lập chỉ ra. Nhiều trường thụ động ngồi chờ phần mềm xét tuyển của bộ, trong quá trình xét tuyển lại công bố cùng lúc cả 4 nguyện vọng, vì vậy không lọc được lượng thí sinh ảo khiến thí sinh, phụ huynh hoang mang rồi vội vã rút hồ sơ vì không biết đậu hay rớt.
Một thông tin đáng chú ý khiến xã hội khó hiểu đó là trong toàn bộ “cuộc chiến” xét tuyển năm nay, khi mà yếu tố CNTT sẽ quyết định thành/bại thì Cục CNTT của Bộ GD-ĐT gần như đứng ngoài cuộc. Nói cách khác, “trận địa” được giao cho Viettel và Cục khảo thí và Kiểm định giáo dục triển khai, từ phần mềm tuyển sinh đến dữ liệu kỳ thi.
Tất cả những điều này cho thấy, khi hạ tầng CNTT chưa ổn mà công tác chuẩn bị lại không kỹ càng, thậm chí có phần chủ quan, duy ý chí thì hậu quả là không thể tránh khỏi.
LÂM NGUYÊN
>>Hạn chế, bất cập trong xét tuyển đại học: Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhận trách nhiệm