Hàn Quốc với nỗi lo “bong bóng tiền ảo”

Quy mô giao dịch tiền điện tử, hay còn gọi là tiền ảo, đang tăng chóng mặt, vượt qua cả lượng giao dịch trên thị trường cổ phiếu Hàn Quốc. Nhiều ý kiến lo ngại về “bong bóng tiền ảo” và cho rằng, Chính phủ Hàn Quốc cần siết chặt quy chế về loại tiền này.
Giá của các đồng tiền ảo được niêm yết trên bảng điện tử của sàn giao dịch Bithumb ở quận Gangnam, thủ đô Seoul
Giá của các đồng tiền ảo được niêm yết trên bảng điện tử của sàn giao dịch Bithumb ở quận Gangnam, thủ đô Seoul

Theo đài KBS, “trận cuồng phong” tiền ảo thể hiện rõ khi đồng Arowana Token được niêm yết trên sàn giao dịch tiền ảo vào ngày 20-4. Từ mức giá khởi điểm 50 won (0,04 USD) vào lúc 14 giờ 30 chiều cùng ngày, Arowana Token đã tăng lên tới 53.000 won (47,4 USD) chỉ trong 30 phút, tăng 100.000% (gấp 1.000 lần). Một quan chức sàn giao dịch cho biết, trước đây, từng có nhiều trường hợp giá tiền ảo tăng vọt trong ngày đầu niêm yết, nhưng mức tăng 100.000% là chưa từng thấy.

Trong năm nay, quy mô thị trường tiền ảo Hàn Quốc đã phình ra gấp nhiều lần. Giá trị vốn hóa của Alt-coin (các đồng tiền ảo, trừ loại tiêu biểu nhất hiện nay là Bitcoin) đã tăng gấp 5 lần. Chỉ số Alt-coin của sàn giao dịch tiền ảo Upbit tính đến ngày 16-4 đạt 8.960,54 điểm, tăng gấp 5,25 lần so với mức 1.707,52 điểm của phiên giao dịch ngày 31-12 năm ngoái. Trong khi đó, đồng Dogecoin - được tỷ phú người Mỹ Elon Musk hậu thuẫn - sau khi được niêm yết với giá 65 won (0,06 USD) đã tăng lên 467 won (0,42 USD).

Chỉ số Alt-coin ở sàn giao dịch khác là Bithumb cũng tăng khoảng 4,7 lần. Đồng tiền này thậm chí còn được giao dịch tại Hàn Quốc với giá cao hơn ở nước ngoài. Đây là một minh chứng thể hiện rõ sức nóng tiền ảo tại Hàn Quốc. Nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ trọng tuyệt đối trong giao dịch tiền ảo. Do vậy, việc quy mô giao dịch tiền ảo bắt đầu vượt qua cả thị trường cổ phiếu, cho thấy các nhà đầu tư cá nhân đang chuyển sang giao dịch tiền ảo.

Bất chấp quy mô giao dịch tiền ảo tăng bùng nổ như vậy, trách nhiệm kiểm chứng như xác nhận danh tính, an toàn trong giao dịch lại được giao cho các ngân hàng tư nhân. Nhiều ý kiến lo ngại tiền ảo đang bị lợi dụng như phương tiện để thực hiện các hành vi phi pháp, như rửa tiền, đầu cơ trái phép, lừa đảo đa cấp. Ngoài ra, tính bất ổn trong giao dịch tiền ảo cũng rất lớn. Ví dụ, như giá Bitcoin có ngày dao động rất lớn, từ 70 triệu won (62.600 USD) tới 100 triệu won (89.400 USD), là điều kiện tốt có thể đầu cơ. Đây chính là lý do khiến nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ Hàn Quốc phải lập quy chế với tiền ảo.

Trên thực tế, trung tuần tháng 4 vừa qua, Chính phủ Hàn Quốc đã tổ chức cuộc họp cấp thứ trưởng các ban ngành hữu quan, quyết định tiến hành giám sát đặc biệt liên ngành về các hành vi phi pháp liên quan tới tiền ảo như lừa đảo, đa cấp, huy động vốn đầu tư trái phép. Một số ý kiến khác trong chính giới cho rằng, do chính phủ nước này đã có đường lối việc đánh thuế với lợi nhuận thu được từ tiền ảo nên cơ quan tài chính cần phải giám sát với các giao dịch tiền ảo.

Tin cùng chuyên mục