Hàng trăm trường hợp không hợp tác khi kiểm tra nồng độ cồn

Chiều 21-7, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) thông tin, sau một tháng thực hiện đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát bảo đảm trật tự an toàn giao thông (từ 20-6 đến 20-7), trung bình mỗi ngày lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc phát hiện, xử lý 950 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, hơn 400 xe chở quá tải…


Một tháng qua, cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý hơn 241.000 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông; xử phạt gần 30.000 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn.

Theo Cục Cảnh sát giao thông, so với cùng kỳ năm 2021, xử phạt tăng gần 30.000 trường hợp, số tiền tăng 170 tỷ đồng. Riêng số tiền phạt của các trường hợp vi phạm nồng độ cồn đạt hơn 127 tỷ đồng, tạm giữ gần 29.000 phương tiện, tước hơn 18.000 giấy phép lái xe.

Hàng trăm trường hợp không hợp tác khi kiểm tra nồng độ cồn ảnh 1 Lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn của lái xe tại Hà Nội

Đáng chú ý, các trường hợp vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất chiếm 29,6% (8.471 trường hợp), không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn có 382 trường hợp. Thời gian phát hiện các “ma men” nhiều nhất từ 18 giờ đến 22 giờ hàng ngày với hơn  17.700 trường hợp.

Qua thống kê, TPHCM có nhiều trường hợp vi phạm nhất (hơn 4.200 trường hợp vi phạm nồng độ cồn). Tiếp đó là Hà Nội (hơn 1.600 trường hợp); Bình Dương (hơn 1.200 trường hợp); Bắc Ninh (hơn 1.000 trường hợp); Bắc Giang (hơn 900 trường hợp)…

Cũng trong một tháng qua, lực lượng chức năng đã xử lý hơn 25.200 trường hợp vi phạm về tốc độ, phạt tiền hơn 45 tỷ đồng; tạm giữ 875 phương tiện; tước 6.071 giấy phép lái xe.

Cùng đó, lực lượng cảnh sát đường thủy xử lý 4.472 trường hợp chở quá vạch mớn nước an toàn; không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ phao cứu sinh, thiết bị an toàn kỹ thuật, phòng cháy chữa cháy với 102 trường hợp; vi phạm về đăng ký, đăng kiểm với 356 trường hợp.

Qua một tháng, lực lượng cảnh sát giao thông đã xử lý hơn 13.000 trường hợp phương tiện vận tải hàng hóa vi phạm quy định về “cơi nới” thùng xe, chở hàng quá tải trọng, quá khổ; phạt tiền hơn 64 tỷ đồng; tạm giữ 355 phương tiện; tước hơn 5.000 giấy phép lái xe.

Một số địa phương có kết quả xử lý vi phạm cao về cơi nới thùng xe, chở hàng quá tải trọng: Hà Nội (hơn 1.106 trường ); Thanh Hóa (983 trường hợp); Bắc Ninh (699 trường hợp); TPHCM (491 trường hợp)…

Đợt cao điểm này kết thúc vào 20-9, tuy nhiên tại hội nghị sơ kết công tác an toàn giao thông 6 tháng đầu năm 2022, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã nhấn mạnh, sau cao điểm lực lượng cảnh sát giao thông sẽ tiếp tục duy trì việc kiểm tra xử lý như thời gian cao điểm, các doanh nghiệp, chủ xe không nên có tư tưởng “chờ thời” đợi hết cao điểm thì hoạt động trở lại.

Tin cùng chuyên mục