Hành động để xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam - Bài 3: Ưu tiên xây dựng con người

Báo cáo sơ kết 5 năm triển khai Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, Đảng, Chính phủ và các bộ, ngành đã xác định sẽ đầu tư mạnh cho lĩnh vực văn hóa trong thời gian tới, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng con người. 
Bạn trẻ hiến máu tình nguyện tại điểm hiến máu nhân đạo 26 Lương Ngọc Quyến, Hà Nội trong những ngày phòng chống dịch Covid-19
Bạn trẻ hiến máu tình nguyện tại điểm hiến máu nhân đạo 26 Lương Ngọc Quyến, Hà Nội trong những ngày phòng chống dịch Covid-19

Phát huy cái tốt, chế ngự cái xấu

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, trong nhiệm vụ xây dựng con người mới, việc phát huy các giá trị truyền thống phải đặt lên hàng đầu. Trong đó, việc xây dựng lối sống “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”, đoàn kết, tương thân tương ái là rất quan trọng. Lối sống này đã phát huy rất tích cực trong cuộc chiến chống Covid-19 khi hàng ngàn người dân đã đồng lòng, chung tay. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên chỉ một chiều ca ngợi cái tốt đẹp, tích cực, cần phải nhìn nhận những yếu kém của mình để khắc phục, đó là tinh thần phê và tự phê của Bác Hồ, là nguyên lý nhìn thẳng vào sự thật. 

Trong lịch sử, các nhà yêu nước Phan Bội Châu trong Việt Nam Quốc sử khảo và Phan Chu Trinh trong Pháp Việt liên hiệp hậu chi tân Việt Nam cũng đã thẳng thắn chỉ ra một số cái thậm xấu của người Việt, trong đó có nói đến việc tôn sùng những điều xa hoa vô ích, bỏ bê việc công, chỉ biết lợi mình... Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc cũng chỉ ra bệnh tham lam, lười biếng, bê tha, bè phái, địa phương chủ nghĩa, ham danh vị, quân phiệt, quan liêu, xa rời quần chúng, hẹp hòi, chuộng hình thức, lối làm việc bàn giấy, vô kỷ luật và nhiều đức tính xấu khác từ đó mà ra. Sau này, các học giả Trần Ngọc Thêm, Vương Trí Nhàn cũng phân tích, đúc kết những thói xấu của người Việt, coi đó như những căn nguyên hạn chế tầm nhìn, hạn chế sự phát triển của địa phương, của quốc gia. 

Thói xấu ấy tuy chỉ tồn tại trong một số bộ phận, song chúng ta không thể không xấu hổ khi tại một số nước châu Âu, rồi Nhật Bản đã từng xuất hiện những tấm biển nhắc nhở bằng tiếng Việt nhằm chấn chỉnh hành vi gian dối, trộm cắp, mất vệ sinh nơi công cộng. Ở trong nước, theo Viện Dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương), có nhiều biểu hiện tiêu cực đang là nỗi lo lắng, bức xúc trong đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đó là nạn tham nhũng, sự tha hóa, biến chất của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có nhiều người giữ trọng trách trong các cơ quan công quyền.

Nhiều cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý bị “gọi tên” trong các vụ án lớn là những ví dụ điển hình. Nhiều thói xấu khác cũng đang hiện diện ở nhiều nơi, ví dụ sự gian lận trong thi cử tại Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La; sự gian lận trong chạy quyền, chạy chức diễn ra ở nhiều địa phương; sự lạm dụng chức quyền mưu lợi cá nhân, như câu chuyện sử dụng xe biển xanh cho các mục đích ngoài công vụ; hay như câu chuyện văn hóa giao thông kém khi thói quen vượt đèn đỏ, cho xe đi lên vỉa hè, đi ngược chiều... vẫn diễn ra hàng ngày. Thực trạng này cho thấy, việc điều chỉnh những thói xấu, những hành vi này cần được coi là nhiệm vụ cụ thể của việc xây dựng văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn tới. 

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng cần nghiên cứu, khái quát thành quy luật, thành đặc tính cả 2 chiều để tìm ra phương pháp phát huy cái tốt, chế ngự cái xấu. Nhưng cách đặt vấn đề phải trên tinh thần thiện chí, không bôi bác. Có thể nghiêm khắc nhưng nói phải đi đôi với giải pháp, có thể là cả chế tài nếu muốn đất nước đi vào khuôn khổ. Đồng thời phải phát huy văn hóa nêu gương, trước hết là ngay trong chính gia đình, cha mẹ ông bà làm gương sáng cho con cháu, ra đến xã hội thì cấp trên phải làm gương cho cấp dưới, thầy cô phải làm gương cho học trò...

Sớm ban hành hệ giá trị chuẩn mực

Theo đánh giá của Ban Tuyên giáo Trung ương, dù có nhiều nỗ lực nhưng việc xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế chưa đạt được mục tiêu đề ra. Cho đến thời điểm này, công tác nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để hình thành cơ sở lý luận, đúc kết hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam còn chậm, lúng túng, bị động khi đưa nghị quyết vào cuộc sống. PGS-TS Bùi Hoài Sơn (Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam) cho rằng, trong bối cảnh xã hội có nhiều diễn biến phức tạp, có những giá trị bị đảo lộn, việc ban hành hệ giá trị chuẩn mực về văn hóa, con người Việt Nam càng trở nên hết sức cấp thiết. Hệ giá trị đó cần được xây dựng dựa trên các nguyên tắc và khát vọng được đại đa số thành viên trong xã hội chấp nhận, cổ vũ và hướng tới; có vai trò to lớn trong việc định hướng mục tiêu, phương thức hành động, cách ứng xử của con người; tham gia mạnh mẽ vào sự điều tiết xã hội. Đối với nhiều quốc gia, hệ giá trị văn hóa và con người trở thành kim chỉ nam trong cuộc sống, là động lực và mục tiêu phấn đấu không chỉ cho các nhà lãnh đạo mà cả đối với từng cá nhân.

Thông tin từ Bộ VH-TT-DL cho biết, dự kiến năm 2021, Chính phủ sẽ ban hành hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Hệ giá trị này, theo PGS-TS Bùi Hoài Sơn, bên cạnh việc kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp như yêu nước, nhân ái, đoàn kết, cần cù, trung thực... cần xây dựng và hoàn thiện các giá trị mới tiến bộ của nhân loại, như dân chủ, trách nhiệm, sáng tạo, kỷ cương, thượng tôn pháp luật. Nhất thiết, hệ giá trị văn hóa và con người Việt Nam cần đảm bảo sự cân đối, hài hòa giữa các chiều kích: truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế; kế thừa và phát triển, giữa mong muốn chủ quan và điều kiện thực hiện, giữa ý chí của tầng lớp lãnh đạo và sự đồng thuận của toàn xã hội. Có như vậy, chúng ta mới xây dựng và thực thi thành công hệ giá trị văn hóa và con người Việt Nam trong bối cảnh mới.

Theo Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện, đây cũng là thời điểm phong trào học tập và làm theo gương Bác Hồ cần được tiếp tục lan rộng trong cuộc sống. Mỗi người, ở vị trí của mình, cần học và làm theo  Bác bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, để phong trào không là hình thức, sáo mòn. Việc phát hiện, tuyên dương điển hình tiên tiến như các cấp, các ngành đang làm hiện nay là rất cần thiết, nhưng cần phải chọn ra những tấm gương thực sự có sức truyền cảm hứng cho xã hội, có thể xây dựng thành những hình tượng nghệ thuật để tăng sức lan tỏa. Chúng ta rất cần xây dựng được những hình tượng nghệ thuật của thời kỳ đổi mới, với những đặc điểm mang tính thời đại, nhiều khát vọng, giàu sáng tạo, sẵn sàng dấn thân...

Bộ VH-TT-DL cho biết, trong thời gian tới, những nội dung được nêu trong Kết luận 76/KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33 sẽ được triển khai mạnh mẽ. Trong đó, xây dựng văn hóa sẽ được coi trọng từ trong Đảng, trong bộ máy nhà nước với việc chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong hệ thống chính trị và xã hội. Bên cạnh đó, yếu tố văn hóa và con người phải đặc biệt coi trọng trong phát triển kinh tế với việc đẩy mạnh triển khai xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tinh thần khởi nghiệp, xây dựng đội ngũ doanh nhân giỏi, kinh doanh đúng pháp luật, đóng góp có trách nhiệm cho cộng đồng và xã hội.

Tin cùng chuyên mục