

Các nhà hoạt động môi trường hóa trang thành những con ốc sên, kêu gọi các chính phủ trên thế giới đừng hành động chậm trễ trước tình trạng nóng lên toàn cầu.
Ngày 12-12, Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon đã khai mạc cuộc đàm phán cấp cao tại Hội nghị biến đổi khí hậu thế giới diễn ra tại Bali, Indonesia.
Ông cho biết nếu không có hành động kịp thời, thế giới sẽ đối mặt với nhiều tác động của tình trạng khí hậu toàn cầu nóng lên như hạn hán, nạn đói và mực nước biển dâng cao. “Đây là thách thức của thế hệ chúng ta, không chỉ thế giới để mắt đến chúng ta, quan trọng hơn, các thế hệ tương lai sẽ phụ thuộc vào chúng ta.
Chúng ta không thể tước đoạt tương lai của thế giới” - TTK LHQ Ban Ki Moon nói. Các đại biểu tham dự hội nghị hy vọng sẽ đạt được một lộ trình Bali (chậm nhất vào cuối năm 2009), dẫn đến việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính thay thế Nghị định thư Kyoto hết hạn vào năm 2012. LHQ và EU mong muốn các nước phát triển cam kết cắt giảm 25%-40% vào năm 2020 so với năm 1990. Mỹ, Nhật Bản và Canada là ba trong số các nước phản đối cắt giảm thêm khí thải.
Trong khi đó, tân Thủ tướng Australia Kevin Rudd đã trình TTK LHQ văn kiện xác nhận nước ông đã phê chuẩn nghị định thư Kyoto. Thủ tướng Australia nói: “Cộng đồng thế giới phải đạt được một hiệp định. Sẽ không có kế hoạch nào khác ngoài việc cắt giảm khí thải bởi vì chúng ta không có một hành tinh nào khác để tới đó sống”.
Khai mạc từ ngày 3-12 và dự kiến bế mạc ngày 14-12, các đoàn đại biểu gần như thống nhất về các nguyên tắc lớn tìm một văn bản chính thức thay thế nghị định thư Kyoto, tuy nhiên về chi tiết vẫn còn nhiều tranh cãi. Đặc biệt là tỷ lệ khí thải cắt giảm mà các nhà khoa học LHQ đưa ra. Mỹ cho rằng vấn đề cắt giảm khí thải chỉ nên thực hiện tự nguyện không nên bắt buộc.
Vấn đề khác còn gây tranh cãi là quỹ giúp các nước nghèo đối phó với những tác động về kinh tế và xã hội do tác động của thay đổi khí hậu. Ước tính mỗi năm quỹ này cần hàng chục tỷ USD nhưng tới nay các nước cam kết đóng góp chỉ mới bằng 1/10 số tiền nói trên. Các nhà phân tích cho biết dự kiến đến ngày bế mạc (14-12), các bộ trưởng tham dự hội nghị sẽ vận động qua điện thoại từ các nhà lãnh đạo của họ để giúp Hội nghị Bali thành công.
H.Q. (Theo BBC, AFP)