Sự khắc nghiệt của chiến tranh đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời của người con gái ấy. Bom napalm đã làm biến dạng gương mặt chị. Nhưng trải qua bao biến cố, cuối cùng chị cũng đến được bến bờ hạnh phúc.
Tội ác chiến tranh
Khuôn mặt biến dạng, chảy xệ vì bom napalm, bụng chửa vượt mặt, chị nặng nhọc bước trên đường. Chỉ 10 ngày nữa là đứa con đầu lòng của chị sẽ chào đời. Buổi sáng hôm ấy, chồng bảo chị ra nhà người em thứ năm ở Bình Thủy, chị không hỏi gì, chỉ lẳng lặng nghe theo. Đến nơi anh bảo chị vào trước, khoảng cách từ mặt tiền đường vào nhà người em chồng không xa nhưng chị thấy dường như có gì đó đang ghì chặt đôi chân mình. Từng đối mặt sống chết với kẻ thù, từng chịu đau đớn tột cùng của bom napalm cháy xé thịt da nhưng hôm đó chị linh cảm sẽ có điều gì đó còn kinh khủng hơn, đau đớn hơn gấp nhiều lần những gì chị đã trải qua.
10 phút, 30 phút… rồi buổi sáng chờ chồng ấy kéo dài đến nay đã tròn 30 năm. Khi kể cho tôi nghe điều này, trên khóe mắt nhầu nhĩ của người đàn bà hơn 70 tuổi lúc nào cũng đọng lại một giọt nước mắt. Nó không lăn xuống gương mặt gập ghềnh bom đạn mà hình như đã đông cứng lại, cùng với bao đớn đau về thể xác, tinh thần dồn tụ suốt quãng đời tuổi trẻ đầy dông bão.
Sinh ra ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng Trí Phải, Thới Bình, Cà Mau, năm 1959 chị Phan Thị Huờn là một cô gái tuổi 16 trăng tròn phổng phao, xinh đẹp, hồ hởi tham gia làm liên lạc cho mấy chú, mấy bác hoạt động cách mạng. Bàn chân nhỏ nhắn của cô bé miệt biển ấy đã ghi dấu khắp nơi, từ những cánh rừng ngập mặn cho đến các xóm làng “xôi đậu” nhung nhúc lính tráng. Khi đưa thư, lúc dẫn đường, mọi việc được giao, chị đều hoàn thành xuất sắc. Một thời gian sau chị được tổ chức phân công về đơn vị quân y V 24, nơi tiếp nhận và điều trị các thương bệnh binh từ chiến trường đưa về. Đúng ngày đưa ông Táo về trời 23 tháng Chạp năm Quý Mão (1963), trên đường cùng đồng đội đi mua thực phẩm về tổ chức tết cho thương binh, chị rơi vào tâm điểm trận bom napalm của địch. Đồng đội hy sinh hết, chỉ riêng chị may mắn thoát chết và được gia đình một người dân mang về chăm sóc.
Tôi không dám hỏi chị sự đau đớn lúc đó như thế nào, vì chỉ mới tưởng tượng thôi đã thấy mình sẽ không chịu nổi. Da thịt bị cháy đùn lại từng mảng trên cơ thể, các mạch máu cháy vỡ loang nhăn nhúm, toàn thân như được phủ lên một lớp da mới bằng lửa. Trong bức ảnh do nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Khánh chụp lúc bấy giờ, khi chị vừa được điều trị tạm, cho thấy hai bàn tay thuôn dài rất đẹp, hiện nay không thể tìm được bức ảnh nào của chị trước khi cơ thể bị bom napalm tàn phá, nhưng tôi tin rằng người có hai bàn tay như thế sẽ rất tài hoa và xinh đẹp.
Hai vợ chồng trong ngày vui của con gái.
Nạn nhân của bom napalm trong chiến tranh Việt Nam không ít. Trong số đó có trường hợp của bà Phan Thị Kim Phúc, một nhân vật nổi tiếng qua bức ảnh đoạt giải Pulitzer chụp ngày 8-6-1972 tại Trảng Bàng, Tây Ninh của nhiếp ảnh gia Nick Út thuộc hãng thông tấn AP. Năm 1963, chị Huờn bị bom thì Kim Phúc mới ra đời. Cả hai đều được chụp ảnh lại như minh chứng cho tội ác chiến tranh, nhưng bức ảnh “Em bé napalm” đã đưa bà Kim Phúc đến với cả thế giới và hiện sống hạnh phúc cùng chồng con ở nước ngoài, còn chị Huờn không được may mắn như vậy…
Sau 3 ngày ở nhà dân, chị Huờn được đưa về đơn vị điều trị suốt một năm. Thời chiến tranh ác liệt, thuốc men thiếu thốn chỉ mong giữ được mạng sống là quý lắm rồi, bề ngoài có làm sao cũng cắn răng mà chịu. Đã có những lúc chị căm ghét cuộc sống, muốn chết đi sau mỗi lần soi gương, thậm chí không dám nhìn vào gương mặt của mình. Nhưng rồi sự sẻ chia, tình đồng đội lần hồi cũng giúp chị gượng dậy lao vào công tác cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước. Năm 1976, chị Huờn được Nhà nước đưa ra Hà Nội điều trị thêm một thời gian dài. Tuy nhiên, việc điều trị chỉ có thể giảm thiểu tối đa hậu quả của bom napalm trên cơ thể, còn việc phục hồi khuôn mặt người con gái xinh đẹp năm xưa là hoàn toàn không thể.
Năm 1986, chị về hưu khi mang quân hàm thượng úy với tỷ lệ thương tật trên 60%. Cũng trong năm này, chị Huờn được chính quyền địa phương “se duyên” và đứng ra tổ chức đám cưới cho chị và một anh bộ đội về hưu. “Đám cưới lớn lắm, vui lắm”, chị khoe với tôi như vậy.
Những tưởng chị sẽ được hưởng hạnh phúc sau bao nhiêu bất hạnh, đau đớn do chiến tranh mang lại. Những người từng đi qua cuộc chiến ắt dễ dàng thông cảm, chia sẻ cùng nhau quãng đời còn lại. Hai vợ chồng cựu chiến binh sống hạnh phúc đâu được năm trời; rồi chị có bầu và hàng đêm luôn nguyện cầu cho con mình sinh ra được khỏe mạnh, lành lặn. Anh cũng lo lắng, săn sóc chị. Vậy nhưng, đúng thời điểm chỉ còn 10 ngày nữa chị lâm bồn, khi mẹ con chị cần một điểm tựa từ người cha, người chồng thì chồng chị lại dứt áo ra đi không một lời từ biệt...
Nụ cười hạnh phúc
Những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, vào một ngày đẹp trời, chị Lâm Cẩm Vân, Chủ tịch UBND phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, tiếp một người khách không hẹn trước. Anh trạc gần 30 tuổi, khuôn mặt rắn rỏi, nhìn thoáng qua cũng nhận ra ngay là người lao động chân tay. Vừa ngồi xuống ghế, anh nói luôn: “Tôi muốn xin chủ tịch cho tôi cưới chị Tư Huờn…”. Vừa ngạc nhiên vừa bất ngờ, vị nữ chủ tịch sựng lại trong vài giây, trố mắt nhìn người đối diện…
Không bất ngờ sao được khi năm ấy (1989), anh Ngô Văn Vui chỉ mới 27 tuổi, một người đàn ông hoàn toàn khỏe mạnh, thậm chí còn “đẹp trai” trong mắt không ít người. Còn chị Phan Thị Huờn, ngoài chuyện lớn hơn anh 19 tuổi, khuôn mặt biến dạng, thân thể cháy loang lổ vì bom napalm, lại còn đang một mình nuôi đứa con trai 2 tuổi bằng mấy đồng lương thương binh còm cõi.
Trong căn nhà tình thương đã xuống cấp trầm trọng, anh Vui kể: “Tôi cưới người vợ trước năm 21 tuổi, cô ấy người miệt “Bằng Tăng” (phường Thới Long, quận Ô Môn hiện nay), cũng xinh xắn dễ coi. Hai vợ chồng nghèo cả tiền bạc lẫn chữ nghĩa, chỉ biết cắc củm làm mướn sống qua ngày. 5 năm sống với nhau có 3 mặt con nhưng cứ “tan rồi hợp, hợp rồi tan”.
Ôm đứa con gái 3 tuổi mà anh giành lại được từ vợ, anh Vui quay về nơi chôn nhau cắt rốn là quận Bình Thủy làm mướn nuôi con. Thời điểm ấy, đất đai khu “Hồi Lực” chỉ toàn ruộng rẫy, là nơi anh Vui thường xuyên tới lui bán sức lao động kiếm cơm và chính tại nơi này anh đã gặp chị Hườn - “Người đàn bà napalm”. Anh Vui nói: “Quanh quẩn qua lại rồi quen biết, dần dà tôi thương cô ấy hồi nào không hay. Bề ngoài nhìn cô ấy xấu xí như vậy nhưng thật ra rất tử tế và thật thà hiếm có. Khi nghe nói tôi thương cô ấy, nhiều người nói tôi khùng, thậm chí kẻ ác miệng còn nói tui nhào vô để lợi dụng chuyện khác…”. Những lời nói ra, nói vào ấy như con dao nhọn chọc thẳng vào trái tim của cả hai con người bất hạnh.
Khi nghe anh Vui nói thương mình và muốn chung sống, chị Huờn thật sự hoảng hốt, chị nghĩ anh đang chế nhạo mình, một sự chế nhạo độc địa! Làm sao có thể được chứ! Anh trẻ hơn chị gần 20 tuổi, một người đàn ông bình thường, khỏe mạnh, khi chị bị thương, anh ấy chỉ mới biết bò, biết lẫy. Còn chị với cái bề ngoài “ma chê quỷ hờn” như thế này thì trông mong gì nữa. Chị thoái thác bằng cách nói với anh “tôi là người của tổ chức, anh muốn cưới tôi thì lên hỏi chủ tịch phường đi, trên đó đồng ý thì tôi chịu”. Chị nghĩ là anh sẽ bỏ cuộc vì không dám đi hỏi.
Thế rồi chị đã đồng ý đặt bàn tay mình vào tay anh! Bán 200m2 đất ở “Hồi Lực”, hai vợ chồng dắt díu hai đứa con đưa nhau về phường Bình Thủy mua miếng đất nhỏ ở tạm. Anh đi làm thợ hồ, chị ở nhà lo cho hai đứa bé, đứa con trai của chị 2 tuổi, đứa con gái của anh 3 tuổi, trở thành chị em trong cùng một mái nhà.
Đã 27 năm anh chị về với nhau. Hai chiếc lá rách nát, bầm dập ấy đã choàng lấy, dìu nhau cùng đi qua mọi trắc trở cuộc đời. Bây giờ, hai đứa con cưới, gả cũng đâu đó cũng đàng hoàng như người ta. “Ông ngoại”, “bà nội”… mấy tiếng bập bẹ của mấy đứa cháu nhỏ như luồng nước mát làm hồi sinh hai tâm hồn tưởng đã úa rục, tàn rụi.
Người đàn bà napalm vẫn sống nghèo khó, thiếu thốn trong căn nhà tình thương xuống cấp ở đường Nguyễn Truyền Thanh, thuộc phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ. Mái tóc lơ thơ của chị đã bạc trắng, anh Vui cũng không còn khỏe như ngày gặp chị vì bao nhiêu căn bệnh do lao lực mà ra.
Không biết chị có phải là chiếc “xương sườn” của anh hay không? Nhưng dù là gì đi nữa, cả hai anh chị đã viết lên câu chuyện cổ tích giữa cuộc đời này. Một câu chuyện ngắn thôi, tình tiết cũng không có gì phức tạp, nhưng đó vẫn là cổ tích. Một câu chuyện mà có lẽ sẽ còn được truyền kể rất lâu sau này.
NGUYỄN TRUNG NGUYÊN