Hành trình của một chiến sĩ tình báo

Trong ngôi nhà nhỏ nằm bên đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa có một người từng đặt chân lên hạm đội Mỹ, ra vào hang ổ quân thù, góp phần không nhỏ cho ngày chiến thắng. Đó là chiến sĩ tình báo Nguyễn Bá… Tuy chỉ mang cấp bậc trung úy tình báo lúc về hưu và hiện sống ẩn dật như một ngư dân thứ thiệt, song, sự khiêm tốn và những chiến công thầm lặng của ông thật đáng ngưỡng mộ.
Hành trình của một chiến sĩ tình báo

Trong ngôi nhà nhỏ nằm bên đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa có một người từng đặt chân lên hạm đội Mỹ, ra vào hang ổ quân thù, góp phần không nhỏ cho ngày chiến thắng. Đó là chiến sĩ tình báo Nguyễn Bá… Tuy chỉ mang cấp bậc trung úy tình báo lúc về hưu và hiện sống ẩn dật như một ngư dân thứ thiệt, song, sự khiêm tốn và những chiến công thầm lặng của ông thật đáng ngưỡng mộ.

Tiếp cận mục tiêu

Khi chúng tôi đến thăm ông, trong căn phòng khách của ông treo đầy huy hiệu, từ 40 đến 65 năm tuổi Đảng, huân chương chiến công và rất nhiều bằng khen. Dù đã ở tuổi 93 nhưng ông Nguyễn Bá có dáng người hao gầy, nước da ngăm đen săn chắc của người con xứ biển và trông vẫn còn nhanh nhẹn, minh mẫn. Khi chúng tôi đặt vấn đề muốn viết về “kho tư liệu sống” của ông, ông im lặng một hồi rồi bảo: “Tôi lớn tuổi rồi, có chuyện nhớ, chuyện quên. Nhớ đến đâu tôi kể đến đó nhé. Các cậu thông cảm!”.

Ông sinh ngày 12-2-1923 ở Mỹ Thành thuộc tỉnh Bình Định. Đó là một làng quê nghèo, chuyên sống bằng nghề làm muối và đánh bắt hải sản. Từ nhỏ ông đã bơi lội rất giỏi. Những năm tháng kháng chiến chống Pháp, ông tham gia quân dân; lớn thêm chút nữa, ông được xung vào đơn vị trinh sát của huyện đội. Rồi lấy vợ, sinh con… Năm 1954, hiệp định đình chiến giữa ta và Pháp được ký kết, đất nước chia đôi, ông cùng đơn vị của mình tập kết ra Bắc.

Ông Nguyễn Bá

Ra Bắc, đơn vị ông đóng quân ở Sầm Sơn, nhưng chỉ học qua một lớp bồi dưỡng chính trị 5 ngày rồi tất cả xuống Thái Bình đắp đê, lên Phú Thọ trồng chè… Năm 1958, khi Bộ Điện và Than xây dựng hệ thống lưới điện từ Hà Nội vào Nam Định nhằm cung cấp điện cho Nhà máy Dệt 8-3, ông được điều về làm kíp trưởng đơn vị thi công. Một năm sau, ngành điện chủ trương giảm biên chế, ông cùng một số anh em vào Quảng Bình thành lập xí nghiệp đánh cá. Ở nơi mới chưa kịp ổn định, ông lại nhận được quyết định của Bộ Thủy sản điều ra làm thuyền phó một đội tàu đánh cá ở Hạ Long. Sau đó, ông được đưa học lái tàu ở Trung Quốc. Sau ba năm học, ông nhận được bằng thuyền trưởng…

Đầu năm 1962 về nước, ông khấp khởi mang tấm bằng hạng ưu đến gặp người phụ trách đội năm xưa nhưng vị này xem xong rồi bỏ vô ngăn tủ sắt khóa lại và bảo: “Nhiệm vụ mới của anh là…”. Ngay sau đó ông được điều sang Cục 2 học một khóa huấn luyện đặc biệt, rồi được tổ chức bố trí lên một con thuyền chạy thẳng vào Nam, bí mật tấp vào thị xã Cam Ranh. Ở đây ông có nhiều tên mới: Nguyễn Được, Nguyễn Kế, Nguyễn Tòng… Đầu tiên, ông được giao nhiệm vụ tìm người đóng chiếc tàu cá 4 lốc máy. Có tàu, tổ chức cử thêm 4 anh em nữa từ ngoài Bắc vào đủ để thành lập một chi bộ Đảng do ông làm bí thư. Dưới danh nghĩa một đội tàu cá có giấy tờ hoạt động đầy đủ, ông được giao nhiệm vụ hoạt động tình báo trên địa bàn từ Cam Ranh đến Vũng Tròn (Ninh Thuận), trực tiếp làm công tác thông tin liên lạc từ đây ra Bắc và ngược lại. Để tránh sự theo dõi gắt gao của địch, đội của ông luôn phải chuyển vùng hoạt động từ Nha Trang, Cam Ranh, Ninh Chữ… Đến địa điểm nào, ông cũng thiết lập cho mình một vỏ bọc an toàn bằng cách làm quen với những nhân vật “tai to mặt lớn” trong vùng. 

Một lần, đội tàu của ông chuyển cập bến Ninh Chữ, quê hương của tướng Nguyễn Văn Thiệu. Ông tìm đến làm quen với bà Lợ, một đầu nậu cá nổi tiếng và có thế lực tại Ninh Chữ. Mỗi lần tàu về có bao nhiêu cá, ông đem bán hết cho vựa của bà Lợ với giá rẻ. Bà Lợ thấy ông ít nói, tính tình lại hiền lành nên quý vô cùng. Những ngày mưa bão, bà Lợ cho thợ thuyền của ông lên trú ngụ luôn trong nhà mình. Sở dĩ ông chọn bà Lợ làm “chỗ dựa” cho mình vì bà là mẹ của ông Nguyễn Chúc, khóm trưởng ở đây. Nguyễn Chúc lại là bạn nhậu thân thiết của ông Nguyễn On, gọi tướng Nguyễn Văn Thiệu bằng cậu ruột. Mặc dù ông Nguyễn On chỉ mở tiệm thuốc tây nhưng vẫn được các viên chức lớn nhỏ ở Ninh Thuận đến nịnh nọt, biếu xén lấy lòng, nhất là khoe khoang thành tích để mong qua ông On đến tai ông Thiệu. Những “kế hoạch” này nọ, bọn họ tường trình cho On, được On đem kể cho Chúc trong hơi men của các bữa nhậu. Rồi ông Chúc lại đem chuyện nghe được kể lại với ông Bá. Từ đó, ông Bá dần thân thiết với cả hai người, thỉnh thoảng rủ rê các ông này cà phê sáng hoặc buổi chiều nhậu lai rai. Thế là bao nhiêu tin tức trong vùng ông đều thu gom được. Mọi tin tức được ông bố trí tàu cấp tốc chuyển ra Bắc. Lúc thì trực tiếp, lúc phải qua các trạm do tổ chức. Khi trở vào, ông đánh bắt cá vừa để ngụy trang vừa có thêm kinh phí trang trải cho đội tàu hoạt động.

Sống trong hiểm nguy

Trong cuộc đời hoạt động tình báo của mình, không biết bao nhiêu lần ông đã phải đối mặt với hiểm nguy ngay trước mũi súng của địch. Ông kể, vào dịp tết năm 1967 ở Phan Rang, ông vừa đi nhận tài liệu trở về thì bị một tên lính say xỉn điều khiển chiếc Suzuki đâm phải, hất văng ông xuống vệ đường. Thấy tên lính toan rồ xe máy bỏ chạy, bà con gần đó liền chạy tới níu áo bắt hắn phải chở nạn nhân đến bệnh viện. Mặc dù chân tay trầy xước, máu chảy đầy người, nhưng việc đầu tiên là ông rờ thấy tài liệu giấu trên người vẫn còn, mừng lắm. Ông cố nén đau gượng dậy và nói: “Tôi bị nhẹ thôi, không sao, bà con cho nó đi đi”.  Tên lính cảm ơn ông  rối rít. Lần khác, do có việc đột xuất, ông từ Nha Trang ra Phú Yên lấy tin về. Chẳng may chiếc xe đò chở ông bị lật ở Ninh Hòa, trong xe có nhiều người chết và bị thương nhưng ông may mắn chỉ bị giập mắt cá. Một nhân viên y tế muốn dìu ông lên xe cấp cứu. Đau lắm, nhưng ông nhất định nhường chỗ cho những người bị thương nặng,  còn bản thân thì lên xe khác về Nha Trang. Mọi người cảm kích ông vô cùng nhưng đâu biết rằng, với ông cũng như bao người làm công tác tình báo khác, tài liệu còn quý hơn sinh mạng của mình. 

Đổi tiền thành vàng

Một lần ra Bắc để trực tiếp giao tài liệu và báo cáo tình hình, khi  trở vào, ông được tổ chức giao mang theo một hòm tiền (của chế độ Sài Gòn lúc bấy giờ). Đây là số tiền làm kinh phí để đội ông đóng chiếc tàu mới và phụ cấp cho một số đầu mối, cộng tác viên. Sau mấy ngày vất vả giữa trùng khơi, thuyền vừa cập bến Cam Ranh thì rộ lên tin đồn sắp đổi tiền. Ông đang phân vân thì nhận được tin khẩn: “Phải hủy hết số tiền ấy đi, đốt hoặc xé nhỏ dìm xuống đáy biển”. Ông chấp hành lệnh, cho thuyền ra xa bờ rồi cùng anh em mở hòm tiền. Nhiều quá, những cọc tiền xếp liền nhau mới cứng, ông thấy tiếc và chợt nghĩ: “Lúc này đồng tiền vẫn còn trao đổi được, sao không đi mua vàng?”. Sau một hồi bàn bạc, ông đề xuất và được cả đội đồng tình.

Ngày hôm sau, ông phân nhỏ số tiền rồi từng người chia nhau tỏa đi các hướng. Để tránh sự chú ý của mật vụ, ông đề ra nguyên tắc: Không tung tiền mua vàng một lúc mà rải đều ở mỗi tiệm vàng, mỗi người chỉ được mua vài ba lượng vàng thôi. Mấy ngày sau, cả đội thu về được lượng vàng kha khá và ông quyết định trích một phần thuê đóng tàu mới, số vàng còn lại, mấy tháng sau ông đưa ra Bắc nộp cho lại cho tổ chức. Mọi người rất ngạc nhiên và hỏi: “Vàng này ở đâu ra?”. Ông nói: “Vàng được đổi từ tiền của thủ trưởng bảo mang đi hủy. Tôi thấy tiếc nên cho anh em mang tiền đi mua vàng”. Vị cán bộ than: “Ông làm khó tụi này rồi! Tiền đã có lệnh hủy, bây giờ biết lý do gì để… nhập vàng vào kho đây?”. Ông Bá nghe xong hoang mang: “Vậy tôi xin viết kiểm điểm”. Vị cán bộ mỉm cười: “Có lẽ nên phê bình, kiểm điểm đồng chí về cái “tội” tiết kiệm cho quân đội cả đống vàng!”.

Còn một nhiệm vụ khác không kém phần quan trọng mà ông đã hoàn thành xuất sắc là: nắm tình hình hoạt động của các hạm đội Mỹ ra vào vịnh Cam Ranh và khi có điều kiện, thử thăm dò khả năng phòng bị của chúng.  Qua ông Nguyễn Chúc, đội tàu của ông xin được giấy phép ra khơi. Ông và đồng đội bàn tính cho tàu của mình nhắm hướng chiếc tàu to nhất của Mỹ đang đậu ngoài khơi và tiến tới. Quả nhiên lính Mỹ phản ứng. Từ tàu lớn, chúng cho hai chiếc bo bo như hai gọng kìm lao ra chặn tàu ông lại. Một chiếc áp sát vào mạn tàu, hai lính Mỹ súng ống lăm lăm cùng với tên thông dịch viên người Việt xuất hiện trên tàu để khám xét. Ông giả vờ ngây thơ: “Chúng tôi là ngư dân đi biển ngang qua, thấy tàu lớn tính ghé lại đổi mấy can dầu”. Sau khi khám xét tàu, bọn lính ra hiệu cho tàu của ông đi theo chúng. Mấy phút sau cập vào thành chiếc tàu lớn, neo lại, bọn lính lại kiểm tra giấy tờ một lần nữa. Sau đó viên thông ngôn hỏi: “Mấy chú đi biển chắc có nước mắm, cho tôi xin một chai. Ở đây lính Mỹ chê nước mắm hôi, không cho ăn, nên thèm”. Ông Bá quay vào khoang tàu rót đầy chai mắm rồi đưa cho hắn. Lúc này, anh em đã nướng xong vài con mực khô rồi lấy ra chai rượu đế mời viên thông ngôn ngồi nhậu và lân la làm quen: “Đây là tàu gì mà to như quả núi vậy?”. Viên thông ngôn được dịp ba hoa về chiến hạm mình đang phục vụ: “Nó là hàng không mẫu hạm. Trên đó toàn phi cơ sắp lớp. Nếu thích, tôi dẫn lên cho coi”. Thế là viên thông ngôn dắt ông Bá leo lên chiếc hàng không mẫu hạm, đưa ông đi tham quan cả giờ đồng hồ…

… Trong cuộc đời hoạt động tình báo của mình, có rất nhiều chuyến đi nguy hiểm, vài đội thuyền khác đã sa lưới bọn mật vụ, bị tra tấn dã man rồi đày ra Côn Đảo. Đến lượt ông đi, lại may mắn và trót lọt. Chính vì vậy, nhiều nhiệm vụ quan trọng và nguy hiểm, tổ chức thường tin tưởng giao cho ông. Bốn năm liền ông đều được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua (giai đoạn từ năm 1970 - 1974), Huân chương Chiến sĩ vẻ vang, Huân chương Chiến sĩ giải phóng… Khi chúng tôi hỏi, ông có yêu thích công việc tình báo? Ông cười bảo: “Cả đời tôi quen với sóng nước, quen với công việc này. Hồi hộp, nguy hiểm nhưng tôi lại yêu thích…”.     

Hiện ông đã nghỉ hưu và đang sống với vợ và 5 người con, tất cả đều thành đạt. Dù lập nhiều chiến công, nhưng ông luôn khiêm tốn: “Trong công cuộc giải phóng đất nước, ở ngành của tôi cũng như ngành khác, có biết bao đồng đội anh dũng, lập nhiều chiến công, có người còn không được nhìn thấy niềm vui ngày chiến thắng. Tôi chỉ là một mắt xích nhỏ trong công cuộc vĩ đại của đất nước. Đơn giản, tôi là một chiến sĩ tình báo đã hoàn thành nhiệm vụ. Vậy thôi!”

LÊ ĐỨC QUANG

Tin cùng chuyên mục