Hạt lúa “khải huyền”

Triển lãm “Khải huyền” của nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn diễn ra từ nay đến ngày 13-1, tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM. Triển lãm trưng bày 9 tác phẩm với sắp đặt ý niệm và ánh sáng.
Tác phẩm “Khải huyền” trưng bày tại triển lãm
Tác phẩm “Khải huyền” trưng bày tại triển lãm

Nói về tên gọi “Khải huyền”, điêu khắc gia Bùi Hải Sơn chia sẻ: “Khải huyền mang ý nghĩa tỏ lộ hoặc được mặc khải những điều tốt đẹp, nhiệm màu trong những gì bình thường nhất”.

Bùi Hải Sơn sinh năm 1957 tại cù lao Ông Chưởng, tỉnh An Giang, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TPHCM. Ông được biết đến là một trong vài điêu khắc gia tiêu biểu của Việt Nam ở thế hệ mới, với rất nhiều tác phẩm có dấu ấn, được sưu tập bởi cá nhân và tổ chức như Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, Công viên Beasan (Iksan, Hàn Quốc), Bảo tàng Takanabe (Miyazaki, Nhật Bản)…

Hình tượng hạt lúa được Bùi Hải Sơn khai thác từ năm 1995, với những trăn trở và tìm kiếm ngôn ngữ thể hiện, để đạt đến sự hiện đại và tối giản, nhiều ẩn ý như hiện nay. Hạt lúa là một dấu ấn trong triển lãm “Nguồn” của Bùi Hải Sơn vào năm 2010. Kể từ đó đến nay, hình tượng hạt lúa và những biến thể đa chất liệu trong ngôn ngữ điêu khắc xu hướng tối giản của Bùi Hải Sơn đã là những chiêm nghiệm siêu hình về khởi sinh/biến dịch, quá khứ/tương lai mang nội hàm và tình yêu văn hóa miền Tây Nam bộ - quê hương ông.

Sau hơn 10 năm, tiếp tục chiêm nghiệm về hạt lúa, với triển lãm “Khải huyền”, Bùi Hải Sơn chia sẻ: “Ai cũng có nguồn gốc và ký ức về một không gian sống, với tôi đó là cù lao, là dòng sông. Cù lao Ông Chưởng - hạt lúa - dòng sông là những thực tại hữu hình trong dòng chảy tiềm thức về cuộc di dân về phía Nam và xa hơn nữa. Lần này, “Khải huyền” mang đến một nhãn quan tối giản về hình thể và không gian để chiêm nghiệm về thực tại vô hình”.

“Khải huyền” mang đến cho người xem nhiều cảm nhận mới về điêu khắc đương đại, ngôn ngữ tạo hình khối hạt - nguồn của tác giả đạt tới sự tinh lọc, giản dị và giàu ẩn ý, thuyết phục và gây xúc động. Khán giả có thể cảm nhận trong từng tác phẩm, hạt - nguồn của Bùi Hải Sơn cũng có thể biến hóa thành cây, con vật hoặc bộ phận của cơ thể... Điêu khắc và vật liệu vô cơ được người sáng tạo ra chúng gieo vào mầm sống, phả hơi thở ấm vào. Đối lập giữa sự tính toán duy lý và tính sinh học tự tiến hóa, đối lập vô cơ - hữu cơ làm cho các tác phẩm mang tính chất thiết kế công nghiệp có một sắc thái thẩm mỹ riêng và nhất quán.

Tin cùng chuyên mục