Hãy bước ra để đón khách

Tại thời điểm thành lập Hội Di sản Văn hóa TPHCM năm 2011, ở lĩnh vực này, hầu hết các hoạt động đều giới hạn trong khối các đơn vị công lập với nguồn ngân sách nhà nước.

Đến nay, với chính sách đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa của TPHCM đã góp phần làm đa dạng các mô hình hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa trên toàn xã hội, như sự ra đời của các công ty bảo tàng tư nhân: Bảo tàng Áo dài, Bảo tàng Sâm Ngọc Linh, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn... Bên cạnh các cơ sở hội nghề nghiệp công lập, không gian triển lãm và thực hành sáng tạo bên ngoài là một trợ lực lớn đối với nhiều nghệ sĩ, nhất là lớp nghệ sĩ trẻ theo đuổi thực hành nghệ thuật đương đại.

Ngoài các phòng tranh thương mại, các không gian thực hành và trưng bày nghệ thuật là bước đệm cho các nghệ sĩ trẻ có cơ hội thể hiện tác phẩm cũng như định danh qua những giải thưởng. Sàn Art là một ví dụ điển hình, không gian này hoạt động ở thành phố 15 năm, nhiều tên tuổi nghệ sĩ từ đây đã vươn tầm sân chơi nghệ thuật trong khu vực.

Bên cạnh đó, mức độ truyền thông lan tỏa của giải thưởng đến từ các quỹ đầu tư nước ngoài hay các không gian nghệ thuật tư nhân rất lớn, nghệ sĩ đoạt giải có cơ hội xuất hiện ở các tạp chí nghệ thuật trong khu vực và lưu trú ở những không gian triển lãm nước ngoài. “Vì vậy, một lần đoạt giải, có thể nói là bước tiến rất lớn trong nghề của nghệ sĩ trẻ”, họa sĩ Siu Quý, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM chia sẻ.

Tuy nhiên, nghệ thuật đương đại vốn cách biệt thị trường thương mại, việc mua bán không dễ, các nguồn quỹ hỗ trợ nước ngoài thì khó xin giấy phép, nên một số đơn vị tư nhân cũng đành dang dở “giấc mơ nghệ thuật”. Hoạt động từ năm 2016, không gian nghệ thuật đương đại The Factory là đơn vị đầu tiên tại TPHCM tổ chức giải thưởng “Nghệ sĩ xuất sắc” dành cho những người thực hành nghệ thuật đương đại. Tuy nhiên, đơn vị này cũng đành bỏ dở giải thưởng trên vào năm 2022 vì nhiều lý do.

Bảo tàng tư nhân ra đời như một xu hướng tất yếu trong việc nâng cao việc thụ hưởng đời sống tinh thần trong công chúng. Các bảo tàng ngoài công lập hoạt động khá đơn giản, bộ máy nhân sự chuyên trách cho tất cả các nghiệp vụ chuyên môn của một bảo tàng không đòi hỏi quá cao, các nhóm nghiệp vụ chuyên môn như nghiên cứu - thẩm định, trùng tu - bảo quản, thường là nhu cầu ngắn hạn.

Ưu thế về mặt kinh tế có thể thấy ở các bảo tàng tư nhân, tuy nhiên công tác chuyên môn để xây dựng chương trình trưng bày, triển lãm của bảo tàng, vẫn cần nhiều thời gian. Có thể thấy rõ qua việc Bảo tàng Sâm Ngọc Linh (quận Tân Phú) ra đời từ cuối năm 2019, đến hiện tại vẫn chưa mấy nổi bật và thu hút du khách. Phía sau các bảo tàng tư nhân luôn có công ty tài trợ, có lợi thế về mặt kinh tế, tuy nhiên bấy nhiêu đó vẫn chưa đủ. Như Bảo tàng Áo dài TPHCM cũng phải nỗ lực thiết kế chương trình, hoạt động, truyền thông hiệu quả tới công chúng, mới thu hút được khách tham quan. Không có chuyện có quỹ đất, có điều kiện kinh tế thì xây dựng bảo tàng và đem hiện vật vào là xong… Và một điều, dù là bảo tàng công hay tư, công tác truyền thông vẫn luôn quan trọng, để thu hút công chúng đến với bảo tàng nhiều hơn.

Để thu hút người dân, du khách đến với di sản, bảo tàng là điều không hề dễ dàng. Không thể ngồi chờ hay bằng lòng với những cái đang có, mà bản thân người làm công tác di sản, bảo tàng và các đơn vị quản lý cũng phải trở mình, học hỏi, bước ra khỏi “cổng” bảo tàng để đón khách và đãi khách…

Tin cùng chuyên mục