Hãy tìm cho mình một điểm tựa tinh thần

Hổm rày nghe thông tin ở một số địa phương đông dân cư, có những cán bộ vì áp lực công việc, vì phải làm việc quá nhiều mà ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, tôi cũng nhớ lại hoàn cảnh gia đình mình những ngày tâm dịch.
Ánh mắt, nụ cười của con là sự động viên lớn nhất trong những ngày khó khăn
Ánh mắt, nụ cười của con là sự động viên lớn nhất trong những ngày khó khăn

1. Nhìn lại những ngày phải ở yên trong nhà, gia đình nào chẳng có những lo âu riêng. Lo “dính” bệnh đã đành, những gia đình đủ đầy thành viên thì lo đến chuyện nhu yếu phẩm, đến bữa cơm hàng ngày. Ở nhà nhiều, ra vô chạm mặt miết, bí bách cũng có khi cự cãi nhau. Còn gia đình có người “mắc kẹt” ở ngoài do giãn cách hay phải làm nhiệm vụ xa nhà thì lo lắng đủ đường, sợ nhất là sự cô đơn trong những ngày thành phố im lìm chống dịch. Tôi “thấm” những điều ấy, khi ông xã phải đi công tác dài ngày.

Thời điểm dịch bệnh, đằng sau cánh cửa nhà, hình ảnh của tôi và bé Bin đúng nghĩa “đầu bù tóc rối”. Bé Bin mới hơn 1 tuổi, cái tuổi phải có người lớn chơi cùng, cái tuổi một ngày khỏe, ba ngày nóng đầu bởi những cơn sốt mọc răng, vẫn cần người lớn vỗ về. Dĩ nhiên, hốt trọn nhiệm vụ với thằng bé là tôi, rồi xoay xở hàng trăm việc không tên ở nhà, trong khi việc cơ quan lại nhiều hơn bình thường. Từ viên thuốc, hộp sữa, bịch bỉm hay con cá, bó rau vốn bình thường chỉ mất vài phút đi mua, thì nay có khi cả tuần cũng không có. Cái cảnh một tay ẵm con, một tay nấu ăn vốn dĩ đã không lạ lẫm với những bà mẹ bỉm sữa, giờ lại thêm cái máy tính, cái điện thoại kè kè bên cạnh để sẵn sàng nhận nhiệm vụ cơ quan giao, đúng là quen lắm nhưng lạ cũng nhiều.

Không biết gia đình khác thế nào, dù quen việc chồng thường xuyên đi công tác xa, quen việc chăm sóc con một mình nhưng khi ấy tôi cũng không khỏi chông chênh, tinh thần đi xuống khủng khiếp. Có bữa, bà ngoại gọi điện thoại vào, thấy mẹ đang rối tung với công việc, con níu áo bên cạnh đòi ẵm bồng, cứ như vậy bà khóc, mẹ khóc, con khóc. Rồi những khi yên ắng, nghe tiếng cười bên nhà hàng xóm, tưởng tượng bữa cơm dù đạm bạc nhưng người thân ở ngay cạnh cũng đủ làm tôi chạnh lòng.

2. Nhỏ bạn luật sư nhắn tin, bảo sau dịch Covid-19, khối cặp vợ chồng lục đục, ly hôn. Nhỏ còn hỏi xin bí kíp đặng có gì còn hòa giải cho đương sự. Thú thực, cho đến bây giờ, khi dịch bệnh đã lắng xuống bảy, tám tháng trời nhưng nghĩ đến thời điểm đó, tôi cũng không biết tại sao mình có thể vượt qua. Có lẽ, cũng như bao phụ nữ khác, con cái là động lực lớn nhất để các mẹ vượt qua mọi áp lực của cuộc sống. Tôi còn lập một nhật ký trên điện thoại. Cuối ngày, khi xong xuôi hết mọi việc hoặc những lúc áp lực quá thì gõ vài dòng vào đó, cũng rất có tác dụng. Thi thoảng, sáng thức dậy, thấy tin nhắn ba Bin gửi động viên hai mẹ con, xem thời gian thì tin nhắn đến lúc 2-3 giờ sáng. Chắc lúc đó ba Bin mới xong nhiệm vụ trong ngày. Những tin nhắn “nguội” ấy lại có sức động viên ghê gớm.

Bình thường, mấy anh chị em bạn bè, đồng nghiệp nhắn tin qua lại chủ yếu tám chuyện phiếm. Nhưng thời điểm đó, tin nhắn với tôi như liều dopping vậy. “Mẹ con ổn không? Ăn uống sao, có cần gì chị gửi cho”, những tin nhắn kiểu vậy, ở bối cảnh như vậy, sao không thương cho đặng.

3. Cuộc sống vẫn cứ xoay vần theo lẽ tự nhiên, chuyện cuộc đời ai cũng phải ngược xuôi. Kể ra không phải để thở than chỉ có mình vất vả vì công việc, thật ra ngoài kia vẫn còn rất nhiều phận đời lắm bộn bề, gian nan. Nhưng hạnh phúc như thế nào thì mỗi người có quyền chọn và đưa ra định nghĩa cho riêng mình.

Lao động nào cũng có những vất vả riêng, công việc nào cũng có những vất vả nhất định, bởi thế mà người ta hay nói với nhau “mộng càng nhỏ thì đời càng yên”. Có ông chồng giữ địa vị cao trong xã hội thì bà vợ ở nhà cũng phải giữ kẽ hết mình. Hay đôi vợ chồng chẳng phải nghĩ ngợi nhiều chuyện báo cáo, công văn nhưng ngày đêm vất vả với xe bánh cam, bánh còng, đắp đổi qua ngày.

Cơ quan tôi ở khu vực trung tâm thành phố, phận đời nào cũng có thể nhìn thấy nhau. Cô bán nước bên vỉa hè hạnh phúc khi mỗi ngày đắt khách, ông sếp trong phòng máy lạnh cơ mặt giãn ra khi hôm nay nhân viên nộp báo cáo đúng hẹn… Hạnh phúc trong đời, đôi khi chỉ cần những điều dung dị như thế, biết đủ và biết hài lòng với hiện tại.

Làm sao tránh được khó khăn, làm sao không khỏi những ngày gian nan, làm sao để cân bằng công việc và gia đình là bài toán mà có lẽ người ta phải học cách dung hòa cả đời. Hạnh phúc ở góc độ nào cũng là hạnh phúc, quan trọng là những ngày gian nan, hãy tìm cho mình một điểm tựa tinh thần để bước qua. Hạnh phúc quanh ta hay ở nơi xa… cũng là do ta chọn.

Tin cùng chuyên mục