HĐND TPHCM “nóng” với kẹt xe, ô nhiễm môi trường

Chiều 7-12, trong phiên thảo luận tổ tại Kỳ họp thứ 17 HĐND TPHCM khóa IX, các đại biểu (ĐB), bày tỏ quan tâm nhiều vấn đề “nóng”: nơi bảo vệ trẻ em lại xâm hại trẻ em; số người đi xe buýt giảm; ô nhiễm môi trường tăng…
Đại biểu HĐND TPHCM phát biểu trong phiên thảo luận tổ tại Kỳ họp thứ 17 HĐND TPHCM khóa IX. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đại biểu HĐND TPHCM phát biểu trong phiên thảo luận tổ tại Kỳ họp thứ 17 HĐND TPHCM khóa IX. Ảnh: VIỆT DŨNG

Nơi bảo vệ trẻ em lại xâm hại trẻ em

Đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung thông tin, hiện nay người dân thành phố rất quan tâm đến dịch bệnh khi 2 năm liên tiếp bệnh sốt xuất huyết gia tăng. Trong khi đó, các giải pháp của UBND TPHCM là chưa căn cơ. “Có phải do ô nhiễm môi trường gây ra và công tác phòng, chống dịch bệnh trong khu dân cư chưa tốt”, ĐB Tuyết Nhung đặt vấn đề.

Đặc biệt, ĐB Nhung bày tỏ bức xúc trước vụ việc nhân viên quản lý hồ sơ tại Trung tâm Hỗ trợ Xã hội TPHCM có hành vi dâm ô đối với nhiều trẻ em. “Tình trạng xâm phạm trẻ em, đáng tiếc nhất là xảy ra ngay tại trung tâm bảo hỗ trợ xã hội, thuộc quản lý Nhà nước”, ĐB Nhung nhận xét. Thông qua các vụ việc này, ĐB Nhung đề nghị cần xem xét toàn diện hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng tạo các trung tâm, cơ sở bảo trợ xã hội này.

Ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế nhìn nhận, tình trạng sốt xuất huyết năm 2019 tăng so với năm trước (tăng 80%) khiến 9 trường hợp tử vong, trong đó có 2 trẻ em. Nhưng không chỉ mỗi TPHCM tăng mà các nước trong khu vực cũng tăng, là tăng theo chu kỳ. Tương tự, bệnh tay chân miệng giảm nhưng đây vẫn là nỗi lo của ngành y tế vì chưa khống chế được. Về giải pháp, Sở Y tế đã phối hợp với các sở ban ngành thực hiện các giải pháp phòng chống nhưng quan trọng hơn là mỗi người dân cần có ý thức. Trong khu vực, mọi người làm tốt, chỉ một trường hợp không tốt là dịch bệnh bùng lên. Trong vấn đề này, việc xử phạt là rất khó và rất cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương để vận động, tuyên truyền người dân.

Liên quan các vụ dâm ô trẻ em xảy ra ở trung tâm hỗ trợ xã hội, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TBXH cho rằng, nhiều năm qua, TPHCM đã xây dựng nhiều đề án, chương trình bảo vệ quyền lợi của trẻ em (cùng quyền phụ nữ, bình đẳng giới). Hiện TPHCM có trên 2 triệu trẻ em, trong đó có khoảng 6.300 trẻ em lang thang, bị bỏ rơi (80% là trẻ em từ các địa phương khác) được chăm sóc ở 17 các cơ sở, trung tâm bảo trợ xã hội (có 6 trung tâm nằm ngoài TPHCM).

Ông Lê Minh Tấn khẳng định, hơn 1.870 cán bộ, công chức, viên chức ở 17 cơ sở, trung tâm này đều có tấm lòng thương yêu, chăm sóc chu đáo, trách nhiệm đối với các em. “Hầu hết họ là tốt nhưng trong số đó có một số người không tốt. Những vụ việc (dâm ô - PV) vừa xảy ra là ngoài ý muốn. Vụ án đang được Công an quận Bình Thạnh làm rõ. Sở LĐ-TB&XH cũng tổ chức kiểm điểm một phó giám đốc, các trưởng phòng, các chuyên viên đến lãnh đạo các trung tâm. Đồng thời, Sở LĐ-TB&XH tổng rà soát tất cả các trung tâm, yêu cầu chấn chỉnh các hoạt động. Với quyết tâm chấn chỉnh chăm lo tốt nhất và hạn chế thấp nhất, không để xảy ra các trường hợp tương tự".

Người dân chê xe buýt

ĐB Nguyễn Trọng Trí băn khoăn về con số vận tải hành khách công cộng ngày một giảm. ĐB Trí đề nghị cần nghiên cứu những giải pháp trợ giá mới, thu hút người dân đi xe buýt nhiều hơn thay cho cách trợ giá như hiện nay. Chấp nhận lý giải do kẹt xe nên người dân chọn phương tiện khác cho linh hoạt, phù hợp hơn, song ĐB Thi Thị Tuyết Nhung vẫn bày tỏ sự thất vọng khi lượng hành khách đi xe buýt giảm mạnh (giảm 14%).

ĐB Tuyết Nhung đề nghị Sở GT-VT TPHCM có các giải pháp đảm bảo đến cuối năm 2020, tỷ lệ người dân TPHCM sử dụng xe buýt đạt theo yêu cầu. ĐB Tuyết Nhung cũng ái ngại khi rất nhiều xe ôm công nghệ cứ chăm chăm nhìn vào điện thoại, gây ra nhiều lo lắng cho người đi đường.

Hiện nay trên địa bàn TPHCM có 43.000 ô tô dưới 9 chỗ và 164.000 xe ôm công nghệ. Về việc các tài xế xe công nghệ vừa lái xe, vừa sử dụng điện thoại di động, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GT-VT cho hay, sở đã phối hợp với Công an TPHCM triển khai các đợt cao điểm xử phạt. Sở cũng yêu cầu các đơn vị cung ứng dịch vụ siết chặt hoạt động và tăng cường xử lý các lái xe vi phạm.

Phân trần về tình trạng người đi xe buýt giảm, người đứng đầu ngành GTVT thành phố nhìn nhận, do thời gian đi xe buýt từ trung tâm ra ngoại thành kéo dài cả tiếng đồng hồ; đi các tuyến trong khu vực nội ô cũng mất từ 30-45 phút. Đó là chưa kể thời gian chờ đợi. “Thời gian chờ đợi, đi xe buýt kéo dài làm giảm sức cạnh tranh của xe buýt. Điều này cũng khiến người dân nản, bỏ xe buýt và lựa chọn các phương tiện khác”, ông Trần Quang Lâm thừa nhận. Trong khi đó, số lượng phương tiện giao thông cá nhân không ngừng tăng ở mức cao, khoảng 200 xe các loại đăng ký mới/ngày. Xe cá nhân bùng nổ càng gây thêm khó khăn cho hoạt động của xe buýt.

Về giải pháp, Giám đốc Sở GTVT cho biết, Sở đang tham mưu xây dựng đề án tăng cường phương tiện giao thông công cộng, han chế xe cá nhân và trước khi metro vận hành, xe buýt phải đảm bảo một phần nhu cầu của người dân. “TPHCM quy mô dân số tăng nhanh, không thể không sử dụng xe buýt và các phương tiện công suất lớn”, ông Trần Quang Lâm nhấn mạnh và khẳng định, TPHCM đang tập trung phát triển tàu điện ngầm để góp phần giải bài toán về giao thông đô thị.

Chưa có giải pháp hiệu quả xử phạt người vứt rác

Trước tình trạng sương mù xuất hiện nhiều ở TPHCM, ĐB Nguyễn Mạnh Trí đề nghị ngành TN-MT có thông tin chính thống về tình hình ô nhiễm ở TPHCM, vì nhiều người nói theo một cách rất chủ quan là TPHCM là một trong những nơi ô nhiễm nhất thế giới (!?)

Về việc này, đại diện Sở TN-MT cho biết, sở vẫn tiến hành quan trắc ở những địa điểm như các nút giao thông, vào thời gian cao điểm. Kết quả ô nhiễm nhất phải kể đến khu vực vòng xoay Mỹ Thủy, với hơn 90% kết quả quan trắc vượt quy chuẩn về tiếng ồn, hơn 50% vượt quy chuẩn về bụi.

Hiện nay TP đang vận hành thử nghiệm hai trạm quan trắc phía Đông ở quận 9 và phía tây ở quận Bình Tân, nhờ đó sẽ có thể quan trắc tự động và công bố kết quả liên tục trong 24/24. Ngoài việc công bố trên website và 48 bảng điện tử, sở sẽ xây dựng app trên điện thoại để việc cung cấp thông tin đến người dân được liên tục, kịp thời.

Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM thông tin, TPHCM có 327 vị trí quan trắc về nước và không khí. Riêng về môi trường đô thị có 30 vị trí quan trắc và kết quả cho thấy, TPHCM có bụi lơ lửng và tiếng ồn. Nguyên nhân do giao thông gây ra, tiếp đó là công nghiệp và xây dựng. Khi ô nhiễm như vậy tích tụ, gây ra sương mù trong thời gian ngắn.

Cũng liên quan đến môi trường, ĐB Hoàng Thị Diễm Tuyết nhận xét, việc vận động người dân không xả rác; việc giám sát, xử phạt chưa được thực hiện nghiêm nên tình trạng xả rác ra nơi công cộng vẫn diễn ra nhiều. TPHCM đang chuyển sang đốt rác phát điện, ĐB Nguyễn Minh Nhựt lo lắng, khí thải của việc đốt rác, nếu xử lý không khéo thì có khả năng gây các bệnh ung thư và khí độc phát tán rộng. ĐB Nguyễn Minh Nhựt đề nghị TP phải kiểm soát chặt chẽ quá trình thi công xây dựng và vận hành, đảm bảo đúng chuẩn, không gây ô nhiễm môi trường.

Trong phần trả lời, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM thừa nhận, sở chưa có giải pháp để cải tiến hiệu quả việc xử phạt người vứt rác ra nơi công cộng. Số lượng camera gắn ở khu dân cư tăng, một năm lắp đặt hơn 12.000 camera, song muốn sử dụng hình ảnh từ camera để xử phạt hành vi vứt rác thì lại không đủ pháp lý, bởi camera không đáp ứng chuẩn yêu cầu kỹ thuật và chưa kiểm định. Bà Mỹ cho hay, toàn TP chỉ có khoảng 800 camera đủ chuẩn để sử dụng làm căn cứ xử phạt, còn lại là camera xã hội hóa, chưa kiểm định.

Về việc đốt rác phát điện, bà Mỹ cho hay, TPHCM đã chọn công nghệ này là công nghệ chủ lực trong xử lý rác thời gian tới, giúp giảm nươc rỉ rác, giảm mùi hôi so với cách cũ là chôn lấp rác. Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM nhìn nhận lo lắng của ĐB là chuẩn xác, bởi nếu không kiểm soát kỹ (nhiệt độ đốt rác không trên 1.100 độ C), thì việc đốt rác có thể phát thải dioxin làm ảnh hưởng rất cao tới môi trường. Bà Mỹ cho hay, TPHCM lựa chọn công nghệ của Đức, có sự đồng bộ, có thu khí trong quá trình đốt. Tiếp thu góp ý của ĐB, bà Mỹ cam kết, sở sẽ giám sát chặt chẽ quá trình lắp đặt và xử lý rác thải bằng công nghệ đốt.

Đề xuất tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM

Tham gia thảo luận, ĐB Phạm Hiếu Nghĩa đánh giá, kết quả thu ngân sách trong năm 2019 là rất ấn tượng. Tuy nhiên, các nguồn thu trong năm 2019 là không bền vững, chỉ mang tính chất cơ hội. Vì vậy, ĐB Nghĩa đề nghị cần có đánh giá, phân tích cụ thể về các nguồn thu này, nhất là nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu, từ dầu thô. Thông qua đó mới có thể đánh giá được liệu TPHCM có thể thực hiện được nhiệm vụ thu ngân sách của năm 2020 không (dự toán thu năm 2020 là 405.828 tỷ đồng)?

Về nội dung này, báo cáo tại kỳ họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm chia sẻ, một trong những điểm nổi bật trong năm 2019 là thu ngân sách vượt chỉ tiêu đề ra. Ước tính đến cuối năm 2019, TPHCM thu ngân sách ước đạt 412.474 tỷ đồng, tăng 3,34% so với chỉ tiêu và tăng 9% so với kế hoạch thu năm 2018. Bình quân mỗi ngày làm việc, TPHCM thu ngân sách 1.620 tỷ đồng.

Cũng liên quan đến vấn đề này, trong tờ trình của UBND TPHCM về nguồn vốn thực hiện dự án đầu tư, xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), lãnh đạo UBND TP đề xuất một phương án đề xuất Trung ương nâng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM từ 18% như hiện nay lên 33%. Thời gian thực hiện theo lộ trình 10 năm. Cụ thể, TPHCM đề xuất từ năm 2018-2020, tỷ lệ điều tiết là giữ nguyên 18%. Giai đoạn 2021-2025, tăng tỷ lệ điều tiết lên 24% (tăng 6% trong 5 năm) và tăng lên 33% trong giai đoạn 2026-2030 (tăng 9% trong 5 năm). Tỷ lệ 33% cũng là bằng mức điều tiết của năm 2003.

Bên lề kỳ họp thứ 17 HĐND TPHCM sáng 7-12, Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong, chia sẻ với báo chí liên quan đến tỷ lệ điều tiết ngân sách của Trung ương đối với TPHCM. Theo đó, hiện nay Trung ương điều tiết ngân sách cho TPHCM 18%, là tỷ lệ thấp nhất thế giới. Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong dẫn chứng kết quả khảo sát các nước trên thế giới cho thấy tỷ lệ phân chia ngân sách trên thế giới mà một thành phố thuộc siêu đô thị như TPHCM được giữ lại thấp nhất là 30% (một thành phố của Nhật Bản), cao nhất là 60% (một thành phố của Na Uy). Do đó, TPHCM đang nghiên cứu xây dựng đề án, kiến nghị Trung ương điều chỉnh tỷ lệ phần trăm các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Trong đó, TPHCM cũng đề nghị tăng tỷ lệ điều tiết hợp lý đối với TPHCM, để bảo đảm TPHCM có điều kiện phát triển bền vững, giữ vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước và tiếp tục đóng góp lớn nhất cho cả nước.

Cùng chia sẻ về nội dung này, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến phân tích, bản chất của đề xuất tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM là nhằm tăng nguồn lực đầu tư cho TPHCM, từ đó đem lại hiệu quả cao nhất. Bởi lẽ, TPHCM có trách nhiệm sử dụng hiệu quả nguồn lực Trung ương điều tiết lại để chăm lo lại cho các địa phương khác theo tinh thần “TPHCM cùng cả nước, vì cả nước”.

Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị

Năm 2020 đã được TPHCM chọn là năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Trong khi đó, phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh, năm 2020 là năm có ý nghĩa quan trọng trong tổ chức thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ TP; năm thứ 3 thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Kỳ họp này sẽ xem xét thông qua nhiều nội dung để công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được tổ chức thực hiện nghiêm túc và đẩy nhanh tiến độ các dự án phục vụ sự phát triển của TP.

Tin cùng chuyên mục