Hệ lụy từ GDPR

Thời gian qua, nhiều tờ báo lớn của Mỹ, trong đó có LA Times và Chicago Tribune, buộc phải đóng cửa các website tại một số khu vực ở châu Âu sau khi Liên minh châu Âu (EU) ban hành quy chế mới siết chặt chính sách bảo mật. 
Hệ lụy từ GDPR
 Theo Quy chế Bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) được áp dụng trên 20 nước của EU, có hiệu lực từ cuối tháng 5, GDPR tập trung vào việc đảm bảo rằng người dùng biết, hiểu và đồng ý với dữ liệu thu thập được về họ.
Các công ty truyền thông phải minh bạch về việc thu thập và sử dụng dữ liệu cá nhân như tên đầy đủ, địa chỉ nhà, dữ liệu vị trí, địa chỉ IP hoặc công cụ nhận biết theo dõi việc sử dụng web và ứng dụng trên smartphone… Các công ty bị buộc phải thận trọng hơn khi xử lý dữ liệu khách hàng, nếu không sẽ đối diện với các hình thức xử phạt nghiêm ngặt khi vi phạm các quyền bảo mật. Ngoài ra, các công ty phải giải thích lý do tại sao dữ liệu được thu thập và liệu chúng có được sử dụng để tạo ra hồ sơ về hành động và thói quen của người dùng. Hơn nữa, người tiêu dùng sẽ có quyền truy cập những dữ liệu mà các công ty lưu trữ về họ, quyền sửa thông tin không chính xác, và quyền hạn chế việc sử dụng các quyết định được đưa ra bởi các thuật toán.

Các ý kiến ủng hộ hoan nghênh luật mới như một hình mẫu bảo mật dữ liệu cá nhân trong kỷ nguyên Internet. Tuy nhiên, quan điểm trái chiều cho rằng những quy định mới quá nặng, đồng thời cảnh báo nguy cơ làm ngưng trệ hoạt động kinh doanh. Đã có trường hợp độc giả châu Âu đăng nhập website các tờ báo thuộc sở hữu của Tập đoàn Truyền thông Tronc (Mỹ) đều nhận được thông báo các tờ này không còn hoạt động tại hầu hết quốc gia châu Âu. Thông báo không nêu rõ nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, song dẫn ra GDPR tại địa chỉ trang web chuyển hướng. Theo tờ New York Times, GDPR quá phức tạp, không người nào có thể đọc nổi một văn bản 56.000 chữ huống gì đến việc hiểu và tuân thủ theo.

Quy chế mới được áp dụng trong bối cảnh vụ bê bối rò rỉ dữ liệu người dùng của Facebook như một giọt nước làm tràn ly. Cho nên, dù muốn hay không, GDPR rõ ràng là một luật mới của EU nhằm thay đổi cách dữ liệu cá nhân người dùng bị thu thập và sử dụng. Ngay cả các công ty có trụ sở bên ngoài EU cũng phải tuân thủ các quy định mới nếu muốn tiếp tục cung cấp dịch vụ ở EU. Một số công ty có trụ sở bên ngoài EU đã tạm thời chặn các dịch vụ của họ khắp châu Âu để tránh vi phạm luật mới, mà hình phạt có thể lên đến 4% tổng doanh thu toàn cầu của công ty đó. Các công ty truyền thông hay mạng xã hội như Twitter đã nhanh chóng giới thiệu tùy chọn cho phép người dùng lựa chọn không nhận quảng cáo dựa trên dữ liệu của họ. 

Không phải ngẫu nhiên mà Apple giới thiệu trang web Data and Privacy cho người dùng tại EU chỉ 2 ngày trước khi GDPR có hiệu lực. Nhưng trớ trêu thay, theo BBC, chỉ vài giờ sau khi GDPR của EU bắt đầu có hiệu lực, các đơn khiếu nại về vi phạm GDPR đối với Facebook, Google, Instagram và WhatsApp đã được đệ trình. GDPR rõ ràng đã trở thành khắc tinh của hàng loạt công ty công nghệ hoặc công ty cung cấp dịch vụ trực tuyến, trong đó có báo chí.

Tin cùng chuyên mục