Bên ngọn hải đăng soi rọi giữa đêm tối, phóng tầm mắt sẽ thấy đảo Cồn Cỏ tròn vành vạnh đang hoàn thiện hình hài một đô thị giữa trùng khơi. Nhà cửa xây kiên cố san sát, nhiều trụ sở cao tầng chen giữa màu xanh cây trái như xóa đi sự khắc nghiệt của phong ba, bão táp. Đó là kết quả trong chiến lược chuyển Cồn Cỏ từ đảo quân sự thành đảo dân sự kiểu mẫu của những người con nước Việt đang ngày đêm vững vàng xây cuộc đời mới nơi “vọng gác tiền tiêu” Tổ quốc trên biển Đông.
Khách du lịch tham quan vườn cây ươm trên đảo Cồn Cỏ
Kiêu hãnh giữa trùng khơi
Đứng trên boong tàu xuất phát từ cảng Cửa Việt (Quảng Trị), sau gần hai giờ đồng cưỡi sóng, Cồn Cỏ hiện ra trong tầm mắt chúng tôi. Trở lại Cồn Cỏ sau 2 năm, kể từ ngày mang những phần quà của Báo SGGP ra cứu trợ khẩn cấp quân dân trên đảo sau bão số 10 năm 2013, vậy mà bây giờ đảo đã khác hẳn, không còn nhận ra. Những cảnh tượng đổ nát hoang tàn lần trước, nay đã thay bằng màu lá xanh non óng ả của những cây bàng cổ thụ, tỏa bóng sum suê bên cung đường bê tông còn thơm mùi xi măng uốn lượn quanh đảo. Những ngôi nhà trong làng Thanh niên bị sập và tốc mái, nay đỏ tươi màu ngói mới… Sự hồi sinh kỳ diệu ấy khiến tôi càng thêm khâm phục tinh thần và ý chí quyết tâm của những con người đang ngày đêm vững vàng xây cuộc đời mới nơi “vọng gác tiền tiêu” của Tổ quốc trên biển Đông.
Từng là cán bộ nòng cốt lần lượt xa vợ con, xa đất liền, ra Cồn Cỏ đúng ngày huyện đảo khai sinh, ông Lê Quang Lanh được cấp trên điều động giữ chức Chủ tịch UBND, kiêm Bí thư Huyện đảo Cồn Cỏ, nhớ lại: Trước năm 1959 trên đảo chưa có người. Đến năm 2000 vẫn chỉ có bộ đội đồn trú. Tháng 3-2002, có 43 đoàn viên thanh niên xung phong ra xây dựng đảo. Qua năm 2004 thì huyện đảo chính thức được thành lập theo quyết định của Chính phủ với định hướng xây dựng Cồn Cỏ thành đảo du lịch với cơ cấu: Du lịch - dịch vụ - thủy sản - lâm nông nghiệp. Đây là cột mốc để Cồn Cỏ chuyển mình từ đảo quân sự sang đảo dân sự. Huyện đảo đã đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ an ninh quốc phòng, dần hình thành và khẳng định một thực thể kinh tế lãnh thổ cấp huyện trên biển Đông…
11 năm, câu chuyện đổi thay ở đất liền có thể dễ hình dung hơn ngoài đảo khơi. Bởi để đưa được một cân thép, bao xi măng vượt sóng ra đảo là chuyện không đơn giản. Cùng với đó, việc khai hoang trên những con đường đá hộc, vào mùa hè khô kiệt nước ngọt, những bữa ăn chắp vá vẫn là ký ức ám ảnh đối với những thanh niên xung phong ra và bám trụ trên đảo đến ngày hôm nay, đều rùng mình mỗi khi nhắc tới. Đổi lại, những giọt mồ hôi và nước mắt của họ đã góp phần vào việc kiến tạo nên hình hài phố cảng qua những ngôi nhà xây kiên cố ấm tiếng trẻ thơ, tới âu thuyền, bờ kè chống xói lở bảo vệ đảo dài 2,2km… Cảng cá và dịch vụ hậu cần ra đời, những con thuyền của ngư dân từ mọi miền đất nước ghé lại đảo để tiếp dầu, tiếp nước cho những chuyến đánh bắt dài ngày.
Hình hài đô thị Cồn Cỏ đang hoàn thiện giữa trùng khơi
Sóng biển êm đềm dưới nắng vàng cuối thu càng làm cho Cồn Cỏ căng tràn sức sống. Quãng thời gian sau ngày hòa bình và công việc khai hoang có thể chưa dài, nhưng đến Cồn Cỏ bây giờ thật khó tìm ra một hố bom, hố đạn để hồi tưởng về những năm tháng chiến đấu với máy bay và tàu chiến Mỹ. Bên ngôi Trường Mầm non - Tiểu học Hoa Phong Ba thực hiện từ nguồn vốn xã hội hóa 5 tỷ đồng do Bộ GD-ĐT vận động vừa hoàn thành giai đoạn 1, cô giáo Hoàng Thị Thắm, một trong những thành viên của Tổng đội Thanh niên xung phong tỉnh Quảng Trị tình nguyện ra đảo lập nghiệp, chia sẻ: “Cùng chung ước mơ, chí nguyện và khát vọng là lý do để những chàng trai, cô gái tuổi xuân phơi phới tình nguyện ra với đảo hơn 10 năm về trước và được mệnh danh là loài “hoa phong ba”, đã nhanh chóng xích lại gần nhau và giữa họ sớm nảy nở những câu chuyện tình lãng mạn”. Nhiều đôi bạn trẻ đã nên duyên vợ chồng và kết quả từ những tình yêu đẹp giữa biển đảo quê hương ấy là 19 đứa trẻ chào đời như những bông hoa mặt trời trên đảo. Những trẻ đáng yêu ấy cứ đông dần giúp cho cuộc sống thêm ý nghĩa, đảo nhỏ thêm sức sống… “Tương lai, ngôi trường này sẽ có đủ các lớp học từ bậc mầm non, tiểu học, THCS đến THPT, đảm bảo cơ hội học tập cho tất cả trẻ em trên đảo, để các em và cả phụ huynh yên tâm gắn bó, bảo vệ và xây dựng biển đảo ngày càng vững mạnh về mọi mặt”, cô giáo Thắm tin tưởng.
Từ quá khứ đến tương lai
|
“Không quá xa bờ như Hoàng Sa, Trường Sa… nhưng Cồn Cỏ cũng không gần đến độ những con hải âu cũng đâm ra nhàm chán vì “ngửi” thấy quá ít hương vị sóng gió của hải đảo…”. Vài câu ngắn gọn trong bút ký Cồn Cỏ ngày thường của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường như khái quát thế đứng của Cồn Cỏ, hòn đảo nhỏ nằm ngoài khơi Quảng Trị. Với diện tích chừng 4km², chu vi 8km, độ cao từ 5 - 30m so với mặt nước biển nhưng Cồn Cỏ có vị trí cực kỳ trọng yếu về an ninh - quốc phòng. Khi vĩ tuyến 17 chia đôi hai miền đất nước, Cồn Cỏ trở thành vị trí tiền tiêu của miền Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Dưới con mắt các nhà thao lược quân sự đối phương, chiếm được hòn đảo án ngữ phía Nam vịnh Bắc bộ này là có được bàn đạp để cai quản cả một vùng biển rộng lớn, thâm nhập hậu phương miền Bắc XHCN. Nhưng rồi mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù đều thất bại khi đối mặt với những trận địa trên đảo mang tên các địa danh của cả nước như đồi Hải Phòng, khu Hà Nội (hàm ý quê hương của những người lính đóng tại vị trí đó) nay vẫn giữ nguyên tên gọi. Cũng hiếm có hòn đảo nào trên mảnh đất hình chữ S này trong thời chiến tranh lại có nhiều nhà văn tên tuổi cùng sống, cùng chiến đấu với lính đảo Cồn Cỏ đến như vậy. Trong đó, nhà văn Nguyễn Khải viết tác phẩm Họ sống và chiến đấu; nhà văn Hồ Phương viết Chúng tôi ở Cồn Cỏ... để người đọc như “ngửi” thấy mùi đạn bom trong từng trang sách. Đảng và Nhà nước 2 lần ra quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho Cồn Cỏ, 3 lần Bác Hồ gửi thư khen ngợi quân dân trên đảo.
Hơn 40 năm sau ngày đất nước thống nhất, những bãi biển ở Cồn Cỏ bị bom đạn cày xới năm xưa nay đã trở lại vẻ đẹp nguyên thủy và độc đáo. Nếu bãi Nghè nên thơ nhờ sự phong hóa của các tầng đá bazan thì bãi Hương Giang lại mang vẻ đẹp trắng mịn của đá san hô và đá đen với hàng vạn viên đá tròn, đen bóng như những viên ngọc khổng lồ nằm phía Tây Bắc đảo. Nước biển ở đây xanh trong, ấm quanh năm nên du khách sau khi khám phá rừng già nguyên sinh sẽ thỏa sức lặn biển ngắm san hô, câu cá... Thế giới động vật trên đảo cũng khá độc đáo, các loài chim, bò sát rất nhiều. Nhưng nổi tiếng nhất vẫn là loài cua đá to gần bằng bàn tay, là nguồn thực phẩm dồi dào và quan trọng trên đảo. Con cua đá ở đảo Cồn Cỏ còn vinh dự được đi vào bài hát vui nhộn thời chiến tranh mang tên Con cua đá… Chính lẽ đó, Cồn Cỏ được các nhà khoa học ví như một bảo tàng đa dạng sinh học.
Ông Lê Quang Lanh chia sẻ, ngay từ khi thành lập, Cồn Cỏ đã thuê chuyên gia Cuba đến lập quy hoạch, biến hòn đảo khói lửa, đạn bom năm xưa thành địa chỉ du lịch hấp dẫn. Cùng với những giá trị thiên nhiên đặc thù, những chứng tích lịch sử một thời trận mạc, những di chỉ văn hóa mới được phát hiện, Cồn Cỏ sẽ sớm là điểm du lịch hội tụ nhiều yếu tố hấp dẫn du khách, nối quá khứ vào tương lai. Huyện đảo đang chú trọng tạo ra các sản phẩm du lịch lịch sử - truyền thống, du lịch nghỉ dưỡng; du lịch sinh thái biển và khám phá rặng san hô... Bên cạnh đó là việc xây dựng tuyến vận tải nối đảo với đất liền bằng tàu cao tốc hiện đại, an toàn, dự kiến đi vào hoạt động vào đầu tháng 5-2016.
VĂN THẮNG
| |