
Chương trình hợp tác kinh tế – xã hội giữa TPHCM và các tỉnh Tây Nguyên trong hơn 5 năm qua đã đem lại những thành công nhất định với tổng vốn đầu tư các dự án được ký kết khoảng 6.000 tỷ đồng. PV báo SGGP đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Lê Thanh Hải, UV Bộ Chính trị, Chủ tịch UBND TPHCM, sau đợt sơ kết Chương trình hợp tác (KT-XH) giữa TPHCM các tỉnh Tây Nguyên.

- PV: Đồng chí có thể cho biết về sự bắt đầu của chương trình hợp tác KT-XH giữa TPHCM với các tỉnh Tây Nguyên?
- Đồng chí LÊ THANH HẢI: Xuất phát từ tình cảm của TPHCM dành cho Tây Nguyên, từ 4-5 năm nay, Bí Thư Thành ủy Nguyễn Minh Triết đã có kế hoạch Chương trình hợp tác KT-XH giữa TPHCM và các tỉnh Tây Nguyên. Khi thực hiện chương trình này, không chỉ các tỉnh Tây Nguyên có lợi, tháo gỡ khó khăn, trì trệ trong kinh tế do địa thế không thuận lợi mà chính các doanh nghiệp TP cũng có lợi - tìm được thị trường mới, tăng doanh số cho đơn vị, lại tạo được việc làm ổn định cho thanh niên các dân tộc Tây Nguyên. Đây không chỉ thuần túy là hợp tác kinh tế mà qua đó thể hiện tình cảm gắn bó thân thiết của nhân dân TP với đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên.
- Với hơn 50 dự án đã ký kết, chỉ có 19 dự án đi vào hoạt động, số dự án đang triển khai cũng không cao, đồng chí có suy nghĩ gì?
- Trước tiên phải khẳng định đây là chủ trương đúng đắn của lãnh đạo TPHCM và kết quả đạt được tuy chưa như mong muốn của cả hai bên, nhưng đó là những tín hiệu tốt lành cho mối quan hệ hợp tác cả về kinh tế lẫn xã hội. Chương trình này đã giúp hàng ngàn lao động trẻ người dân tộc thiểu số có việc làm ổn định, thu nhập khá và giúp họ tiếp cận được với cuộc sống công nghiệp, hiện đại bên ngoài những bản làng xa xôi.
Đồng thời, cùng chung tay với Đảng bộ và chính quyền các tỉnh Tây Nguyên tạo sinh khí mới trong hoạt động kinh tế của vùng Tây Nguyên bằng những nhà máy, xí nghiệp, công trình được xây dựng mới. Và còn rất nhiều chương trình hợp tác, hỗ trợ xã hội không thể tính bằng tiền mà tính bằng tình người; đó là hợp tác về đào tạo y tế, chương trình chăm sóc và hỗ trợ các bệnh nhân nghèo Tây Nguyên; chương trình tiếp sức cho thanh niên người dân tộc vượt dốc đói nghèo, tìm kiếm tri thức mới bằng hàng ngàn học bổng, xe đạp và nhiều trường lớp được xây mới…
Sau chuyến công tác này, tôi tin mọi vướng mắc sẽ được lãnh đạo hai bên quan tâm tháo gỡ để chương trình hợp tác tiến hành nhanh hơn.
- Triển vọng của Chương trình hợp tác toàn diện giữa TPHCM với các tỉnh Tây Nguyên trong thời gian tới, thưa đồng chí?
- Theo tôi, mục đích cuối cùng của chương trình hợp tác này là nâng cao đời sống bà con các dân tộc ở Tây Nguyên và cùng với Đảng bộ, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên thực hiện quyết tâm thoát đói, làm giàu. Tới đây, TPHCM và lãnh đạo các tỉnh đối tác sẽ quan tâm hơn nữa đến tiến độ thực hiện các dự án và có hướng tháo gỡ khó khăn nhanh hơn, các sở, ngành sẽ gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm cũng như bàn bạc đề xuất với lãnh đạo hai bên những cơ chế, biện pháp, phương thức để chương trình đạt hiệu quả cao hơn.
- Xin cảm ơn đồng chí!
PHẠM THỤC