Hiểu ra thì đã muộn…

Nghe mẹ của T. - học sinh lớp 12 báo tin em đã bỏ nhà đi đâu không rõ khiến cô hiệu trưởng và cô chủ nhiệm của T. vô cùng hoảng hốt. Mẹ T. mất ăn mất ngủ, không hiểu chuyện gì đang xảy ra với con mình. Sau khi rà soát tất cả các điểm T. cùng bạn bè thường lui tới và hỏi han thông tin từ những người bạn thân nhất của T., nhà trường và gia đình vẫn bặt tin tức của nam sinh vốn nghịch ngợm, hiếu động này.

Cuối cùng, tưởng mất hết hy vọng, mọi người vỡ òa khi thấy T. trở về. T. chỉ nói xin lỗi mọi người rồi đóng cửa phòng không muốn nói chuyện với ai.

Đợi con bình tâm trở lại, mẹ T. mới hỏi lý do, T. im lặng một lúc rồi trả lời nhát gừng: “Con thấy mệt mỏi về chuyện học hành và thèm có cảm giác tự do, được làm gì mình thích…”. T. cho biết không đi đâu xa, chỉ thuê nhà trọ ở 1 ngày 1 đêm ngay tại thành phố, sau đó thấy không ổn, sợ mọi người lo lắng nên quay về.

Nghe mẹ T. kể lại, cô giáo chủ nhiệm mới tìm hiểu thêm về gia cảnh của T. và khó khăn mà em gặp phải. Mẹ T. cũng thừa nhận từ ngày chị ly dị chồng, bận việc mưu sinh nên không còn thời gian gần gũi với con.

Chị biết con có nỗi buồn vì ba mẹ chia tay nhưng không nhận ra những biến đổi gần đây của con. Riêng cô chủ nhiệm, qua thu thập thông tin của bạn bè cùng lớp với T. cũng nhận thấy T có vấn đề bất ổn về tâm lý. Em lơ đễnh trong học tập, thường tách khỏi bạn bè, ngồi trầm ngâm một mình. Bạn thân nhất của T. kể rằng, T. thường nửa đùa nửa thật với bạn bè: “Sẽ có ngày chúng mày không thấy tao đến lớp. Tao muốn trốn đi đâu đó để tìm việc làm, thử kiếm tiền tự lo cho mình thay vì đi học tốn kém…”. Thỉnh thoảng T. cũng tỏ ra cọc cằn, nóng giận, khi bị chọc ghẹo... Những biểu hiện của T. hầu như không được ai để ý và can thiệp kịp thời.

Sau sự cố này, mẹ T. đưa con đi khám về sức khỏe tâm thần. Câu chuyện này nhắc nhở phụ huynh và nhà trường cần quan tâm và sớm phát hiện những biểu hiện bất thường về tâm lý của học sinh để hỗ trợ, can thiệp kịp thời.

DIỆU KHANH

Tin cùng chuyên mục