Hiệu sách di động ở Baghdad

Đối với chàng trai 25 tuổi Ali al-Moussawi, sách chính là niềm đam mê. Vì niềm đam mê này, al-Moussawi đã quyết định làm chủ một hiệu sách đặt trên xe tải. 
Al-Moussawi và hiệu sách di động
Al-Moussawi và hiệu sách di động
Gần như mỗi ngày, hiệu sách di động của Moussawi cứ rong ruổi trên những con đường đầy khói bụi, băng qua các chốt kiểm soát và cả những nơi từng xảy ra các vụ đánh bom đẫm máu ở TP Baghdad (Iraq). 

Có lẽ điều khiến al-Moussawi thấy có chút phiền hà là khi xe tải của anh dừng chân ở các chốt kiểm soát an ninh. Ở đó, các binh sĩ luôn đòi lục soát xe vì sợ trên xe có chất nổ và vũ khí. Họ kiểm tra kỹ càng những kệ sách và những thùng đựng sách.

Chiến tranh nổ ra tại Iraq từ năm 2003 đã tàn phá gần như toàn bộ đất nước có nền văn hóa lâu đời này. Baghdad cũng không nằm ngoài sự hủy hoại đó. Là một trong những thành phố cổ nhất thế giới, Baghdad vốn là trung tâm văn hóa của thế giới Arab. Vào thời kỳ hoàng kim của Baghdad, những câu chuyện dân gian của nhiều quốc gia đã được tập hợp và biên soạn thành Nghìn lẻ một đêm nổi tiếng khắp thế giới. Người Baghdad vốn yêu văn chương và âm nhạc, nhưng chiến sự đã làm họ dần thay đổi vì nỗi sợ hãi thường trực vây quanh. Hiểu được điều này và muốn truyền niềm đam mê đọc sách đến người dân ở Baghdad, hiệu sách di động của al-Moussawi luôn cập nhật những đầu sách mới nhất và lưu giữ cẩn thận những cuốn sách quý cho độc giả. Trước khi hiệu sách di động ra đời từ năm 2015, al-Moussawi đã lập một trang Facebook cá nhân mang tên “Iraqi Bookish”. Kể từ đó, al-Moussawi miệt mài thực hiện những công việc liên quan đến sách. Anh mở câu lạc bộ sách, những cuộc thi viết dành cho độc giả có khiếu văn chương tại các trung tâm văn hóa và các quán cà phê. 

Dù hiếm hoi nhưng ở Baghdad vẫn có khu vực dành cho những người yêu sách. Cứ vào mỗi thứ sáu hàng tuần, khu chợ al-Mutanabbi - mang tên của một nhà thơ nổi tiếng vào thế kỷ thứ 10, lại mở cửa đón khách. Tại quán cà phê Shahbandar, nơi được mệnh danh là trái tim của khu chợ, là chốn quen thuộc của giới văn nghệ sĩ ở Baghdad. Họ cùng nhau trò chuyện, trao đổi sách và chụp các bức ảnh lưu lại khoảnh khắc đẹp trong những buổi họp chợ yên bình. Ở quận Karada tại Baghdad có một quán cà phê hoàn toàn khác biệt với các đối thủ cạnh tranh của nó. Tính đặc thù của quán là không có shisha. Thay vào đó, thực đơn được trang trí bằng tên của những cuốn sách có thể mượn và đọc trong một bầu không khí thoải mái với cốc nước giải khát ưa thích, hoặc trong bữa ăn nhẹ. 

Thay vì phải đến chợ sách hay quán cà phê, độc giả tìm đến hiệu sách của al-Moussawi vì nó mang lại cho họ cảm giác tiện lợi. Hiệu sách sẽ dừng lại bất cứ chỗ nào có đông độc giả và có thể đáp ứng các đầu sách ở đủ mọi độ tuổi. Giới trẻ thường tìm sách liên quan đến các nhân vật nổi tiếng, sách dạy kinh doanh hoặc ngoại ngữ. Còn những người ở độ tuổi trung niên, nếu là người Shiite, họ sẽ chọn sách có chủ đề tôn giáo, riêng người Sunni thì hay chọn sách tiểu sử của cố lãnh đạo Saddam Hussein. Hiệu sách đã mang lại cho al-Moussawi khoản thu nhập ổn định. Một phần doanh thu luôn được anh trích ra để mua thêm những đầu sách mới phục vụ độc giả.

Tin cùng chuyên mục