Hồ Duy Hùng và câu chuyện “nhân - duyên”

Chiến công một thời
Hồ Duy Hùng và câu chuyện “nhân - duyên”

Tên tuổi Hồ Duy Hùng gắn liền với những “kỳ tích” mà ông khiêm tốn gọi đó là chuyện “nhân - duyên”. Tôi bất ngờ gặp nhân vật đặc biệt ấy và càng bất ngờ hơn khi nghe ông kể về niềm đam mê hiện tại của mình, một câu chuyện thú vị gắn liền với loài danh thảo trên đỉnh Ngọc Linh.

Hồ Duy Hùng và câu chuyện “nhân - duyên” ảnh 1

Anh Hồ Duy Hùng với củ sâm Ngọc Linh tự nhiên nhiều năm tuổi

Chiến công một thời

Vào Google gõ từ khóa “Hồ Duy Hùng” sẽ cho ra hơn 1,2 triệu kết quả trong vòng 0,44 giây. Ngay cả từ điển quốc tế Wikipedia cũng thông tin khá đầy đủ về người chiến sĩ quân báo cách mạng nổi tiếng này. Nhiều người gọi vui: Hồ Duy Hùng là “không tặc” đầu tiên ở Việt Nam. Nhắc về vụ mất cắp máy bay hy hữu, dẫn đến vụ án “Tản thất quân dụng” gây rúng động cả miền Nam Việt Nam vào năm 1973, ông mỉm cười: “Chuyện “ăn trộm” mà đem ra kể cũng kỳ”. Tuy nhiên, những ai từng được nghe về những khoảnh khắc mà cựu điệp báo, cựu phi công này cận kề trong ranh giới giữa sự sống và cái chết, mới phục sự dũng cảm, mưu trí và lòng quả cảm của người thanh niên yêu nước trong thời loạn.

Nói đến Hồ Duy Hùng phải nói đến tinh thần quyết chiến, quyết thắng của người lính Cụ Hồ. Địch không ngờ rằng, người chiến sĩ cách mạng ấy lại vào tận sào huyệt của chúng cướp máy bay địch ngay giữa ban ngày, trong khi chiếc trực thăng UH1 thuộc thế hệ hiện đại, tối tân, không phải ai cũng dễ dàng điều khiển được. Với sự điềm tĩnh, kiên trung của một điệp viên thầm lặng đang bị quân đội Sài Gòn truy nã, ngày 7-11-1973, Hồ Duy Hùng lên Đà Lạt và táo bạo chớp thời cơ đánh cắp chiếc trực thăng UH1H số hiệu 60-139 tại bờ hồ Xuân Hương, rồi vượt qua mây như vượt qua cõi chết bay về Lộc Ninh, thủ phủ Chính phủ Cách mạng lâm thời lúc bấy giờ. Hồi ức về thời trai trẻ, gương mặt người lính quân báo vẫn hiện rõ vẻ hồ hởi như 42 năm về trước: “Vừa cất cánh vài trăm mét, chiếc phi cơ lọt vào vùng trời dày đặc mây mù. Lúc bấy giờ không dám nghĩ tới chuyện sống sót trở về. Đơn giản, chỉ cần va vào núi là thể xác tiêu tan ngay”. Trong chiến dịch mùa Xuân 1975, Hồ Duy Hùng chẳng may bị thương. Tuy nhiên, sau giải phóng, anh vẫn được Bộ Tư lệnh Không quân giao nhiệm vụ bay thử và huấn luyện nhiều phi công chuyển loại và phi công mới lái trực thăng UH-1 (vì anh đã được đào tạo tại Mỹ, đã bay trong không quân chế độ cũ loại máy bay này khi còn là điệp viên của quân đội ta và trước khi bị địch bắt).

Đầu năm 1976, Hồ Duy Hùng cùng anh em không quân đã nhiều lần phục vụ các đoàn cán bộ của Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Hải quân ra thị sát, cắm bia chủ quyền hàng trăm đảo ở quần đảo Trường Sa. Rồi anh tham gia đánh Fulro ở Tây Nguyên, đẩy lùi quân Khmer đỏ ở biên giới Tây Nam, đẩy lùi quân Trung Quốc ở biên giới phía Bắc. Năm 1982, anh giải ngũ vì vết thương cũ. Với cương vị Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ Du lịch Phú Thọ, anh cùng tập thể lao động xây dựng thành công nhiều công trình mà nổi bật nhất là Công viên Văn hóa Đầm Sen, đoạt giải thưởng Sáng tạo kỹ thuật TPHCM năm 1996 với công trình Nhạc nước Đầm Sen.

Mối duyên tương phùng

Câu chuyện anh Hùng đến với sâm Ngọc Linh tình cờ nhưng đầy thú vị. Anh kể lại: “Hồi học trung học, tôi ở nhà ngoại. Ông ngoại tôi tên Lê Long, người ta hay gọi thầy Cửu Long vì ông là thầy thuốc đông y nổi tiếng ở Hội An, Quảng Nam. Vì gần gũi nên có lần tôi hỏi ông ngoại về chuyện “ngậm ngải tìm trầm”. Ông giải thích chỉ nghe mấy người đi buôn quế, buôn trầm theo dòng sông Thu Bồn lên tận miệt thượng nguồn ở vùng núi cao Trà My kể lại, “ngải” chẳng qua là một loài cây có củ làm thuốc của người dân tộc Tây Nguyên, có tác dụng tăng cường sức khỏe, chống bệnh tật nên người băng rừng, trèo núi tìm trầm thường dùng để có sức đi được lâu ngày. Đó là “cây thuốc giấu” của họ, họ giữ bí mật tuyệt đối về loại cây này chứ không phải bùa ngải linh thiêng gì. Chuyện củ “ngải” ông tôi kể cũng lặng lẽ qua đi trong tôi bởi còn quá nhiều việc phải làm trong cuộc chiến tranh tàn khốc của dân tộc”.

Trong chiến dịch mùa Xuân 1975, anh Hùng bị thương buộc phải nằm ở bệnh viện dã chiến Buôn Ma Thuột. Vừa bị sốt rét lâu ngày, lại bị thương nên người ông ốm yếu. Thủ trưởng của anh, ông Khúc Đình Bình, một cán bộ cao cấp của quân đội đến thăm và cho anh một củ gì giống như củ bình tinh hay giông riềng và nói: “Đây là củ K5, rất tốt. Cậu chia ra dùng trong một tháng. Cậu trông nguy lắm, phải cố sống. Sống là nhiệm vụ chính của cậu lúc này”. Lúc này anh Hùng mới lang mang nhớ lại chuyện củ “ngải” ông ngoại kể.

Nếu bước vô một trong 3 phòng mang tên Khu trưng bày sâm Ngọc Linh Đệ Nhất Sâm của Hồ Duy Hùng, bạn sẽ choáng ngợp trước “Bộ sưu tập Sâm Việt”. Đặt trang trọng giữa phòng là khung hình được chú thích cẩn thận: hình chụp chung với Đại tướng Võ Nguyên Giáp bên củ sâm Ngọc Linh 93 tuổi. Đưa tay vuốt hình chụp chung với tướng Giáp, ông rơm rớm nước mắt: “Đó là hình chụp trong lần đầu gặp Đại tướng ở Trung đoàn Không quân 917 năm 1975”.

Triết lý nhân sinh

Ngày nay, tuổi quá lục tuần nhưng tinh thần, tác phong anh Hùng trông còn thanh xuân lắm. Anh đang đau đáu một niềm riêng: “Tại sao sâm Ngọc Linh - một loại sâm quý hiếm có nhiều tố chất vượt trội hơn hẳn sâm Triều Tiên, Hoa Kỳ và Trung Quốc nhưng vẫn còn xa lạ với nhiều người”. Từ trăn trở trên, Hồ Duy Hùng quyết tâm nghiên cứu, sưu tầm và quảng bá sâm Ngọc Linh. Để nâng tầm giá trị, giới thiệu loại “thần dược” này ra thị trường trong và ngoài nước, anh đã sáng lập nên thương hiệu Ngọc Linh Đệ Nhất Sâm. 

Anh Hùng tâm sự: “Tôi không tin thiên mệnh hay số trời gì đó mà tin vào cái duyên, cái nhân quả. Tôi còn khỏe mạnh và cũng không muốn ở không, lại may mắn gặp được một người bà con trước làm ngành dược ở Quân khu 5 và một người bạn đã nhiều năm nghiên cứu về loài sâm quý này. Thì ra đây là những học trò của một vị đã phát hiện ra cây sâm trên núi Ngọc Linh và một vị đã nghiên cứu phát triển, giới thiệu cây thuốc quý của Việt Nam này ra thế giới. Đến với sâm Ngọc Linh, tôi và những người bạn chỉ là sưu tầm, đam mê và chia sẻ đam mê.

VI HẰNG

Tin cùng chuyên mục