Sáng 14-5, đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM đã có buổi làm việc với Cục Thuế, Cục Hải quan và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM về tình hình thu ngân sách và đóng góp sửa đổi Luật Quản lý thuế. Nguồn cơn của khó khăn trong hoạt động thu ngân sách hiện nay đã được các đại biểu Quốc hội và các ban ngành TP bàn luận, xem xét kỹ lưỡng.
Gần 75% doanh nghiệp có doanh số âm
“Một thực tế hiện nay là số DN làm ăn thua lỗ ngày một tăng. Do vậy, số thu ngân sách đang rất khó khăn, mặc dù nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ DN nhưng những chính sách đó hình như không phát huy được hiệu quả…” - ông Nguyễn Trọng Hạnh, Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM nói. Ông dẫn chứng, tính riêng các báo cáo khai thuế giá trị gia tăng của DN cũng cho thấy tỷ lệ khai thuế “dương” rất thấp, năm 2009 là 28%, năm 2010 là 27%, năm 2011 là 24% và quý 1-2012 trên dưới 20%. Con số đó cho thấy có hai khả năng hoặc hàng hóa còn tồn kho, hoặc giá bán ra thấp.
Để đáp ứng yêu cầu làm rõ tình hình lỗ lãi của DN, ông Nguyễn Trọng Hạnh đưa ra con số khiến các đại biểu bất ngờ là quý 1-2012 chỉ có 25,5% DN khai báo có lãi, tức có nghĩa là có đến gần 75% DN có doanh số âm hoặc bằng không. Và tỷ lệ DN khai báo lãi cũng giảm dần qua các năm: năm 2009 có 40,5% DN có lãi; năm 2010 giảm còn 38%; năm 2011 chỉ còn 35%. Điều đó đồng nghĩa với số lượng DN khai báo lỗ bị giải thể, phá sản cũng ngày càng tăng…
Vì sao Chính phủ liên tục ban hành các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn DN mà số lượng DN báo lỗ vẫn liên tục tăng là câu hỏi được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Theo các ngành, nguyên nhân là do giá cả hàng hóa liên tục tăng, ví dụ như giá xăng tăng trong thời điểm khó khăn là không hợp lý, dễ dàng “nhấn chìm” nhiều DN trong “bão giá”. Hơn nữa, tuy lãi suất ngân hàng có giảm nhưng thực tế DN vẫn phải vay vốn với lãi suất cao đến 17% - 18%/năm.
Một lãnh đạo khác thì cho rằng, giải pháp hỗ trợ DN bằng cách giãn, giảm nộp thuế là không hiệu quả. Khi số DN lỗ chiếm tỷ lệ cao như thế thì có phải nộp thuế đâu mà dùng tới chính sách giãn, giảm nộp thuế? Do vậy, theo kiến nghị của các ngành, hỗ trợ DN phải dùng tới giải pháp kích cầu, như hỗ trợ DN bán hàng giảm giá, cho cán bộ công nhân viên vay vốn mua nhà…
Thất thoát nguồn thu
Một nguyên nhân khác không kém phần quan trọng trong việc ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách là tỷ lệ nợ quá hạn quá cao. Ông Nguyễn Trọng Hùng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM cho biết, tính đến cuối năm 2011 con số DN nợ thuế xuất nhập khẩu quá hạn lên đến 1.426 tỷ đồng (nếu tính từ khi có Luật Quản lý thuế ra đời đến nay thì số nợ đọng quá hạn là 740 tỷ đồng).
Sở dĩ DN nợ dây dưa, kéo dài là do các quy định phối hợp đòi nợ giữa các ngành, các cấp chưa tốt. Chẳng hạn như, DN nợ thuế quá hạn thì cơ quan chức năng có quyền trừ lương, phong tỏa tài khoản, nhưng cơ quan hải quan không thể biết DN đó có tài khoản ở những ngân hàng nào, nếu làm công văn hỏi Ngân hàng Nhà nước thì rất tốn thời gian.
Một lý do khác là theo Luật Quản lý thuế quy định nếu DN nộp thuế trễ hạn thì mức phạt hiện nay quá thấp, chỉ 0,05%/ngày, tức chỉ 18%/năm, nên nhiều DN cố tình không nộp để chiếm dụng vốn khi mà thủ tục vay vốn ngân hàng khó khăn, lãi suất cao và nhiều loại phí như hiện nay.
Theo ông Nguyễn Trọng Hạnh, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP, nguyên nhân khiến nhà nước thất thu thuế là Luật Quản lý thuế chưa có quy định để chống chuyển giá, gian lận thuế hiệu quả. Chẳng hạn, có trường hợp một người mua đấu giá một căn nhà 40 tỷ đồng, nhưng chỉ trong vòng 4 tháng sau khi làm giấy tờ xong, sang nhượng lại cho một DN với giá 400 tỷ đồng, mà người này lại khai báo có tài sản duy nhất nên cũng không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Theo ông Hạnh, với số tiền “đầu vào” cao như thế, DN khấu hao trong vòng 20 năm thì chỉ khấu hao 2 tháng đã bằng 40 tỷ đồng giá trị căn nhà mua vào. Do vậy, ông Hạnh đề nghị Luật Quản lý thuế sửa đổi làm sao để chống được những trường hợp chuyển giá, dàn xếp giá như trên thì mới chống được thất thu thuế.
HÀN NI