Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Không nên cào bằng

Tại cuộc tọa đàm góp ý xây dựng Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 21-6, nhiều ý kiến nhận định, điều quan trọng hàng đầu là bảo đảm sự bình đẳng pháp lý với DN lớn và thiết lập một số cơ chế pháp lý đặc thù dành cho DN nhỏ.
Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Không nên cào bằng

(SGGPO).- Tại cuộc tọa đàm góp ý xây dựng Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 21-6, nhiều ý kiến nhận định, điều quan trọng hàng đầu là bảo đảm sự bình đẳng pháp lý với DN lớn và thiết lập một số cơ chế pháp lý đặc thù dành cho DN nhỏ.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO, về tiêu chí xác định DNNVV, Dự thảo quy định, DNNVV là DN đáp ứng 1 trong 2 tiêu chí: doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của năm trước liền kề không vượt quá 100 tỷ đồng hoặc và lao động bình quân năm của năm trước liền kề không quá 300 người. Dự thảo đã giữ nguyên số lượng lao động không quá 300 người và thay tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng bằng doanh thu không quá 100 tỷ đồng (doanh thu 100 tỷ đồng thì có nghĩa là tổng nguồn vốn thường thấp hơn khá nhiều).

Ông Đức cho rằng, cần xem xét phân nhóm cụ thể giữa DN nhỏ (gồm cả siêu nhỏ) và DN vừa, để đối xử hỗ trợ khác nhau trong Luật. Quy định như Dự thảo thì giữa DN nhỏ và DN vừa (gần trở thành DN lớn), có sự khác nhau quá lớn về năng lực và quy mô (có khi đến hàng trăm, hàng nghìn lần), nên không thể hỗ trợ cào bằng như nhau.

Định nghĩa về DVNVV có sự khác nhau quá lớn về năng lực và quy mô.

Mặt khác, cần xem xét loại trừ một số đối tượng không nên hỗ trợ hoặc chỉ hỗ trợ một phần, như đối với các công ty đại chúng, công ty niêm yết, vì đây đã là những DN bài bản, có quy mô tương đối lớn. Tương tự, nên loại trừ các DN là công ty con của DN lớn, vốn đã được dựa vào thế mạnh rất lớn của công ty mẹ.

Hơn nữa, bản thân nguồn lực hỗ trợ cũng yếu và hạn chế, nên cũng không thể mở quá rộng, gánh quá sức sẽ đứt gánh giữa đường. Vì vậy, cần tập trung hỗ trợ cho DN nhỏ và siêu nhỏ (với quy mô từ 10 – 20 tỷ đồng doanh thu, từ 20 – 30 lao động trở xuống), chứ không nên hỗ trợ cho DN vừa; hoặc nếu có hỗ trợ thì chỉ cần hỗ trợ với mức độ ít hơn nhiều.

Một điểm đáng lưu ý khác là Dự thảo Luật quy định rất nhiều đối tượng tham gia vào quá trình hỗ trợ DN như: Hội đồng Phát triển DNNVV Quốc gia, Hội đồng thẩm định Danh mục sản phẩm đổi mới sáng tạo, Quỹ Phát triển DNNVV (đã có), Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV (đã có), Quỹ tương hỗ, Quỹ đầu tư khởi nghiệp, ngân hàng, nhà đầu tư phát triển hạ tầng, các tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp hỗ trợ, tổ chức hỗ trợ, hệ thống chuỗi phân phối sản phẩm… Số lượng DN được hỗ trợ cũng lên đến trên nửa triệu, và dự kiến khoảng 5 năm nữa lên đến 1 triệu DN. Vì vậy, cần phải thành lập 1 cơ quan chuyên trách cấp cục vụ ở Trung ương và cấp phòng mỗi tỉnh, thành để bảo đảm khả năng hỗ trợ cho DNNVV.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục