Chính phủ Thái Lan vừa thông qua một khoản tiền trị giá hơn 1,3 tỷ USD để hỗ trợ cho nông dân nước này đang phải vật lộn với giá nông sản sụt giảm mạnh và xuất khẩu bị khựng lại. Trong đó, khoảng 1 tỷ USD cho nông dân trồng lúa và 365 triệu USD cho nông dân trồng cao su.
Ông Gothom Arya, chuyên gia thuộc Viện Nhân quyền và nghiên cứu hòa bình thuộc Đại học Mahidol ở Bangkok, Thái Lan giải thích: với tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, chính phủ phải thúc đẩy tiêu dùng. Ông cho rằng khi gói kích thích này nhắm vào tầng lớp bình dân, đồng tiền sẽ được lưu thông. Có thể thấy rằng, gói hỗ trợ của chính quyền quân sự Thái Lan hiện nay có nét tương đồng với chính sách dân túy mà các chính phủ tiền nhiệm của cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra hay Thaksin Shinawatra từng thực hiện.
Sau khi lên nắm quyền, chính quyền quân sự Thái Lan cam kết sẽ “làm sạch” Thái Lan, đưa đất nước này thoát khỏi bóng ma tham nhũng và chính sách dân túy của chính phủ tiền nhiệm. Với tuyên bố mạnh mẽ như vậy, ít ai có thể ngờ rằng Chính phủ Thái Lan phải sử dụng đến giải pháp hỗ trợ nông dân sớm như vậy.
Thực tế cho thấy, nông dân ở các vùng nông thôn ít nhiều bất mãn với các chính sách kinh tế mà Chính phủ Thái Lan đang thực hiện. Hiện thu nhập người dân ở nông thôn ở mức rất thấp trong khi xuất khẩu nông sản như gạo lại gặp khó khăn. Theo Reuters, việc Thái Lan bật đèn xanh hỗ trợ 365 triệu USD cho người trồng cao su sau khi xuất hiện nhiều tuyên bố tiến hành biểu tình bất chấp lệnh cấm tụ tập liên quan đến chính trị từ phía nông dân.
Hỗ trợ nông dân là giải pháp mới nhất được thực hiện nằm trong hàng loạt các biện pháp, trong đó có các khoản vay lãi suất “mềm” thông qua quỹ tín dụng ở các làng ở nông thôn Thái Lan, để xoa dịu người nông dân cũng như thúc đẩy nền kinh tế. Tuy nhiên, đây chỉ là các giải pháp tức thời chứ chưa giải quyết được cái gốc khiến người nông dân đang phải gặp khó khăn. Nhiều ý kiến cho rằng việc chính quyền không đảm bảo được giá nông sản như yêu cầu của người nông dân; nông sản mất giá khiến thu nhập của người nông dân bị sụt giảm mạnh, ảnh hưởng đến cuộc sống.
Nông dân Thái Lan từng là trung tâm của một thập kỷ bất ổn chính trị ở xứ chùa Vàng. Đỉnh điểm năm 2010, Thái Lan đã phải huy động quân đội để giải tán cuộc biểu tình kéo dài 10 tuần của phe áo đỏ, đại diện cho người nông dân nghèo Thái Lan, làm nhiều người thiệt mạng, trở thành một chấm đen trong lịch sử hiện đại của quốc gia được mệnh danh là đất nước của những nụ cười. Vì vậy, lo cho đời sống của người dân ở khu vực nông thôn, nơi có 34 triệu người đang sinh sống, được ổn định có lẽ là yêu cầu đặt ra cho bất kỳ chính quyền nào ở Thái Lan. Chỉ khi cuộc sống người dân được đảm bảo, những chính sách phát triển đều tập trung chăm lo cho cuộc sống người dân, đảm bảo không có bất công trong xã hội thì khi đó lòng dân mới an, mới có sự đồng thuận từ trên xuống dưới để cùng chung tay phát triển đất nước. Vì dân là cái gốc để giải quyết vấn đề. Và phải chăng việc Phó Thủ tướng Somkid Jatusripitak, từng là một trong những kiến trúc sư của chính sách dân túy dưới thời cựu Thủ tướng Thaksin, được tin tưởng giao cho gánh vác vấn đề kinh tế, là để hướng đến vì dân?
ĐỖ CAO