Bộ phim tài liệu dài 99 phút Brave Miss World vừa lọt vào danh sách đề cử giải Emmy 2014 (khai mạc tại Los Angeles ngày 25-8 tới). Phim kể về hành trình của một Hoa hậu Thế giới trở thành nhà hoạt động chống bạo lực tình dục toàn cầu.
Sáu tuần trước khi giành vương miện Hoa hậu Thế giới 1998, Linor Abargil, 18 tuổi, bị hãm hiếp bởi một quản lý có trách nhiệm đưa cô về Israel sau một cuộc biểu diễn thời trang tại Milan (Ý). Cô gái với sức mạnh nội tâm đáng kể và sự hỗ trợ của gia đình, đã không chấp nhận im lặng, quyết tâm đưa thủ phạm tấn công mình ra trước công lý. Mẹ Linor khuyến khích cô tố cáo vụ việc và tiếp tục đại diện Israel tham dự cuộc thi Hoa hậu Thế giới.
Như mẹ đã ủng hộ mình, Linor đang cố gắng trao quyền cho các nạn nhân bạo lực tình dục lên tiếng. Hành trình của Linor từ nữ hoàng sắc đẹp trở thành nhà hoạt động chống bạo lực tình dục đã được làm thành bộ phim tài liệu Brave Miss World.
Đạo diễn bộ phim, Cecilia Peck, con gái diễn viên Gregory Peck, cho biết: Mẹ cô bảo đừng lo lắng, hãy báo cảnh sát, đừng im lặng đã cho cô đủ can đảm đứng ra tố giác thủ phạm. Sau khi kẻ hãm hiếp cô bị kết án tù vào năm 1999, Linor ngừng công khai về vụ tấn công và rút lui khỏi công chúng. Đến năm 2008, cô bắt đầu lên tiếng một lần nữa, khuyến khích các nạn nhân của bạo lực tình dục chia sẻ câu chuyện của họ và cô mời các nhà làm phim đi theo hành trình đó của mình.
Brave Miss World bắt đầu khi Linor ra mắt một trang web để các nạn nhân có thể chia sẻ câu chuyện của họ. Phim theo chân cô đi khắp thế giới thăm những nạn nhân bị hãm hiếp, những phụ nữ ít được biết đã trực tiếp kể những câu chuyện khủng khiếp của họ trước máy quay. Các cảnh quay đã theo chân Linor từ Nam Phi đến châu Âu, nơi cô nói chuyện với những nạn nhân, đến những cuộc biểu tình ở các trường đại học Mỹ, vào phòng họp Quốc hội Israel, đến hiện trường vụ tấn công cô ở Ý... “Bộ phim nói về sự can đảm cần thiết để đấu tranh cho công lý và lên tiếng về nạn hãm hiếp và tấn công. Nó nói về việc tạo nên một nhà hoạt động” - đạo diễn Peck nói.
Bộ phim cho thấy vụ tấn công đã thay đổi cuộc sống của Linor và cho thấy, trong độ tuổi được cho là đã trưởng thành này, các nạn nhân bị hãm hiếp khi nói ra vẫn thường bị kỳ thị hơn là được bênh vực, thậm chí ở các trường đại học Mỹ.
Bộ phim đã vượt ra khỏi màn hình để trao quyền cho các nạn nhân của bạo lực tình dục lên tiếng thông qua trang web bravemissworld.com, qua những buổi chiếu trong các cộng đồng và trên mạng xã hội.
Đạo diễn Peck trả lời phỏng vấn của CNN: “Thật khó đưa ra câu chuyện về một chủ đề cấm kỵ. Chúng tôi đã làm bộ phim trong 5 năm, từ khi Linor sẵn sàng lên tiếng về vụ hãm hiếp sau một thời gian dài điều trị. Cô phải mất 11 năm sau vụ tấn công và đoạt vương miện, cùng thời gian theo đuổi tại tòa án, rồi ẩn dật, để chữa lành vết thương tâm lý”.
Nhà sản xuất Inbal Lessner cho biết: “Điều quan trọng với Linor là tạo ý nghĩa thực sự của vương miện hoa hậu. Cô cảm thấy danh hiệu vô nghĩa nếu không làm được điều gì đó với nó. Cô biết vương miện đã cho cô một nền tảng để mọi người sẽ lắng nghe, để khuếch đại thông điệp. Cô đã làm được một sự khác biệt ở đất nước mình sau khi phát biểu công khai trong phiên tòa. Cô nói với phụ nữ ở Israel: “Nếu tôi có thể làm điều đó, các bạn cũng có thể làm điều đó. Hãy tố cáo, đừng giữ im lặng”. Số vụ tố cáo với cảnh sát về nạn hãm hiếp đã tăng đáng kể và nhà chức trách đã ban hành luật mới từ trường hợp của cô. Cô hy vọng tiếp cận nhiều người hơn trên quy mô toàn cầu bằng cách nỗ lực tiếp cận cộng đồng và vận động tích cực. Một bộ phim tài liệu sẽ giúp cô thực hiện điều đó”.
BẢO NGHI