
Quảng cáo rầm rộ bằng tên tuổi các ngôi sao châu Á như Jang Dong Gun, Trương Bách Chi, Hyroyuki Sanada, Tạ Đình Phong… với tên tuổi đạo diễn Trần Khải Ca, với một ê kíp làm phim nổi tiếng và bắt đầu bằng con số doanh thu kỷ lục ở Trung Quốc, có vẻ như Trung Quốc đã biết làm phim thị trường theo kiểu Hollywood…

Cảnh phim “Vô cực”.
Câu chuyện phim giống như một huyền thoại , nó được bày biện với đủ mâm đĩa của những ảo giác, của bạo lực, của ma thuật, của trí tưởng tượng và được hòa trộn rất nhiều gia vị của màu sắc triết lý để đắp nên hình thù từng nhân vật trong phim.
Đó là một câu chuyện về cô bé gái ăn mày nhận lời nguyền của vị Mãn thần, sứ giả của vận mệnh: “Cô sẽ hưởng mọi vinh hoa phú quí, nhưng sẽ không bao giờ có được tình yêu chân thật”. 20 năm sau, cô trở thành vị vương phi Khuynh Thành và đã đi qua 4 người đàn ông để cuối cùng, chính tình yêu chân thực nhất của chàng nô lệ Côn Luân đã cùng cô vượt qua lời nguyền.
Với vua và công tước Vô Hoan cô chỉ là một món đồ chơi; với đại tướng quân Quang Minh, dù yêu cô, nhưng quyền lực và danh vọng vẫn có sức cuốn hút ông ta hơn, chỉ có tên nô lệ mới có thể hy sinh mạng sống cho tình yêu mà hắn tôn thờ. Cái ý tưởng không có gì mới, có vẻ như đây là một bộ phim kiếm hiệp ca ngợi tình yêu: “ Tình yêu chân chính của con người có thể thay đổi được vận mệnh và số phận”.
Nhưng lồng trong câu chuyện tình yêu ấy là một không khí khá kỳ dị, ma quái bao quanh nhân vật “Sói tuyết”, một xuất thân hoang đường từ vùng đất tuyết của nô lệ Côn Luân… Nói chung là đạo diễn đã vận dụng hết óc tưởng tượng của mình để vẽ vời nên câu chuyện, đẩy nó đến tận cùng… của sự thần bí, và đó chính là cái nền để Trần Khải Ca tung hết những ngón nghề kỹ xảo của mình. Người xem được dẫn dắt đi trong không gian huyền bí ấy, với những lời thoại có cánh, những tình tiết gây sốc… để cảm nhận… về một thứ tình yêu “vô cực”.
Một sự khắc họa có chủ ý, có tính toán: “Khi con người đạt đến độ tinh diệu (vô cực) trong tình yêu như sự chung thủy, lòng chân thật, tinh thần nghĩa hiệp, sự dũng cảm và tình yêu quê hương thì con người sẽ thoát ra khỏi sự kềm tỏa của thời gian, không gian”.
Nhưng những gì đạt được để có thể đi vào trái tim người xem dường như còn nhẹ tênh, có lẽ đôi mắt đỏ rựng tràn trề nước mắt của Jang Dong Gun trong vai chàng nô lệ khi chứng kiến cảnh quê hương đất tuyết của mình bị giày xéo là chi tiết đắt nhất trong phim, còn cái tình yêu mà anh coi trọng hơn mạng sống lại bay bàng bạc đâu đó, bởi dường như nó không có sức sống của sự chân thật, bởi nó quá câu nệ vào kỹ xảo và nghệ thuật trình diễn nên nó chỉ còn dính trên môi với những lời thoại có cánh: “Định mệnh có thể thay đổi. Thời gian có thể quay ngược lại. Tuyết có thể rơi vào mùa xuân. Và trái tim băng giá có thể quay trở lại với cuộc sống”.
Nàng vương phi Khuynh Thành của Trương Bách Chi lại không đạt được nét đẹp khuynh thành như người xem mong mỏi. Vấn đề Niềm tin được đặt ra trên miệng của Vô Hoan không thuyết phục, bởi chính bản thân anh ta đã là một kẻ có tâm ác ngay từ bé. Cái tâm ác chỉ tin vào chính mình mà không bao giờ có niềm tin vào con người, vì vậy sự tha hóa của Vô Hoan không thể đặt trách nhiệm vào người khác…
Đây là loại phim giải trí, đó là điều rõ ràng, nhưng là một phim giải trí được đầu tư với rất nhiều tâm huyết, với những ý đồ nghệ thuật, với khát vọng gắn kết thị trường vào những vấn đề thuộc triết lý nhân sinh. Phim quay đẹp, trữ tình và hoành tráng, nhưng nếu được so sánh thì chắc sẽ có nhiều người trong đó có tôi sẽ chọn Thập diện mai phục của Trương Nghệ Mưu hơn… Và nếu muốn so sánh nữa thì hãy nhìn lại mình.
Giá như các nhà đầu tư điện ảnh Việt Nam nâng cấp phim thị trường lên, bởi phim giải trí không cứ phải là phim hài cù lét… Tại sao chúng ta không tự nâng mình lên mà cứ phải lận đận mãi trong vòng vây của các vũ trường, và những cách chọc cười cạn cợt…
* Khởi chiếu từ 11-2-2006 tại các rạp: Galaxy Cinema, Diamond, Cinebox 212, Cinebox Hòa Bình.
NGÔ NGỌC NGŨ LONG