
>> Formosa nhận trách nhiệm gây cá chết ở miền Trung
>> Chủ tịch Formosa gửi thư cho toàn thể cán bộ nhân viên công ty
Sau khi Chính phủ họp báo công bố nguyên nhân vụ cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung, ban lãnh đạo Công ty Formosa Hà Tĩnh thừa nhận gây ra sự cố môi trường và cam kết bồi thường 500 triệu USD khắc phục hậu quả, đông đảo người dân đã bày tỏ sự đồng tình, hoan nghênh sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan chức năng, nhà khoa học…
Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ xử lý vụ việc nghiêm khắc, đúng pháp luật; đồng thời yêu cầu Formosa Hà Tĩnh phải bồi thường ngư dân bị thiệt hại một cách thỏa đáng, khắc phục môi trường biển để ngư dân ổn định cuộc sống, đảm bảo môi trường sinh thái các tỉnh ven biển. Báo SGGP xin giới thiệu một số ý kiến tiêu biểu về vụ việc này.

Ngư dân tỉnh Hà Tĩnh vui mừng khi biết tin Formosa Hà Tĩnh nhận lỗi, bồi thường trách nhiệm
Giáo sư Đặng Quang Thứ Tòa thánh Trung Hưng Bửu Tòa (Đà Nẵng): Không nên gây bạo loạn, hận thù
Tôi chờ đợi Chính phủ công bố kết luận vụ cá chết ở miền Trung trong nhiều ngày qua. Với kết quả công bố của Chính phủ vào chiều 30-6, chúng tôi rất hoan nghênh và đánh giá cao việc làm này. Đặc biệt, ngay khi có thông tin, Chính phủ đã có những động thái rất tích cực, như: thành lập tổ điều tra, mời các chuyên gia giỏi về môi trường ở trong nước cũng như nước ngoài vào xác minh với tinh thần công tâm, chính xác. Với kết quả công bố, bà con ngư dân miền Trung cũng như cả nước rất hoan nghênh việc làm của Chính phủ. Bà con Công giáo chúng tôi tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ hỗ trợ ngư dân bị thiệt hại qua vụ cá chết vừa qua. Đồng thời nêu cao tinh thần bảo vệ môi trường biển.
Việc xác định nguyên nhân cũng như đối tượng gây ra vụ cá chết hàng loạt để quy trách nhiệm bồi thường là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, với bà con giáo dân nói riêng và người dân Việt Nam nói chung cần bình tĩnh, không nên gây bạo loạn, hận thù, nếu như thế sẽ gây ra nhiều hậu quả tiếp theo.
Ông Mai Văn Ngọc Phó Chủ tịch Hội Nông dân Quảng Bình: Formosa phải có trách nhiệm lâu dài
Sau khi xảy ra sự cố môi trường biển dẫn đến cá chết hàng loạt, Đảng và Nhà nước đã có những hỗ trợ rất kịp thời cho ngư dân khắc phục khó khăn trước mắt... Tuy nhiên, về lâu dài, Chính phủ cần có chính sách cụ thể, dài hơi để giúp ngư dân, đặc biệt là ngư dân vùng biển bãi ngang (ngư dân đa số đánh bắt gần bờ) chuyển nghề, ổn định cuộc sống lâu dài.
Thay mặt bà con nông dân Quảng Bình, đặc biệt là ngư dân bị ảnh hưởng nặng nề do đợt cá chết hàng loạt vừa qua, chúng tôi cảm ơn Đảng, Nhà nước, các bộ ngành Trung ương và các nhà khoa học đã quyết liệt trong việc tìm ra nguyên nhân cá chết. Việc Formosa Hà Tĩnh xả thải chất độc trực tiếp ra biển là vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam và quốc tế về môi trường. Chúng tôi cũng đề nghị Chính phủ cần yêu cầu Formosa Hà Tĩnh phải có trách nhiệm trước mắt cũng như lâu dài đối với cuộc sống của bà con ngư dân; buộc họ phải có những đền bù thích đáng, đồng thời trả lại môi trường, ngư trường biển trong sạch cho ngư dân đánh bắt, mưu sinh cuộc sống…
Sắp tới sẽ còn nhiều khó khăn, kính đề nghị Chính phủ cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ cho ngư dân phát triển nghề biển, tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo. Cụ thể, đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách xã hội cơ cấu lại nợ gốc, khoanh nợ và miễn giảm lãi vay đầu tư đánh bắt, chế biến, dịch vụ nuôi trồng thủy hải sản đối với tổ chức, các hộ ngư dân vùng ven biển bị ảnh hưởng do cá chết hàng loạt sớm được tiếp cận vốn để ngư dân yên tâm sản xuất, tiếp tục đánh bắt thủy hải sản, ổn định đời sống.
Ông Lê Tiến Hải Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh: Cần có chính sách hỗ trợ ngư dân kịp thời
Sau khi sự cố môi trường ở vùng biển Vũng Áng xảy ra, Chính phủ và các cấp bộ, ngành trung ương và địa phương đã thực sự vào cuộc điều tra quyết liệt, trách nhiệm và đến nay đã chính thức tìm ra được nguyên nhân là do Công ty Formosa Hà Tĩnh xả thải, điều này đã tạo được niềm tin tưởng cho nhân dân. Song song với điều tra nguyên nhân, trong thời gian vừa qua, Nhà nước cũng đã kịp thời triển khai quyết liệt các chính sách hỗ trợ gạo, tiền ban đầu cho bà con ngư dân và người dân làm hậu cần nghề cá trên bờ… Sắp tới, chúng tôi cũng mong muốn Chính phủ, các cấp bộ ngành tiếp tục nghiên cứu có các chính sách hỗ trợ ngư dân trực tiếp bám biển nói chung và người dân làm các ngành nghề dịch vụ liên quan đến nghề biển nói riêng, đặc biệt là phải đảm bảo khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường biển. Tiếp tục động viên, có các chính sách hỗ trợ lãi suất cho ngư dân…
Thạc sĩ sinh học Lê Văn Tuấn (TP Huế): Cấp giấy chứng nhận hải sản an toàn phải làm thường xuyên
Tình trạng cá chết dọc ven biển các tỉnh miền Trung đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động đánh bắt, thu mua hải sản của người dân. Giá các loại hải sản giảm bình quân 30% - 40% so với trước. Song việc Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản các tỉnh trên nhanh chóng vào cuộc kiểm định và cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm; giấy xác nhận nguồn gốc thủy sản bằng việc theo dõi hải trình của ngư dân bằng hệ thống định vị đấu nối với trạm ở bờ… đã dần “hóa giải” tâm lý người tiêu dùng còn e dè khi sử dụng hải sản trong bữa ăn hàng ngày. Đồng thời góp phần giải quyết được những bức bối trong chuyện tiêu thụ hải sản, giúp bà con ngư dân yên tâm, tiếp tục vươn khơi bám biển.
Theo dõi buổi họp báo công bố nguyên nhân sự cố cá chết ở miền Trung vào chiều 30-6, tôi thực sự hoan nghênh sự vào cuộc đúng trách nhiệm của các bộ ngành Trung ương, đã và đang làm cho nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo tốt của Đảng và Chính phủ. Đồng thời, hoan nghênh bộ máy lãnh đạo của Công ty Formosa đã nhận trách nhiệm và có biện pháp khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, tiền dù có bao nhiêu cũng không bù đắp được môi trường, môi sinh bị hủy hoại. Những độc chất do chất thải gây ra không biết đến bao giờ mới hết gây tác hại. Chỉ riêng thiệt hại về đời sống của người dân và doanh nghiệp hải sản, du lịch mấy tháng qua đã vô cùng to lớn, chưa nói đến tác hại đến giống nòi những người đã ăn phải hải sản có độc.
Để có được sự phát triển bền vững thì phải hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo đảm môi trường. Muốn vậy, pháp luật về môi trường phải nghiêm khắc, những người thực thi công vụ phải nghiêm minh; trình độ quản lý nhà nước về môi trường đủ mạnh để phát hiện và trừng phạt nghiêm khắc những công ty gây ra ô nhiễm.
NHÓM PV