Học Bác cách gần dân

Trong rất nhiều câu chuyện về Bác Hồ, bà Hoàng Thị Khánh (nữ cựu tù chính trị) ấn tượng nhất là chuyện Bác giả làm cụ già ốm yếu đi mua thịt heo bằng tem phiếu.
Ngoài những câu chuyện về Bác Hồ từ sách vở, bà Hoàng Thị Khánh đọc Báo SGGP để được biết thêm những điển hình học tập Bác
Ngoài những câu chuyện về Bác Hồ từ sách vở, bà Hoàng Thị Khánh đọc Báo SGGP để được biết thêm những điển hình học tập Bác

“Bác muốn xem thực hư thái độ của cán bộ mậu dịch viên khi bán hàng cho người dân ra sao. Đồng thời làm rõ việc người dân phản ánh chỉ mua được thịt heo thừa toàn mỡ, cá thì đã ươn. Bác Hồ là vậy, luôn sâu sát, gần dân để hiểu nỗi khổ của dân mà giải quyết cho thấu tình đạt lý”, bà Khánh chia sẻ và cho rằng, lớp cán bộ ngày nay cũng cần lấy bài học này của Bác mà làm theo để dân thêm tin yêu, quý trọng. 

Đặt mình là dân mới hiểu nỗi khổ của dân

Đã ngoài 70 tuổi nhưng bà Khánh vẫn nhớ như in câu chuyện về Bác Hồ mà bà được nghe các chú kể lại. Đó là lần Bác đi công tác về tỉnh, như bất kỳ đợt đi nào, Bác đến thăm hỏi người dân. Trong những câu chuyện của dân, Bác lưu tâm việc dân phàn nàn chỉ mua được thịt heo thừa toàn mỡ. Thời đó, người dân phải mua thực phẩm bằng tem phiếu. Bác nghĩ một con heo thì phải có thịt ngon, thịt dở. Vậy sao dân lại nói chưa bao giờ mua được thịt heo ngon.

Nụ cười niềm nở của đồng chí Mỹ Linh (phải) khi tiếp xúc với người dân
 Để kiểm chứng, hôm sau, Bác Hồ giả làm cụ già với tem phiếu mua hàng trên tay đi đến xếp hàng để mua thực phẩm từ rất sớm. Dù tại cửa hàng có đề dòng chữ “ưu tiên người già, phụ nữ mang thai” nhưng Bác vẫn phải chờ đợi rất lâu mới đến lượt mình. Trong lúc chờ, Bác nghe người dân than thở dù mua sớm cũng chỉ toàn thịt mỡ. Khi đến lượt Bác, cô nhân viên cửa hàng bảo chỉ còn ít thịt mỡ thừa, Bác không mua thì để người khác. Nhìn vào cửa hàng, Bác thấy vẫn còn mớ thịt tươi ngon và ngỏ ý mua vì Bác đang ốm, cần bồi dưỡng. Cô mậu dịch viên lạnh lùng bảo thịt đó có người mua rồi, Bác muốn mua thì mai đến xếp hàng sớm hơn. 

Hôm sau, gặp lãnh đạo địa phương, Bác ôn tồn hỏi: “Các chú có biết sự việc trên không?”. Thấy mọi người im lặng, Bác nói tiếp: “Lớp thanh niên đã lên đường bảo vệ Tổ quốc, ở nhà chỉ còn lại người già và trẻ con. Nếu biết cha mẹ mình thiếu thốn, cơ cực thế này thì họ làm sao vững tay súng mà chiến đấu? Tôi hỏi các chú, thịt ngon trong một con heo đã đi đâu hết, sao dân lại không được mua”. “Đấy, Bác đã giải quyết vấn đề cho dân bằng cách tận mắt thấy, tận tai nghe. Bác đặt mình làm dân để hiểu nỗi khổ và xử lý việc cho dân một cách tận tường như thế”, bà Khánh phân tích. Trăn trở về sự nhũng nhiễu, hành dân của một số cán bộ ngày nay, bà Hoàng Thị Khánh bảo: “Nếu cán bộ nào cũng học Bác cách làm ấy để giải quyết việc cho dân thì thật tốt!”. 

Học cách gần dân

Câu chuyện của bà Khánh làm chúng tôi nhớ đến cách làm việc vì dân của cán bộ công chức UBND phường 15, quận Bình Thạnh (TPHCM). Hơn 2 năm nay, cán bộ tại phường luôn làm thêm ngoài giờ hành chính để sao y, chứng thực cho người dân. Không chỉ vậy, lời khen của dân dành cho cán bộ công chức phường về sự gần gũi, tận tình luôn được nhắc đến, đặc biệt là dành cho vị Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND phường 15 Nguyễn Thị Mỹ Linh. Nhiều lần gặp bí thư phường xuống địa bàn giải quyết việc của dân thấu tình, đạt lý, ông Lê Văn Minh (ngụ khu phố 2), cho biết: “Nhờ đó mà những bức xúc của dân được giải quyết rốt ráo. Cán bộ cấp dưới cũng không dám bắt chẹt hay dây dưa, làm lấy lệ việc của dân”.

Những lần lên phường gặp bí thư để nói lên bức xúc, bà Trần Thị Lệ Hà (ngụ khu phố 4) luôn được tiếp đón niềm nở. Nhìn thấy cách tiếp dân thân thiện, gần gũi, giải quyết việc dân thấu đáo của người đứng đầu cơ quan, những bức bối trong lòng bà Hà cũng như tan biến. “Thấy dân chưa đúng thì nhẹ nhàng phân giải, cấp dưới sai thì chấn chỉnh ngay. Cán bộ nào cũng tận tâm, tận lực lo việc dân như thế thì sao dân không tin tưởng, ủng hộ cho được”, ông Trịnh Văn Hồng, cựu chiến binh khu phố 3, bày tỏ. 

Nhờ sự gần dân, hết lòng lo việc dân mà hơn 3 năm nay phường 15 ít có đơn thư khiếu nại, tố cáo. Từ việc lớn giải quyết trật tự lòng lề đường theo chủ trương của thành phố, đến các việc tranh chấp trong dân, hay chỉ là hàng ngày trên đường đi làm thì nhìn xem tình hình bảo vệ môi trường, an ninh trật tự trên địa bàn, vị bí thư phường luôn lắng nghe rồi nhẹ nhàng phân giải. Hỏi về cách làm của địa phương, đồng chí Mỹ Linh cho biết, việc nghe phản ánh của dân thì cán bộ phải đi thực tế để tìm hiểu đúng, sai và trong phạm vi phải giải quyết ngay, đó là trách nhiệm và nghĩa vụ của người công bộc của dân.

Trong suy nghĩ của đồng chí Mỹ Linh, làm lãnh đạo mà để dân khổ thì mình cũng khổ. “Là vị lãnh đạo đứng đầu đất nước nhưng Bác đã bỏ dép, xắn quần để cùng làm ruộng với nông dân. Tôi và các anh em tại đơn vị cũng là noi gương Bác để thực hành phong cách quần chúng, gần dân, sát dân, lắng nghe dân, nghĩ đến lợi ích của dân như Bác mà thôi. Có đặt mình vào vị trí, hoàn cảnh, tâm trạng thực tế của người dân thì cán bộ mới tìm được tiếng nói chung với bà con mà giải quyết ổn thỏa những khúc mắc. Đó cũng là cách giúp dân thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền”, đồng chí Mỹ Linh bộc bạch.

Tin cùng chuyên mục