Học sinh tiểu học hào hứng tham gia ngày hội toán học

Sáng 26-1, hơn 270 học sinh khối 5, Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TPHCM) đã tham gia Ngày hội toán học với chủ đề "Hình tròn quanh em". Đây là một trong những hoạt động nhằm củng cố kiến thức cho học sinh theo hình thức trải nghiệm sáng tạo, tạo ra môi trường học tập vui tươi. 

Ngày hội được thiết kế thành nhiều trạm học tập. Học sinh lần lượt thực hiện nhiệm vụ ở từng trạm để được nhận quà và đóng dấu xác nhận hoàn thành nhiệm vụ học tập.

Duy Khang, học sinh lớp 5/1 cho biết, em đã tham gia hoạt động trải nghiệm ở nhiều môn học khác nhưng với môn Toán thì đây là lần đầu tiên.

"Kiến thức môn Toán vốn khô khan với nhiều công thức, phép tính nhưng khi kết hợp với các trò chơi em thấy mọi thứ dễ hiểu, dễ nhớ, giờ học cũng vui hơn rất nhiều", Duy Khang bày tỏ.

c9c896107c1fd6418f0e-8374.jpg
Học sinh trả lời câu hỏi trắc nghiệm về kiến thức Toán học qua phần thi "Rung chuông vàng"

Tương tự, với Gia Hân, học sinh lớp 5/6, toán học đối với em trước đây là môn học trên sách vở. Nhờ thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như đo bán kính viên gạch, thành bồn cây ở sân trường đã giúp em hiểu hơn sự gắn kết giữa toán học và cuộc sống.

Đặc biệt, ngày hội còn có sự tham dự của phụ huynh học sinh. Chị Lê Vũ Minh Ngọc, phụ huynh học sinh lớp 5/7 bày tỏ, học tập theo hình thức trải nghiệm ở sân trường giúp các con rèn luyện kỹ năng ứng xử, không gian học tập được mở rộng không chỉ trong phạm vi một lớp học mà toàn khối nên tạo không khí hứng thú hơn.

db89f91a1515bf4be604-2332.jpg
Các em tham gia hoạt động tính chu vi thành bồn cây ở sân trường

Thầy Trần Trọng Thịnh, khối phó khối 5, Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm chia sẻ, ngày hội nhằm củng cố kiến thức cho học sinh, qua đó tạo cơ hội cho học sinh trải nghiệm vận dụng kiến thức vào thực tế.

"Chủ đề hình học về hình tròn có rất nhiều ứng dụng trong thực tế. Do đó, nhà trường đã tổ chức các hoạt động học tập gần gũi giúp học sinh liên hệ kiến thức đã học trong chương trình với đời sống thực tiễn như đo chu vi bàn cờ ô ăn quan, chu vi ô gạch ở sân trường, thành bồn cây...", thầy Thịnh cho biết.

Giáo viên này cho biết, câu hỏi vận dụng trong sách giáo khoa yêu cầu học sinh tính chu vi thành giếng. Từ yêu cầu đó, tổ bộ môn đã thay đổi "chủ thể" thành bồn cây để gần gũi hơn với học sinh.

df0b087ce4734e2d1762-1611.jpg
Phụ huynh cùng con tham gia hoạt động tính chu vi bàn cờ ô ăn quan

Tương tự, với yêu cầu tính chu vi hình hỗn hợp (kết hợp từ nửa hình tròn và một hình vuông hoặc chữ nhật), các giáo viên đã sáng tạo thành yêu cầu tính chu vi bàn cờ ô ăn quan nhằm giúp học sinh dễ hiểu và liên hệ thực tế.

Cô Đỗ Ngọc Chi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết, thông qua các hoạt động trải nghiệm, học sinh được rèn kỹ năng quan sát, tìm ra các phương pháp học tập mới, góp phần phát triển năng lực sáng tạo cho học sinh.

760df4be18b1b2efeba0-7394.jpg
Góc trải nghiệm với các hoạt động trang trí nón lá, mẹt tre chủ đề xuân

Ngoài ra, ngày hội còn tổ chức góc trải nghiệm cho học sinh thiết kế, trang trí sản phẩm liên quan đến hình tròn nhằm tạo không khí vui tươi cho học sinh trong dịp tết đến xuân về.

Tin cùng chuyên mục