Học văn, học sử hiện nay

Học văn, học sử hiện nay

Thời học sinh cấp ba tôi học lớp chuyên sử của một trường chuyên ở tỉnh. Vì số thí sinh trúng tuyển chưa đến 10 người nên lớp sử phải ghép với lớp văn và học theo chương trình chuyên văn. Thế nhưng sĩ số lớp văn-sử cũng không vượt qua ngưỡng 30. Hầu như năm nào cũng thế, số người đăng ký thi vào các lớp toán, lý, hóa… thì đông nghịt mà số hồ sơ chuyên văn lại lèo tèo như lá mùa thu. Có người còn nói “Thà học lớp thường chứ ai đời lại học chuyên sử”.

Học văn, học sử hiện nay ảnh 1

Hơn nữa, học khối A thì việc chọn trường, chọn ngành rộng hơn. Đến kỳ thi học sinh giỏi, nhà trường, giáo viên bộ môn tích cực “chiêu mộ nhân tài” nhưng số người “chấp nhận” thi sử chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có bạn học tự nhiên định tham gia các lớp bồi dưỡng văn, sử, địa cũng được đem ra bàn luận, xoi mói.

Học sinh chuyên văn-sử cũng ít ai mặn mà với toán, lý, hóa… trừ những người muốn có một bước “đột phá” trong cuộc đời mình còn không thì cứ ì à ì ạch cho qua tốt nghiệp là mừng rồi. Nhưng bằng tất cả nỗ lực của cá nhân và tập thể, chúng tôi đã cố gắng hết mình theo đuổi mục tiêu đã chọn. Kết quả vượt trên cả sự mong đợi của lớp.

Năm cuối cấp lớp tôi đã đem về cho trường ba giải quốc gia môn lịch sử với một giải nhì (giải cao nhất ở môn sử của tỉnh trong kỳ thi năm đó) và hai giải ba trong tổng số bốn giải của nhà trường. Tôi nhận thấy vẻ mặt rạng ngời, sung sướng của cô chủ nhiệm cũng là một trong số những giáo viên dạy bồi dưỡng cho chúng tôi. Tôi rất vui vì những cố gắng của mình đã được đền đáp. Chỉ còn kỳ thi tốt nghiệp nữa thôi là chúng tôi có thể đặt chân vào đại học.

Tôi hăm hở làm hồ sơ vào chuyên ngành lịch sử của Trường Đại học Sư phạm để tiếp nối sự nghiệp “trồng người” và cũng không quên rủ nhỏ bạn thân đi theo. Nhỏ đã đồng ý. Nhưng rồi mọi chuyện đã không như ý chúng tôi. Vì áp lực gia đình “Mày học cái đó ra trường lấy gì ăn!”, tôi đã không giữ vững lập trường của mình và đã “lái” sang một hướng khác. Nhỏ bạn tôi không biết vì lý do gì cũng đã từ bỏ ước mơ của mình.

Ông bà ta dạy phải “Ôn cố tri tân”, không thể chỉ biết có hiện tại mà lờ mờ về quá khứ. Cho nên theo tôi, học văn-sử để có nền tảng văn hóa, chính trị cần thiết trước tiên là để “làm người”. Nhưng thực tế cho thấy số tiết phân bổ cho các môn xã hội quá ít, thời lượng không cho phép giáo viên mở rộng, đào sâu vấn đề, học sinh phải tự tham khảo tài liệu ngoài giờ học.

Nhưng áp lực các môn tự nhiên quá nặng, ngoài giờ lên lớp, học sinh còn phải cắp sách đi học thêm, phụ đạo thì giờ đâu mà nghiên cứu; cố nhồi nhét mớ sự kiện, ngày tháng đã là “cực hình” rồi. Cho nên những giờ văn, sử nếu không được tăng cường để giáo viên thay đổi phương pháp giảng dạy cho lôi cuốn học sinh thì dần dần khoảng cách giữa môn học và người học càng nới rộng mà người dạy cũng mất dần niềm đam mê của mình.

TRẦN LÊ (Đại học KHXH-NV)

Tin cùng chuyên mục