Hơi ấm đêm rằm

Nỗi lo lắng vì dịch bệnh khiến không khí mùa trung thu năm nay trở nên trầm lắng. Trong gia đình tôi cũng vậy, bàn thờ ba không có hộp bánh nào để thắp nhang, các anh chị không về được do giãn cách, nhưng tôi tin ý nghĩa của Tết đoàn viên vẫn vẹn nguyên.
Lồng đèn trung thu truyền thống gắn liền tuổi ấu thơ. Ảnh: VIỆT DŨNG
Lồng đèn trung thu truyền thống gắn liền tuổi ấu thơ. Ảnh: VIỆT DŨNG

1. “Mỗi đứa 10 khúc, hết thì không được lấy của đứa khác”, anh tôi sau khi cắt mấy cây đèn cầy làm đôi, chia phần 3 đứa em xong đã căn dặn như vậy. Chúng tôi cầm những khúc đèn cầy xanh xanh đỏ đỏ cỡ ngón tay út như cầm báu vật, cất kỹ chỗ chồng sách vở để đến đêm 14, 15 âm lịch rước đèn. Trước đó mấy hôm, ba tôi đã ra vườn chặt trúc, tỉ mẩn chẻ, vót, uốn thành hình mà anh em tôi thích: bươm bướm, chú thỏ, ngôi sao. Ba cột mối nối lồng đèn bằng kẽm, rồi lấy hồ dán dán thật căng lớp giấy bóng kiếng tim tím bên ngoài. Phía trong, ba đặt thanh trúc nhỏ và cái lò xo để gắn đèn cầy. Chiếc lồng đèn bươm bướm của tôi luôn được ba chăm chút nhiều hơn, gắn tua rua bằng giấy màu, viền dây kim tuyến. Trước sân nhà thoảng hương hoa nhài, anh em tôi ngồi ngắm nghía món đồ chơi của mình, sau đó đem vô đặt cẩn thận trên đầu tủ ly. Trên trời, trăng cũng đã hai phần ba hình tròn…

Đó là những ngày anh em tôi còn nhỏ và ba chưa rời bỏ chúng tôi để về với mây trắng. Rồi đúng đêm rằm trời mưa nhè nhẹ, mẹ lấy cái bánh trung thu thập cẩm màu cánh gián bóng nhẵn, cỡ vuông vuông trong lòng bàn tay, cắt làm tư cho chúng tôi. Tôi nhớ lúc đó mấy anh em vừa ăn vừa canh trời hết mưa, vị bánh ngọt đậm thấm vào lưỡi tạo thành thứ hương vị dịu dàng của ký ức. Còn lại 3 cái bánh dẻo màu trắng, ba mẹ ăn mỗi người nửa cái, nói ngọt ngán quá. Dĩ nhiên 2 chiếc còn lại vô bụng anh em tôi. Càng ngọt tụi tôi càng khoái. Con nít mà. Xóm tôi nhà nào cũng mua loại bánh dẻo không nhân này để ăn độn vì nó rẻ hơn bánh trung thu nhiều.

Trời còn lất phất mưa. “Đi lẹ lẹ”, anh tôi vừa nói vừa hí hửng dẫn đầu, cầm lồng đèn ra khỏi ngõ tối. Mấy đứa nhỏ hàng xóm cũng nhập bọn thành một tụm đi ra con lộ lớn. Ở quê ban đêm xe cộ thưa thớt, tụi con nít tha hồ rước đèn, cao hứng chạy đuổi nhau í ới. Có đứa chạy nhanh quá vấp cục đá hoặc quên cắt đôi đèn cầy cho ngắn nên làm đèn lồng cháy lủng một lỗ lớn, đứng khóc rấm rứt. Rồi mấy đứa nó cũng quên ngay nỗi buồn “đèn đui”. Trên đường đi, đám nhóc còn gặp những gia đình tốt bụng, là chủ tiệm tạp hóa, chủ lò bánh mì cho nào là cốm ống dài dài, bánh men giòn tan... Dưới ánh sáng trăng và ánh đèn cầy lung linh qua lớp giấy bóng, vùng quê như sáng lên thứ ánh sáng ấm áp, huyền diệu mà khi nhớ về, bao giờ tôi cũng ngờ ngợ như đó là một miền cổ tích.

2. Sau này khi đã chuyển về thành phố, mùa trung thu của gia đình tôi và có lẽ của nhiều người có nhiều khác biệt. Anh chị có gia đình riêng, mỗi dịp trung thu thường tranh thủ ghé qua nhà. Ai cũng biếu mẹ hộp bánh đẹp mắt, không còn bóng dáng những cái bánh be bé vừa ăn vừa thòm thèm như xưa. Chị tôi còn tìm mua mấy loại bánh vị lạ lạ, nhân trà xanh, đậu đỏ… cho đỡ ngán. Mấy đứa cháu chơi lồng đèn điện tử, vừa tiện lợi vừa an toàn bởi ở trong nhà kín bưng đốt đèn cầy cũng sợ. 

Đêm rằm, chúng tôi cắt bánh như một nghi thức quen thuộc, rồi mọi người nhấm nháp một miếng cho có lệ vì lớn rồi không còn ham những thức ngọt. Mà không ăn thì lại thấy thiếu thiếu, có lẽ do vị bánh gợi lên nhiều kỷ niệm. Cao hứng, trong không khí êm đềm và tiếng cười của mấy đứa cháu, người lớn chúng tôi lại nhắc về những mùa đoàn viên cũ. Mọi thứ có thay đổi, đời sống dù hiện đại hơn nhưng trung thu vẫn là dịp để ta trông ngóng, cùng cảm nhận không khí quây quần đầm ấm. 

Trung thu hiện đại vốn đã khác, nhưng trung thu mùa Covid-19 còn khác nhiều nữa. Tivi rất ít quảng cáo bánh trung thu, những lớp học làm bánh cũng không thể mở để những học viên trẻ tự tay chuẩn bị quà cho gia đình, người thương. Phố lồng đèn không mở cửa, những tiệm bánh, tiệm cà phê yên ắng phòng dịch. Chị dâu tôi gọi điện cho mẹ, kể rằng trung thu này soạn lại chiếc lồng đèn điện tử từ năm ngoái cho bé Nhím, vì đâu có mua được cái mới. Rồi hẹn tối trung thu sẽ nhắc Nhím gọi Zalo cho bà nội, hai bà cháu nói chuyện qua lại cho đỡ buồn. Thôi thì coi như một mùa sum vầy online. Nhiều thứ đã được chuyển qua online rồi mà.

Nếu như mọi năm thông tin về phong tục đón trung thu, về phố lồng đèn, về niềm vui đoàn viên tràn ngập Facebook thì năm nay tin tức về dịch bệnh vẫn chiếm lượng lớn. Mọi người ít nhắc về trung thu, trừ những dòng trạng thái tếu táo về mùa trung thu Covid-19. Có người đăng ảnh chiếc lồng đèn cũ của con, ảnh trung thu năm ngoái… Bạn tôi chia sẻ rằng năm nay không đưa con về quê thăm ba mẹ được, hai đứa nhỏ thiếu đèn lồng, không có bánh ăn. Với người lớn thế nào cũng được, chỉ tội tụi nhỏ chưa hiểu chuyện. Nhưng, trải qua những tháng dài giãn cách chỉ ra khỏi nhà để đi tiêm ngừa, đi xét nghiệm, bạn tôi cho biết miễn sao gia đình nhỏ có tiếng cười, ai cũng khỏe mạnh là vui rồi. Nghe bạn tôi tỉ tê qua màn hình chat, tôi ngạc nhiên vì suy nghĩ của bạn mình đã khác đi nhiều. 

Ừ thì đây là mùa trung thu lạ lùng trong đời. Không đèn không bánh, không đủ mặt các thành viên, nhưng sẽ là một ngày đáng nhớ trong một năm có nhiều thứ nên quên.

Tin cùng chuyên mục