>> Chung tay ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu
(SGGPO).- Theo USA Today, trong ngày khai mạc đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 21 Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21), lãnh đạo 20 nước trong đó có Tổng thống Mỹ, Tổng thống Pháp, và ông chủ Tập đoàn Microsoft Bill Gates cùng khởi xướng và tham gia dự án có tên gọi “Sứ mệnh Công nghệ mới” nhằm phát triển công nghệ sạch và giúp các nước nghèo phát triển xanh.
Theo đó, các nước tham gia cam kết trong vòng 5 năm tới đây sẽ tăng gấp đôi đầu tư của mình cho công nghệ sạch để giải quyết vấn đề khí hậu ở quy mô toàn cầu. Tỷ phú Bill Gates cũng lập một dự án huy động tiền từ 28 nhà đầu tư tư nhân lớn, trong đó có sự tham gia của ông chủ Facebook Mark Zuckerberg nhà tài phiệt George Soros - Chủ tịch của quỹ Soros Fund Management, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển những công nghệ thân thiện với môi trường.
Ngân hàng Thế giới (WB) cũng tuyên bố lập quỹ 500 triệu USD hỗ trợ các nước đang phát triển cắt giảm khí thải nhà kính. Quỹ này có tên “Cơ sở Chuyển hóa khí carbon” sẽ hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, giao thông, sử dụng năng lượng hiệu quả và các thành phố có lượng khí carbon thấp. Đức, Na Uy, Thụy Điển và Thụy Sĩ sẽ là những nhà tài trợ chính cho quỹ.
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon phát biểu trong phiên khai mạc Hội nghị COP 21.
Cũng trong khuôn khổ các hoạt động của COP 21, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc (TTK LHQ) Ban Ki-moon cùng 13 cơ quan LHQ phát động sáng kiến mới nhằm tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của các nước dễ bị ảnh hưởng nhất trên thế giới. Sáng kiến mới mang tên “Dự báo, Thích ứng và Tái định hình”, nhằm tăng cường năng lực của các nước trong việc dự báo các nguy cơ, thích ứng với tình huống bất ngờ, và phục hồi sự phát triển nhằm giảm bớt các nguy cơ về biến đổi khí hậu. Trong vòng 5 năm tới, sáng kiến sẽ giúp huy động tài chính và kiến thức, thiết lập và tổ chức các nhóm cộng tác ở các cấp, phối hợp hoạt động nhằm đạt kết quả rõ ràng, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển công nghệ mới. Sáng kiến sẽ giúp giải quyết nhu cầu của gần 634 triệu người, tương đương 1/10 dân số thế giới, đang sống tại những khu vực duyên hải chỉ cách mực nước biển vài mét, cùng những cư dân tại các khu vực có nguy cơ hạn hán và ngập lụt.
TTK LHQ Ban Ki-moon cũng tham gia phát động Liên minh Năng lượng Mặt trời quốc tế, do các chính phủ Ấn Độ và Pháp thiết lập. Liên minh này giúp các quốc gia phát triển vốn giàu năng lượng mặt trời có thể khai thác tối đa nguồn tài nguyên dồi dào và không tốn kém này.
Các phái đoàn của 196 nước tham gia COP 21 có mục tiêu chính là thông qua một khuôn khổ pháp lý toàn cầu mới về biến đổi khí hậu cho giai đoạn sau năm 2020 (gọi là Thỏa thuận Paris 2015). Theo đó, các nước cam kết cắt giảm lượng khí thải nhằm hạn chế tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức dưới 2°C vào cuối thế kỷ 21 so với thời kỳ tiền công nghiệp 1850 - 1990. Các nghiên cứu khoa học cho thấy, nếu không nỗ lực cắt giảm phát thải, nhiệt độ Trái đất có thể tăng đến 4,8°C vào cuối thế kỷ 21. Đây sẽ là thảm họa đối với nhân loại khi băng ở hai cực của Trái đất tan chảy khiến mực nước biển có thể dâng cao đến 2m, nhấn chìm nhiều quốc gia và đồng bằng trên Trái đất.
HOÀNG THANH