

Tối 5-12, các bộ trưởng môi trường từ khắp nơi trên thế giới đã nối lại phiên họp trong khuôn khổ Hội nghị khí hậu toàn cầu do Liên hợp quốc bảo trợ tiến hành tại Montreal (Ca-na-đa), trong một nỗ lực nhằm đạt được thỏa thuận về các tiêu chuẩn cụ thể cho giai đoạn "hậu Kyoto", một trong những chủ đề chính của chương trình nghị sự.
Theo các nguồn tin ngoại giao thành công của hội nghị sẽ phụ thuộc nhiều vào Mỹ, nước vẫn chưa phê chuẩn Nghị định thư Kyoto về giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Trước thềm cuộc họp, Liên minh châu Âu (EU) đã tìm cách thu hẹp những bất đồng với Mỹ về giai đoạn "hậu Kyoto" sau năm 2012 bằng tuyên bố sẽ rút lại yêu cầu đòi Mỹ phải đưa ra số liệu cụ thể về giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Trong khi đó, các quan chức của các bang miền Nam nước Mỹ đang tham dự hội nghị cũng kêu gọi Nhà Trắng có lập trường tích cực hơn trong cuộc đấu tranh nhằm làm chậm quá trình Trái Đất nóng lên.
Tại một cuộc họp báo bên lề hội nghị, các quan chức Mỹ đã thừa nhận rằng chính các bang miền Nam nước Mỹ "rất dễ bị tổn thương" do sự biến đổi khí hậu đã và đang gây nên những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như hai trận bão nhiệt đới Katrina và Rita có sức tàn phá khủng khiếp xảy ra vừa qua.
Cho đến nay, Mỹ vẫn là nước có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất thế giới (25%) song lại từ chối phê chuẩn Nghị định thư Kyoto. Đồng thời, Washington còn phản đối mọi thỏa thuận mang tính ràng buộc về việc này, viện cớ nó sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ. Trước Hội nghị Montreal, phái đoàn Mỹ đã tuyên bố rằng hiện vẫn còn quá sớm để đưa ra bất kỳ cam kết nào cho các bước tiếp theo của giai đoạn "hậu Kyoto".
V.Q (Theo TTXVN)