Hội nghị Tổ chức hợp tác Thượng Hải 2010 - Phát triển hành lang vận tải Á - Âu

Hội nghị Tổ chức hợp tác Thượng Hải 2010 - Phát triển hành lang vận tải Á - Âu

Ngày 11-6, lãnh đạo các quốc gia thành viên thuộc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) đã có mặt tại thủ đô Taskent, Uzbekistan, tham dự hội nghị thường niên lần thứ 10. Điểm nhấn đáng chú ý tại SCO 2010 là việc các nhà lãnh đạo của SCO thông qua nguyên tắc mới về việc mở rộng kết nạp thành viên vào tổ chức này.

Theo đó, các quốc gia đóng vai trò quan sát viên như Ấn Độ và Pakistan trong tương lai sẽ cùng chung một mái nhà SCO. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng việc mở rộng SCO sẽ không phải là chuyện “một sớm, một chiều” bởi văn bản về nguyên tắc kết nạp mới chỉ là bước khởi động cho kế hoạch này và Trung Quốc cũng chưa thật sự bật đèn xanh cho việc mở rộng SCO.

Các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị SCO 2010.

Các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị SCO 2010.

Một quan sát viên khác là Iran sẽ không tham gia hội nghị năm nay do Tehran vừa phải nhận nghị quyết trừng phạt của LHQ. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết  nguyên tắc kết nạp thành viên mới không cho phép các quốc gia bị đặt dưới lệnh trừng phạt của LHQ trở thành thành viên của tổ chức.

Hội nghị năm nay cũng tập trung thảo luận các vấn đề nóng khác như hợp tác an ninh và kinh tế ở Trung Á, trong đó chú trọng phát triển hành lang vận tải trong khu vực là một ví dụ. Tuyến quốc lộ nối liền Trung Quốc và Tây Âu sẽ chạy qua các lãnh thổ thuộc SCO.

Cả Liên hiệp quốc và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đều công nhận vai trò của SCO trong kế hoạch này. Từng quốc gia sẽ độc lập xây dựng phần cầu nằm trên lãnh thổ của mình, còn SCO sẽ giải quyết vấn đề truyền thông hợp tác, tiến độ xây dựng, các vấn đề biên giới và loại hình vận chuyển hàng hóa. Về an ninh, mối quan tâm chủ yếu của khối hiện nay vẫn là Afghanistan với nhiều vấn đề gai góc như buôn lậu ma túy, khủng bố và tội phạm có tổ chức.

SCO, chiếm gần 1/4 dân số thế giới, được thành lập năm 1996, lúc đầu gồm có 5 thành viên là Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Tajikistan và Kyrgyzstan. Sau đó Uzbekistan gia nhập khối năm 2001. Các quốc gia với tư cách quan sát viên là Mông Cổ, Ấn Độ, Pakistan và Iran.

V.C.

Tin cùng chuyên mục