Hồi sinh nghệ thuật Rô băm

Ở ấp Bưng Chông, xã Tài Văn, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng có một đoàn nghệ thuật Rô băm của đồng bào dân tộc Khmer đã lưu truyền đến nay ngót nghét 200 năm… Trong muôn vàn khó khăn, không có lợi cho loại hình cổ điển này phát triển nhưng thế hệ của bà Lâm Thị Hương hiện nay vẫn kế thừa xứng đáng những tinh hoa nghệ thuật truyền thống của tổ tiên…
Hồi sinh nghệ thuật Rô băm

Ở ấp Bưng Chông, xã Tài Văn, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng có một đoàn nghệ thuật Rô băm của đồng bào dân tộc Khmer đã lưu truyền đến nay ngót nghét 200 năm… Trong muôn vàn khó khăn, không có lợi cho loại hình cổ điển này phát triển nhưng thế hệ của bà Lâm Thị Hương hiện nay vẫn kế thừa xứng đáng những tinh hoa nghệ thuật truyền thống của tổ tiên…

Nghề đã thấm vào tim

“Đại bản doanh” của Đoàn nghệ thuật Rô băm Bưng Chông cũng là nhà của Trưởng đoàn Lâm Thị Hương rộng chừng 60m2, nằm sâu trong vùng nông thôn hẻo lánh, nơi có tới 99,99% đồng bào dân tộc Khmer cư ngụ. Trong nhà không có tài sản gì đáng giá ngoài những tấm bằng khen, giấy khen… treo đầy 4 vách tường. Đó là những giá trị tinh thần dành cho bà Lâm Thị Hương cùng chồng, con và Đoàn nghệ thuật Rô băm Bưng Chông. Khoảnh sân đất trước nhà - sân tập của đoàn, diễn viên Sơn Đel (chồng bà Hương) trồng nhiều loài hoa cúc, lan, hoàng hậu… đang khoe sắc. Bà Lâm Thị Hương cho biết, đoàn vừa lưu diễn ở Vĩnh Châu, Long Phú, Bạc Liêu… hơn 2 tháng mới về. Bà con Khmer ở những vùng đoàn đến biểu diễn vẫn còn thích loại hình nghệ thuật Rô băm lắm. Có không ít thanh niên mê mẩn các vũ điệu lẫn nhan sắc của diễn viên 16 tuổi Lý Thị Mỹ Hạnh nên đeo theo, xin được “kết tóc se duyên”.

Bà Lâm Thị Hương giải thích: Rô băm của đồng bào dân tộc Khmer giống như tuồng cổ, cải lương của dân tộc Kinh. Rô băm diễn những tuồng tích xưa về tiên, phật, vua, chúa, hoàng tử, công chúa; chằng, khỉ, chim đại bàng… Ở đó có hai thế lực thiện và ác chống đối nhau và cuối cùng thiện vẫn thắng ác. Rô băm thuyết phục người xem bằng những vũ điệu truyền thống của dân tộc Khmer được lưu truyền từ xưa.

Trưởng đoàn Lâm Thị Hương đã bước qua tuổi 56, là thế hệ thứ 5 của Đoàn nghệ thuật Rô băm Bưng Chông. Diễn viên Trần Dóc (ông ngoại của bà Hương) là người có công lớn trong việc phát triển đoàn nghệ thuật này và đại gia đình nhà ông, ai cũng đam mê ca múa, kể cả con dâu, con rể. Cái hay của loại hình nghệ thuật này là một diễn viên có thể đóng nhiều vai (cả phản diện và chính diện). Trước khi qua đời, cụ Trần Dóc trao quyền quản lý đoàn lại cho con rể là diễn viên gạo cội Lâm Ven (ba của bà Lâm Thị Hương). Bà Lâm Thị Hương vẫn còn nhớ như in những ngày mình còn nhỏ (mới 12- 13 tuổi), cũng vào dịp mùa khô như bây giờ, khi những cánh đồng lúa mùa một vụ chỉ còn trơ gốc rạ; ông bà ngoại, ba mẹ của bà đã bán hết lúa, mua sắm những đồ dùng cần thiết, phục vụ cho đoàn đi lưu diễn suốt mùa khô. Kỷ niệm lưu diễn thì nhiều, nhưng bà nhớ mãi cái đêm 8-7-2007, khi đoàn sang trình diễn các tiết mục múa dân tộc truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ tại lễ hội Smitsonian, tổ chức ở thủ đô Washington (Mỹ), được cả hội trường rần rần vỗ tay tán thưởng và cảm phục. Chuyến lưu diễn của Đoàn nghệ thuật Rô băm Bưng Chông cùng một số đoàn nghệ thuật dân tộc Việt Nam như Tây Nguyên, Việt Bắc, Tây Bắc… đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè các dân tộc trên thế giới.

Thông lệ hàng năm, Đoàn nghệ thuật Rô băm Bưng Chông khởi hành lưu diễn từ trước Tết Nguyên đán cho đến sau Tết Chôl chơ năm thmây của đồng bào dân tộc Khmer. Khi mùa diễn kết thúc cũng sắp mùa mưa, họ lại trở về với ruộng đồng của mình, chuẩn bị cho một vụ sản xuất mới. Thời gian không lưu diễn, vào những đêm trăng sáng vằng vặc, những nghệ sĩ “chân trần” ấy lại tụ ở khoảnh sân trước nhà bà Hương tập tuồng. Tiếng đàn, giọng hát sôi động cả một vùng. Chỉ tập thôi nhưng người đến xem cũng rất đông.

Diễn viên của Đoàn nghệ thuật Rô băm Bưng Chông được đào tạo tổng hợp: vừa vào vai chính diện vừa phản diện; lại chơi được các loại nhạc cụ đàn, trống, cồng, chiêng, kèn… và kiêm luôn nhân viên đạo cụ, kéo phông màn… Bà Lâm Thị Hương cho biết, thông thường đoàn có khoảng 22- 23 diễn viên, trong đó hơn phân nửa là người nhà. Tập tuồng cũng cơ cực lắm vì vở diễn Rô băm thường kéo dài 6 - 7 giờ. Các diễn viên, nhân viên lại không có lương. Địa phương nào mời đoàn đến diễn phải chuẩn bị chỗ ăn, ở và mọi sinh hoạt cho đoàn. Nhưng đoàn “sống” được chính là nhờ chất lãng tử đã thấm vào tim máu họ nên không ai bỏ nghề.  Có thời điểm khó khăn, để duy trì hoạt động, ông Lâm Ven đã phải bán đi 5 công ruộng (nguồn sống duy nhất của gia đình) để sắm phông màn, đạo cụ, trang phục... cho đoàn. Gần 200 năm lưu truyền, nhưng đến nay Đoàn nghệ thuật Rô băm Bưng Chông vẫn chưa có được sân khấu riêng.

Bà Lâm Thị Hương (phía sau) trong một điệu múa Rô băm của đồng bào Khmer Nam bộ

Tiếp nối truyền thống

Lâm Thị Hương lên sàn diễn chính thức từ năm 13 tuổi, tính đến nay đã được 43 năm. Từ nhỏ, bà đã có năng khiếu bẩm sinh nên được đóng nhiều vai chính trong các vở diễn. Năm 2010, bà Hương tiếp nhận chức trưởng đoàn từ người anh ruột Lâm Phương (bị bệnh mất). Bà không quên lời cha và anh căn dặn là phải giữ cho được đoàn nghệ thuật này và gánh nặng đã chồng lên vai diễn viên Lâm Thị Hương khi trang phục, nhạc cụ, công cụ biểu diễn của đoàn hầu như đã cũ kỹ, một số hư hỏng, lạc hậu nhưng không có kinh phí mua sắm. Ở ấp Bưng Chông trước đây có 3 đoàn biểu diễn nghệ thuật Rô băm nhưng 2 đoàn đã phải giải tán vì không có kinh phí hoạt động. Sau một thoáng trầm tư, bà Hương cho biết: “Chuyện để đoàn nghệ thuật tồn tại không dễ, nhưng không phải không làm được. Trước tiên, tôi soạn tuồng cho ngắn lại. Nếu trước đây, mỗi tuồng kéo dài 7-8 giờ thì nay chỉ còn 3-4 giờ diễn nhưng vẫn giữ được nội dung vở tuồng. Tôi cũng tranh thủ đến nhiều nơi tìm nguồn tài trợ và vừa được một dự án của Đan Mạch tài trợ cho đoàn 25 triệu đồng. Qua những lần lưu diễn, tôi cũng tích lũy được một khoản tiền nho nhỏ để mua sắm dần trang phục và nhạc cụ mới như: đàn organ, guitar điện, kèn srolai… Nhờ thế, tuồng diễn đã sinh động hơn trước rất nhiều”.

Để tồn tại, “nhiệm vụ” chính của Trưởng đoàn Lâm Thị Hương vẫn là đào tạo diễn viên kế thừa. Cái “nôi” vẫn là truyền thống gia đình và những người hàng xóm có “máu” văn nghệ. Bà Hương đào tạo những vai chính diện như: vua, hoàng hậu, hoàng tử, công chúa… Chồng bà, nghệ sĩ Sơn Đel, đào tạo vai phản diện như: chằng, khỉ, chim đại bàng… Diễn viên trẻ Lý Thị Mỹ Hạnh, con gái của bà Hương, gần như hưởng trọn những nét yêu kiều của người mẹ xinh xắn và tài hoa. Năm 10 tuổi, Mỹ Hạnh đã được lên sân khấu biểu diễn và bà Hương rất tự hào về hai cô con gái và một cậu con trai có cái “gien” của một gia đình văn nghệ truyền thống. Theo bà Hương, các con được đào tạo bài bản và trong tương lai không xa, Mỹ Hạnh sẽ đảm nhận vai trò người nối nghiệp trưởng đoàn kiêm diễn viên chính. Chị và anh của Mỹ Hạnh là Thạch Na Uy và Nacy Lươl cũng đã có hơn 10 năm là diễn viên chính của đoàn. Hiện Thạch Na Uy đang tham gia Đoàn nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng, còn Nacy Lươl là ca sĩ của một nhóm nhạc ở TPHCM. Hiện trong Đoàn nghệ thuật Rô băm Bưng Chông có vài diễn viên cùng thế hệ với Mỹ Hạnh như Thanh Vy, Sơn Nhã… cũng có nhiều triển vọng phát triển vì đam mê hát tuồng cổ Rô băm. Riêng Mỹ Hạnh thổ lộ sẽ mãi mãi đi theo con đường nghệ thuật mà ông bà, ba mẹ đã chọn.

Tuy nhiên, còn một điều mà bà Lâm Thị Hương luôn trăn trở là ngoài việc cố giữ cho được Đoàn nghệ thuật Rô băm Bưng Chông tồn tại và phát triển, còn phải giúp cho các địa phương khác ở Nam bộ khôi phục lại các đoàn Rô băm đã bị mai một. Năm 2015, nhận lời mời từ ông Đào Chuông, nguyên Trưởng đoàn Nghệ thuật Khmer Kiên Giang, bà Hương đã tới Cà Nhum, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang đào tạo lớp diễn viên trẻ. “Ban đầu, cái khó ở địa phương này là thiếu diễn viên nữ nhưng tôi đã “chữa cháy” bằng cách đào tạo diễn viên nam có thể hóa trang để lấp vào chỗ trống này. Vì thế, ở Cà Nhum đang dần khôi phục được loại hình nghệ thuật Rô băm”, bà Hương cho biết.

Nghệ thuật Rô băm tưởng như đã biến mất khỏi cuộc sống đời thường của đồng bào Khmer Nam bộ bởi sự lấn át của trào lưu văn nghệ hiện đại; nhưng ở Sóc Trăng, nơi có gần 400.000 đồng bào Khmer sinh sống, Đoàn nghệ thuật Rô băm Bưng Chông vẫn đứng vững. Đó là nhờ bà Lâm Thị Hương và những diễn viên, cộng sự đắc lực kiên trì theo đuổi và giữ vững. Ông Lâm Vĩnh Phương, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng (người từng nhiều năm là Trưởng đoàn nghệ thuật Khmer Sóc Trăng), đánh giá: “Với những nghệ sĩ có nhiều tâm huyết như vậy, tôi tin rằng Đoàn nghệ thuật Rô băm Bưng Chông vẫn tiếp tục khởi sắc và là hình mẫu cho các địa phương khác làm theo để khôi phục loại hình nghệ thuật Rô băm”.

Lê Bình

Tin cùng chuyên mục