
10 năm gần đây, hơn 8.000 người thuộc 1.656 hộ của 13 thôn Dương Xuân, Duy Phiên, Hà La, An Lợi, Hà Lộc... của xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị phải sống trong cảnh “khát” nước sạch. Mọi sinh hoạt của người dân xã này, như nước uống, tắm, giặt... đều phải dùng nước nhiễm phèn, nhiễm mặn...
- Ngày ngày với nước bẩn

Xã Triệu Phước vốn là vùng chiêm trũng, nhiều thôn được bao bọc bởi những con sông, vậy mà chục năm qua phải sống trong cảnh “khát” nước sạch. Người dân nơi đây gặp vô vàn khó khăn trong cuộc sống thường ngày.
Bà Dương Thị Xòa, 83 tuổi, cho biết: “Tôi già rồi, sống chẳng được bao lâu, uống nước ô nhiễm cũng không sao, chứ bọn trẻ làng mà bị bệnh do uống nước này thì tội lắm!”.
Vào những ngày chớm nắng đầu tháng 5, nhiều cụ già, em nhỏ tay cầm can đi xin nước sạch để uống từ những nhà hàng xóm có bể chứa nước mưa. Nhưng trong số ấy, có người xin được, có người phải về không vì tất cả các bể chứa nước mưa trong làng đã cạn…
Những ngày tiếp theo, hơn 8.000 người dân nơi đây lại tiếp tục chống chọi với một mùa thiếu nước sạch đầy khắc nghiệt.
Bà Nguyễn Thị Lài, 81 tuổi, thôn An Cư đang lụm khụm bê thùng nước nói: “Từ sáng đến giờ chạy khắp cả làng mới xin được thùng nước mưa, không biết ngày mai lấy nước mô mà uống. Còn nước giếng, chú ra đó mà xem: chỉ một màu vàng, lại có mùi hôi rất khó chịu và nước đóng váng như là nước vôi".
Chính vì thế, nước giếng nơi đây không thể dùng nấu ăn, uống được. Nước giếng chỉ dùng để tắm giặt, song phải qua nhiều công đoạn lắng lọc thế nhưng mùi tanh vẫn không hết. Để có nước sạch uống, hơn chục năm qua, người dân ở đây chỉ trông chờ vào những cơn mưa.
Ông Hữu Thảo, trưởng thôn An Cư cho biết: “Từ năm 1995 cho đến nay, nguồn nước ở cả làng này đều bị nhiễm phèn, nhiễm mặn quá nặng, nên nhà nào cũng phải xây một bể chứa nước mưa để hứng nước. Nhưng xem ra giải pháp hứng nước mưa chỉ là tạm thời vì nếu dùng tiết kiệm thì khoảng trong vòng một tháng là cạn khô. Sau đó phải tiếp tục uống nước bẩn”.
- Thiếu sự quan tâm
Về hậu quả mà người dân phải gánh chịu khi thiếu nước sạch, ông Nguyễn Viết Vũ, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Triệu Phước, cho hay: “Do dùng chung nguồn nước bẩn lâu ngày nên tỷ lệ người dân nhiễm bệnh liên quan đến nguồn nước ở xã Triệu Phước cao hơn hẳn các vùng khác”.
Theo thống kê, trong năm 2007, toàn xã đã có gần 200 người mắc bệnh ngoài da; hơn 156 người mắc các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa; hơn 100 người mắc bệnh về đường tiết niệu. Trong đó chủ yếu là trẻ em từ 1 đến 5 tuổi và người già”.
Theo ông Nguyễn Văn Hảo, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Phước, trong 13 thôn thuộc xã thì có gần 500 hộ dân của các làng như: Duy Phiên, Dương Xuân, Hạ Là, An Cư là chịu ảnh hưởng từ nguồn nước nặng nhất.
Trước vấn đề nguồn nước bị ô nhiễm, xã đã nhiều lần đề nghị lên huyện để xin một dự án về nước sạch nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả gì, dù có đoàn khoa học Sở Khoa học - Công nghệ phối hợp với một số ban ngành chức năng về lấy mẫu nước xét nghiệm đã kết luận là nguồn nước ở đây bị nhiễm phèn, nhiễm mặn nặng…
Ông Hảo nói đầy vẻ chua xót: “Nguồn ngân sách của xã không thể đáp ứng cho việc đầu tư xây dựng một dự án nước sạch để phục vụ cho bà con nên đành chấp nhận để bà con tự khắc phục, được chừng nào hay chừng ấy...”.
Chính vì tình trạng thiếu nước sạch kéo dài cả chục năm qua nên đã có nhiều hộ dân ở các thôn Dương Xuân, Duy Phiên, Hà La, An Lợi, Hà Lộc… đã rời làng, đi vùng kinh tế mới. Nhưng số người ra đi ấy rất ít nên tại xã Triệu Phước, hàng ngàn người cứ sống cầm cự và ngày ngày chờ mưa.
VÕ LINH