
Ngày ấy, sau vụ nước lớn của mùa mưa, dòng chảy thu mình vào lòng sông, để lại hai dải cát bạc chạy dài. Những bụi tre to, thân vươn cao, ngọn uốn cong soi mình dưới đáy nước lung linh. Trên ngọn tre đôi chim đang âu yếm rỉa lông cho nhau sau buổi no mồi. Những chú sóc rừng nhảy nhót trên cành đua nhau khoe những cái đuôi đẹp dài như bông lau. Dòng sông êm ả, cảnh vật rất bình yên, cứ như không hề có chiến tranh ở nơi đây vậy.

Ký họa chiến tranh của họa sĩ Huỳnh Phương Đông (1966).
Tôi đi theo bờ cát chọn chỗ kín đáo để tắm. Dầm mình dưới dòng nước mát, sóng dội lên tuột xuống mơn trớn trên da thịt như những ngón tay mềm mại của mẹ đã từng xoa lưng cho mình lúc tuổi còn thơ.
Tôi thầm khen ai khéo chọn chỗ này làm nơi đóng quân thật là tuyệt! Mình đã đi nhiều chỗ, gặp nhiều khu rừng, nhiều con suối dòng sông, mỗi chỗ đều có nét lãng mạn, hùng vĩ, êm ả, sống động riêng. Song tôi nhớ nhất là con sông Tiền phương, con sông mang đầy kỷ niệm của những người lính.
Nó cũng lớn thế này nhưng đục ngầu, đỏ như nước trà đặc, cảnh quan không đẹp như ở đây. Dòng sông sát vùng địch chiếm đóng, nên mọi người quen gọi là sông Tiền phương.
…Hôm đó đoàn đi công tác vào ấp chiến lược về, có tám người trong đó có hai nữ là tôi và một chị nữa. Khi đến bờ sông, nam giới chỉ mặc quần đùi, quần dài cột ở cổ để khi về nhà có quần khô mà mặc.
Tam - một chàng trai trẻ, khỏe và đẹp, là bộ đội trinh sát - nhảy xuống sông phăng dây qua trước. Đến chỗ dòng nước chảy xiết làm đứt dây thun quần, Tam vội khum người một tay giữ chặt dây mây, một tay cố giữ quần. Trong lúc loay hoay, quần dài trên cổ bị bung ra trôi đi luôn. Báo hại Tam phải đu người dầm mình dưới nước, miệng kêu la í ới.
Những người bên đây bờ, chờ mãi không thấy Tam lên. Vì sợ nặng bị đứt dây, nên mọi người bảo tôi là người nhẹ nhất, phăng dây qua xem chuyện gì. Khi tôi gần tới, Tam hét to:
– Ở đấy! Đừng tới. Đừng tới nữa!
– Có chuyện gì vậy? Sao không lên cho người khác qua?
Tam ngập ngừng trả lời:
– Bị - trôi - quần - rồi!
Tôi nhìn lên cổ anh không thấy cái quần dài ở đấy nữa. Tưởng Tam tiếc cái quần mà nấn ná không muốn lên bờ, bực mình tôi quát:
– Lỡ trôi rồi thì thôi, lên bờ cho mọi người qua chứ tiếc chi.
– Không phải tiếc, nhưng không lên được!
– Nói không tiếc thì lên đi, đàn ông con trai gì mà keo kiệt, tiếc của còn hơn con gái. - Tôi càu nhàu.
Tam ngượng ngùng nói:
– Anh... muốn nói...
– Nói tiếc đứt ruột chứ gì?! Thôi đủ rồi, lên mau đi! Kẻo đứt dây bây giờ.
Tiện thể Tam xẵng giọng:
– Đứt rồi còn gì!
Tưởng đứt dây mây, tôi hoảng hồn mặt xanh mét ré lên:
– Hả? Anh nói gì?
Tam bực mình dằn từng tiếng:
– Đứt - dây - quần - đùi..., trôi luôn rồi! Nhỏ ngốc!
Vỡ lẽ, tôi đỏ mặt, cười… Tam sợ tôi cười quá đuối sức bị nước cuốn trôi, anh vội gắt:
– Đừng cười nữa, chết trôi bây giờ! - rồi chuyển sang càu nhàu: - Đồ con khỉ! Cười gì mà cười, đi mượn quần mau lên! Mỏi tay quá rồi!
Tôi cố sức choài người lên, móc hai nách vào sợi dây mây để nghỉ mệt. Nhìn thấy mặt Tam đỏ bừng vì xấu hổ pha lẫn vẻ bực mình, tôi lại bật cười. Cười đã, tôi mới quay lại mượn quần. Mọi người nóng lòng chờ đợi, thắc mắc “Sao nó quay lại?”. Biết vậy, nhưng tôi phải đợi lên được trên bờ mới kể toàn bộ diễn biến sự việc. Nghe xong, họ ôm nhau cười ngả nghiêng: Biết mọi người cười mình, Tam bực, càu nhàu, bỏ một tay, đưa nắm đấm dứ dứ về phía họ: “Đám đười ươi kia, lát nữa biết tay ta!”. Tôi đem quần quay lại, từ xa Tam đã với tay đón lấy. Tôi cười, trao quần mà nói: “Lần này cẩn thận nghen! Kẻo trôi chẳng cứu bồ nữa đâu!”. Tam vêu mồm: - “Đồ khỉ con nghịch ngợm, ta cho vào nồi hầm nhừ bây giờ!”.
Từ đó cứ mỗi lần đi công tác qua sông, nếu có Tam đi cùng, tôi nghịch ngợm chụm hai chân hô to:
– Nghiêm...! Kiểm tra dây quần...! Qua sông!
Tam hăm he:
– Coi chừng có ngày đến lượt nhỏ, đó nhỏ!
Trở về với thực tại, nước sông làm tôi sảng khoái, tự nhủ: “Tuy nhiên con sông này tắm thích hơn”. Tôi nhoài người ra chỗ vũng sâu, hai tay đập mạnh, nước tung trắng phau như những chuỗi ngọc bắn lên cao rồi rơi xuống, tôi thích thú lại nhoẻn miệng cười, thầm nhủ: Dù thời gian có cách biệt và mình có lớn đến mấy – bởi tôi đang ở lứa tuổi mà mặt mũi cũng như tính nết đều đang còn giai đoạn chấm phá, mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm một khác - nếu khi gặp lại, tôi chụm chân hô nghiêm... (!) thì chắc chắn anh Tam cũng sẽ nhận ra!
Đang miên man với bao ý nghĩ, bỗng giữa đại ngàn một loạt đạn vang lên và dội vào tai làm tôi chết lặng người, không biết mình đang mơ hay là thật.
…Tổ trinh sát trên đường đi điều nghiên một cứ điểm then chốt của địch để phục vụ cho trận đánh sắp tới, bị lọt vào ổ phục kích. Tam lê cái chân bị gãy núp vào thân cây lớn, rồi cùng đồng đội chiến đấu rất ngoan cường, chống trả quyết liệt. Trận chiến không cân sức. Cả tổ bốn người ai cũng bị thương nhưng Tam nặng nhất, bởi một chân còn lại cũng trúng đạn gãy nốt.
Anh bảo đồng đội rút chạy, còn mình nằm giữ chân chúng bằng mấy quả lựu đạn còn lại. Anh mưu trí tìm cách kéo dài thời gian cho đồng đội có cự ly an toàn: Anh dụ địch dồn về phía mình rồi bung lựu đạn giết chúng, những tên còn lại phải thối lui rồi mới tìm cách bám lên. Cuối cùng, anh không còn quả lựu đạn nào dành cho mình để cùng “chia lửa” với địch.
Đó là lối thoát khỏi tay địch một cách nhẹ nhàng mà những chiến sĩ Giải phóng thường chọn trong tình huống “chẳng đừng” này. Không phải chần chừ lâu, anh thực hiện kế “một mũi tên đạt hai mục đích”, ở đây không là mũi tên hay lựu đạn mà là hòn đá anh giả là lựu đạn để thực hiện hai mục đích thật: kéo dài thời gian cho đồng đội chạy thoát, và vẫn được chết một cách nhẹ nhàng, cắt đứt ảo mộng dụ hàng của chúng để hòng moi tin tức về ta.
Tam nhặt hòn đá vừa nắm tay gần đó, dứ về phía địch, anh nói to: “Quả lựu đạn này tao không để cho chúng mày hưởng trọn đâu. Tao đợi chúng mày tới sát đây rồi cùng hưởng!” - Anh quắc mắt rít qua kẽ răng: “Nào, đến đây, chớ có hèn như thế”. Bọn chúng dở trò tâm lý chiến, dụ dỗ anh đầu hàng. Nhưng anh nói: “Chúng mày chớ lải nhải vô ích. Chiến sĩ Giải phóng không bao giờ biết đầu hàng! Nào cứ nhào vô đây rồi khắc thấy”.
Run sợ trước khí phách của anh, chúng đành phải hạ thủ bằng một loạt đạn.
Một đồng đội của anh trên đường rút lui bị gãy chân, núp lại gần đó mà địch không phát hiện được. Nên bây giờ mọi người trong đơn vị và tôi mới tận tường mọi chuyện.
Chuyện xảy ra lâu rồi, nhưng trong ký ức của tôi, vẫn như chuyện của ngày hôm qua…