Sau 3 đêm trình diễn thật ấn tượng, Gala “Giai điệu mùa thu - 2008” đã kết thúc vào tối 17-8 tại Nhạc viện TPHCM trong sự hài lòng của giới hoạt động âm nhạc và khán giả. Người ta không tiếc lời ca ngợi những tài năng nghệ thuật và hy vọng rằng trong năm sẽ có thêm những chương trình chất lượng cao như vậy chứ không nhất thiết phải chờ đến mùa thu. Một sự mong chờ hợp lý!
Gala “Giai điệu mùa thu” là cuộc hội ngộ vào tháng 8 hàng năm của các tài năng nghệ thuật hàn lâm TPHCM và cả nước. Chương trình là một sáng kiến hay của Sở VH-TT (nay là Sở VH-TT-DL) và Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TPHCM, đã được liên tục tổ chức từ năm 2005 đến nay thu hút cả những nghệ sĩ tài năng của Việt Nam đang tu nghiệp hoặc hoạt động ở nhiều nước có nền âm nhạc phát triển như Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Úc, Hàn Quốc, Singapore v.v…
Chương trình này nhận được sự đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật cũng như gây được tiếng vang tốt trong công chúng yêu nghệ thuật, khẳng định thành tích đào tạo của thành phố, khẳng định sự kết hợp thành công các nguồn lực vật chất và tinh thần để hình thành đội ngũ nghệ sĩ tài năng cho thành phố trong lĩnh vực nghệ thuật hàn lâm. Đây cũng là hoạt động nhằm động viên, khuyến khích các nghệ sĩ tiếp tục nỗ lực học tập và nâng cao trách nhiệm đối với sự phát triển nghệ thuật hàn lâm của nước nhà. Năm nay, 26 tài năng trẻ trong các bộ môn: violon, piano, flute, clarinet, chỉ huy, thanh nhạc, múa… đang công tác, học tập tại TPHCM, Hà Nội và nước ngoài đã không phụ lòng mến mộ của công chúng yêu nhạc và dư luận xã hội.
Về mặt chất lượng, trong chương trình có một số nghệ sĩ đến từ Anh, Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, Singapore, Macedonia góp phần làm đầy đặn thêm những màn biểu diễn âm nhạc cổ điển của F. Mendelssonhn, K.Stamitz, L.V.Beethoven, J.Brahms. J.S.Bach, R.Schumann... Như vậy, “Giai điệu mùa thu” tạo bước đột phá, phát triển lên quy mô và tầm cao mới, mang tính chất là một cuộc liên hoan quốc gia và quốc tế.
Đặc biệt, năm nay có sự tham gia của nhiều tác phẩm Việt Nam trong các lĩnh vực nhạc không lời, thanh nhạc và múa như “Trở về đất mẹ” (Nguyễn Văn Thương), “Tiếng hát tình yêu” (Võ Đăng Tín), “Nguyện cầu” (Vũ Việt Anh), “Bài ca hy vọng” (Văn Ký), “Tổ 3 người” (Vũ Việt Anh), “Tôi” (Quốc Trung), “Hương tình yêu” (Võ Đăng Tín). Điều này khẳng định chương trình đã được chăm sóc, nâng cao bằng cách thổi tâm hồn và tình cảm Việt Nam vào đó.
Trong bối cảnh hoạt động nghệ thuật đang có sự du nhập không chọn lọc từ nước ngoài thì việc tổ chức Gala “Giai điệu mùa thu” là một sự kiện âm nhạc lớn, có ý nghĩa về định hướng thị hiếu thẩm mỹ và theo xu hướng phát triển của thời đại.
Giám đốc Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TPHCM, NS Võ Đăng Tín nhận định: “Gala năm nay có 2 điểm mới: một là mở rộng tầm vóc chương trình, hai là nhấn mạnh chất lượng và thể hiện nổi bật màu sắc Việt Nam trong lĩnh vực nghệ thuật hàn lâm. Các tác phẩm Việt Nam đã được đưa vào dàn nhạc giao hưởng, thính phòng, opera, múa ballet. Một chỉ huy dàn nhạc của Singapore nhận xét rằng những tác phẩm Việt Nam có thể gây ấn tượng trong một số thể loại âm nhạc cổ điển đỉnh cao của thế giới”.
Xuân Thái