Ông Taro Naruse, Phó Giám đốc điều hành Ủy ban hỗ trợ ABAC Nhật Bản:

​ Hợp tác kinh tế hai nước đang hết sức sôi động

Bên lề Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp châu Á - Thái Bình Dương (APEC CEO), ông Taro Naruse, Phó Giám đốc điều hành của Ủy ban Hỗ trợ Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC) Nhật Bản, đã trả lời phỏng vấn Báo Sài Gòn Giải Phóng về những kỳ vọng của ông trong quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Ông Taro Naruse, Phó Giám đốc điều hành của Ủy ban Hỗ trợ Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC) Nhật Bản
Ông Taro Naruse, Phó Giám đốc điều hành của Ủy ban Hỗ trợ Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC) Nhật Bản
Phóng viên: Đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam tăng mạnh trong thời gian qua. Ông có thể cho biết đâu là lý do?
Ông Taro Naruse: Một lý do xuất phát từ chính bản thân Việt Nam, đó là doanh nghiệp Nhật Bản nhận thấy Việt Nam rất quan tâm đến công nghệ, sản phẩm công nghiệp của Nhật Bản. Chúng tôi tin tưởng sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc sử dụng hiệu quả công nghệ cũng như dịch vụ của Nhật Bản. Ngoài ra, lao động Việt Nam có tay nghề cao, có nền tảng căn bản phù hợp với nhu cầu công việc của các công ty Nhật Bản.
 Ông có nghĩ rằng chính mối quan hệ chính trị tốt đẹp, phát triển không ngừng thời gian qua giữa Việt Nam - Nhật Bản là nhân tố để các doanh nghiệp của Nhật Bản đầu tư mạnh vào Việt Nam?
Chắc chắn rồi. Quan hệ chính trị là yếu tố cơ bản quyết định quan hệ về thương mại và kinh tế phát triển. Quan hệ chính trị Việt Nam - Nhật Bản rất tốt đẹp, giúp hoạt động hợp tác kinh tế giữa hai nước đang rất sôi động.
 Theo kế hoạch, hôm nay 10-11, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ có bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC. Cá nhân ông kỳ vọng gì vào bài phát biểu của Thủ tướng Abe? 
Thứ nhất, Thủ tướng Shinzo Abe nhấn mạnh đến việc thúc đẩy quan hệ song phương Nhật Bản - Việt Nam phát triển hơn nữa trong thời gian tới. Thứ hai, tôi kỳ vọng Thủ tướng Shinzo Abe sẽ đề cập đến các giải pháp để tăng cường hợp tác về kinh tế giữa các nền kinh tế thành viên APEC. Các nền kinh tế thành viên cần phải cởi mở để tự do thương mại là chìa khóa thúc đẩy khu vực châu Á - Thái Bình Dương lớn mạnh hơn.
Sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận đàm phán về việc thành lập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Nhật Bản đang cho thấy vai trò tiên phong thúc đẩy 11 nước còn lại đi đến thỏa thuận cuối cùng. Liệu TPP có là phương tiện giúp Nhật Bản mở rộng tầm ảnh hưởng hơn nữa tại khu vực?
Tôi tin là như vậy. Tuy nhiên, với Nhật Bản, vấn đề đạt được thỏa thuận này không chỉ dừng lại ở 11 quốc gia tham gia thỏa thuận trên mà còn là Mỹ. Quyết tâm của 11 quốc gia trong việc thống nhất thông qua TPP có thể khiến Mỹ phải suy nghĩ lại. Tôi cho rằng một kịch bản hoàn hảo là Mỹ quay trở lại với TPP, điều đó sẽ làm cho TPP mạnh hơn.

Tin cùng chuyên mục