Hợp tác viện - trường: Nâng cao chất lượng y tế

Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch vừa ký kết hợp tác với một số bệnh viện trên địa bàn TPHCM triển khai công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chăm sóc sức khỏe nhân dân. PGS-TS-BS Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết, sự kết hợp này được coi là chìa khóa để đảm bảo đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về đào tạo và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.
PGS-TS-BS Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

PGS-TS-BS Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

Chuyên môn được phát triển tốt hơn

* PHÓNG VIÊN: Thưa PGS-TS-BS Nguyễn Thanh Hiệp, hiện nhà trường đã ký kết hợp tác mô hình viện - trường với bao nhiêu đơn vị, và mục đích chính của việc ký kết này là gì?

* PGS-TS-BS NGUYỄN THANH HIỆP: Nhà trường đang phối hợp, hợp tác với 53 cơ sở đào tạo thực hành trên cả nước. Đối với mô hình viện - trường (đưa giảng viên của trường xuống công tác tại bệnh viện, tham gia đào tạo, nghiên cứu khoa học và chăm sóc sức khỏe cho người dân) thì hiện nay trường chỉ tập trung ở các bệnh viện hạng 1 như Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Viện Tim…

Các bệnh viện hạng 1 sẽ là mạng lưới đào tạo thực hành của nhà trường, và giảng viên của nhà trường sẽ tham gia trực tiếp công tác khám chữa bệnh tại bệnh viện đó, hướng dẫn sinh viên, học viên của nhà trường đang thực hành tại bệnh viện. Điều này rất có lợi cho người học và đặc biệt có lợi cho bệnh nhân.

Việc hợp tác không chỉ dừng lại ở hoạt động khám chữa bệnh mà các thầy cô, học viên (của nhà trường), bác sĩ (của bệnh viện) sẽ tham gia vào công tác nghiên cứu khoa học. Bởi khi có thầy và trò trực tiếp tham gia vào hoạt động khám chữa bệnh, nghiên cứu khoa học thì sẽ phát triển tốt hoạt động chuyên môn cũng như hoạt động khác của bệnh viện, trở thành mô hình viện - trường phù hợp phát triển cho 2 đơn vị.

"Hợp tác giữa Bệnh viện An Bình và Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch là một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Đây cũng là cơ hội để hai bên cùng chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân"

BS-CKII HỒ HẢI TRƯỜNG GIANG, Giám đốc Bệnh viện An Bình

* Cụ thể nội dung chính của việc hợp tác này là gì?

* Theo nội dung hợp tác, hai bên sẽ phối hợp chặt chẽ trong các lĩnh vực: kết hợp về công tác xây dựng và phát triển cán bộ, người có uy tín, kinh nghiệm chuyên môn của nhà trường có thể đảm nhận chức vụ ở bệnh viện và ngược lại. Việc bổ nhiệm dựa trên nhu cầu, tiêu chuẩn bổ nhiệm, năng lực chuyên môn và quản lý, do cán bộ của đơn vị kiêm nhiệm tín nhiệm thực hiện. Cùng với đó, phối hợp trong việc đào tạo thực hành cho sinh viên, học viên sau đại học, đồng thời cung ứng dịch vụ y tế cho người dân.

Bên cạnh đó, hai bên sẽ phối hợp trong việc nghiên cứu khoa học, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực y tế; phối hợp trong việc chỉ đạo tuyến, hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tham gia các chương trình y tế ở cộng đồng; phối hợp tổ chức tốt các đợt thực tập của sinh viên, học viên; phối hợp trong việc đầu tư và sử dụng trang thiết bị y tế, phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chăm sóc sức khỏe.

Tiền đề phát triển bệnh viện

* Như vậy, việc cử giảng viên, thầy cô hỗ trợ bệnh viện có tạo thêm áp lực cũng như việc làm cho họ?

* Thực ra, các giảng viên cơ hữu của nhà trường, được nhà trường trả lương, khi họ tham gia công tác khám chữa bệnh trong bệnh viện thì sẽ có thêm nguồn thu. Đây cũng là một hoạt động tăng thu nhập cho giảng viên của nhà trường. Ngoài chuyện thu nhập thì còn là câu chuyện về giảng dạy, nghiên cứu khoa học.

Đối với các bệnh viện tuyến quận, huyện thiếu nguồn lực về chuyên môn, thiếu bác sĩ về lĩnh vực nào thì nhà trường sẽ điều phối giảng viên xuống hỗ trợ chuyên môn. Trường đồng hành với bệnh viện từ lúc khó khăn để sau này, bệnh viện phát triển lớn mạnh thì sẽ là cái nôi để đón nhận sinh viên của trường.

Sinh viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch trong một buổi học thực hành

Sinh viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch trong một buổi học thực hành

* Hiện mô hình viện - trường có quy mô giường bệnh ở cụm y tế Tân Kiên (Bình Chánh) đã và đang triển khai. Nếu điều chuyển giảng viên như vậy, liệu bệnh viện đi vào hoạt động có chồng chéo trong tương lai không?

* Hiện dự án Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch kết hợp với bệnh viện thực hành theo mô hình viện - trường đang được triển khai xây dựng tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh. Mục tiêu của dự án nhằm tăng cường đội ngũ giảng viên giỏi về lý thuyết và thực hành để mở rộng năng lực đào tạo, chất lượng đào tạo theo tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới, cung cấp nguồn nhân lực y tế đáp ứng nhu cầu cho ngành y tế TPHCM và các tỉnh phía Nam cũng như cả nước, góp phần tích cực vào mục tiêu phát triển mạng lưới y tế quốc gia.

Trong khi chờ đợi sự hoàn thiện của bệnh viện thực hành của nhà trường, trước mắt nhà trường vẫn liên kết hợp tác mô hình viện - trường với các bệnh viện, đưa các giảng viên về công tác tại các bệnh viện. Khi cơ sở thực hành của nhà trường hoàn thiện, trường sẽ rút toàn bộ lực lượng các giảng viên, học viên về xây dựng một bệnh viện của trường đại học có đủ nguồn nhân lực chất lượng.

Tin cùng chuyên mục