Hộp thư văn hóa nghệ thuật

T

- Vì sao khi phải chi tiền, người ta dùng từ “ móc hầu bao”, từ này xuất phát từ đâu? (Trần Thị Vân Loan)

Ngày xưa, mỗi khi ra đường người ta thường mang theo cái hà bao (gọi trại là hầu bao). Bao là cái đãy, hà là sen. Hà bao gồm hai cái đãy một lớn, một nhỏ. Đãy lớn hình lá sen dùng đựng trầu cau, đãy nhỏ hình giống bông sen để đựng thuốc hút.

Trên miệng đãy, một đầu có tua, một đầu thắt hình con bướm, có thể kéo ra thắt lại dễ dàng. Hai đãy nối liền nhau bằng một dải lụa dài 4 tấc màu đỏ hoặc xanh. Giữa dải lụa có cái gút dùng để chéo khăn vuông, thường là màu đỏ dùng lau nước trầu ở miệng.

Có người mang hà bao ở thắt lưng, nhưng có người vắt ra sau vai hoặc mang trước mặt. Người quyền quí thường giao hà bao cho tôi tớ theo hầu cầm. Người dân khi đi ngang các quan lớn, hai đãy hà bao vắt sau lưng phải kéo xuống thấp để tỏ lòng cung kính.

Cách may hà bao cũng cũng phân biệt giai cấp: hà bao của vua làm bằng đoạn, mặt đãy một sắc vàng, một sắc đỏ, trên mặt có thêu rồng bằng chỉ vàng. Các hoàng thân và quan đại thần dùng bao gấm đỏ, xanh lục, hoặc đỏ,  đen trên mặt thêu hoa. Các quan nhỏ và dân thường dùng hà bao bằng lụa, không thêu, chỉ một màu giống nhau hoặc lục xanh, hoặc đen, cấm dùng màu đỏ.

Khi vua lên ngôi thường ban các hà bao có đồng tiền vàng cho các ông hoàng, bà chúa và các quan đại thần. Hà bao của vua và hoàng tộc thường đặt trong khay, khi cần dùng trầu thuốc thì  cung nữ mang tới hầu.

Bích Châu

Tin cùng chuyên mục