Hướng đến đại lễ 1.000 năm Thăng Long

Hướng đến đại lễ 1.000 năm Thăng Long

“Kể từ 10 năm nay tôi luôn luôn cảm giác có cái gì đó run rủi tôi làm điều này hay nghĩ ra điều kia. Kể cả những điều mà ngay trước lúc “vẽ” ra, tôi không bao giờ tưởng tượng thấy mình có thể làm hoặc mơ tưởng. Mùa xuân này cũng vậy, biết bao điều run rủi...”. Nhà văn Nguyễn Khắc Phục (ảnh) gửi ít dòng tâm sự với bạn đọc như vậy khi gặp phóng viên SGGP.

Hướng đến đại lễ 1.000 năm Thăng Long ảnh 1
Bức tranh NV Nguyễn Khắc Phục vẽ “khai bút” Tết Kỷ Sửu.

Có nhẽ bắt đầu từ ParaGame 2 tháng 12-2003, khi tôi vừa ôm bình mật trong phòng hậu phẫu Bệnh viện Việt Đức, vừa ngồi sửa từng li từng tí kịch bản khai mạc, bế mạc cho sự kiện thể thao này. Chưa hết, còn sửa từng câu thoại cho vở “Con nhím Điện Biên Phủ” mà sau này Nhà hát kịch Quân đội đổi tên thành “Thông điệp Điện Biên” năm 2004 (kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên). Người tôi cứ như là lên đồng vậy. Rồi lại bước vào dựng “Kẻ sĩ Thăng Long” cuối năm 2004.

Thời gian cứ trôi đi vùn vụt, biết bao điều vui buồn, biết bao trận váng mình sốt mảy, qua hết, vẫn luôn luôn có cái gì đó thôi thúc khiến tôi không thể ngừng nghỉ được. Rồi cũng lại do run rủi, tự nhiên nghĩ ra cái việc phải làm một chiếc đồng hồ đếm ngược ngày Đại lễ 1.000 năm Thăng Long đang đến gần. Và cùng với các nghệ sĩ của Nhà hát Tuổi Trẻ, Truyền thông Dầu khí thực hiện lễ hội khai trương đồng hồ đếm ngược ở đền Bà Kiệu.

Rồi từng giây từng phút cứ trôi qua trên cái đồng hồ ấy, lại hăm hở lao vào chuẩn bị nội dung phác thảo kịch bản cho 10 ngày Đại lễ 1.000 năm Thăng Long với những ý tưởng mà trước đó tôi không bao giờ nghĩ rằng mình có thể làm được hoặc là nghĩ tới nó. Những ý tưởng cứ từ đâu lóe ra. Rồi bỗng dưng trước Tết Kỷ Sửu 3 tháng, Giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Nội, tiến sĩ Phạm Quang Long lại bảo tôi cứ như không ấy: “Anh làm kịch bản cho 220 năm chiến thắng Ngọc Hồi, Đống Đa đi, năm nay chúng ta phải làm lễ hội ấy ở cấp thành phố anh ạ”.

Gần như ngay tức khắc, từ trên môi tôi bật ra: “Vậy thì năm nay chúng ta phải ăn Tết hoa đào hoa mai”. Mà không biết làm sao Trọng Đài lại viết bản hợp xướng “Ai tư vãn” hay thế. Mà làm sao Quốc Chiêm lại đọc cái “Chiến tụng Ngọc Hồi Đống Đa” hay thế. Mà sao đồng chí chủ tịch thành phố đọc bài diễn văn khai mạc 220 năm chiến thắng Ngọc Hồi Đống Đa cảm động thế. Nhưng đẹp đẽ và cảm động nhất là gương mặt của những con người bình thường quây quần bên nhau trong buổi sáng mùng 5 Tết xuân Kỷ Sửu, già có, trẻ có, trai có, gái có, thành thị có, nông thôn có, mải mê kết thành thành một khối, rồi cái chữ ấy trong tôi nó tự nhiên lại bật ra: Thế trận Diên Hồng.

Vừa ăn giỗ trận Ngọc Hồi - Đống Đa lại cảm động ngồi xem các nghệ sĩ trẻ của Nhà hát cải lương Hà Nội trình diễn “Lễ Mở Xiêm áo”. Mà run rủi làm sao, kịch bản “trôi nổi” bao nhiêu năm, bỗng nhiên lại được dựng, công diễn và phát hình trực tiếp trên kênh H1 của Đài Hà Nội, đúng vào thời khắc vô cùng hệ trọng này, tháng 2 năm 2009... Lạ hơn, kịch bản của chính mình viết, nhưng khi xem, sao thấy tập thể nghệ sĩ Hà Nội dựng xuất thần, cảm động và đầy hào khí đến vậy? Rõ là hay hơn chính kịch bản...

Rồi đùng đùng lao vào chuẩn bị cho lễ khai mạc và bế mạc của Á vận hội trong nhà lần thứ III (AIG-2009) lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam ngày 30-10-2009, được coi là sự kiện thể thao lớn nhất từ trước đến nay đối với Việt Nam. Có tới 45 nước sẽ tham dự. Vừa mừng, khấp khởi vì lại thêm được một dịp xây dựng thương hiệu quốc gia trên phương diện văn hóa, thể thao, ngoại giao nhân dân, ngoại giao lễ hội, lại vừa nhận thức rõ rằng, đấy chính là cuộc tổng diễn tập lớn nhất, thiết thực và hữu ích nhất để bước vào Đại lễ 1.000 năm Thăng Long.

Và đại lễ ấy được hình dung như một không gian lịch sử, như một dòng sông cuồn cuộn chảy, như một niềm vui được dâng trào của một dân tộc có đủ kiêu hãnh và tự tin nhìn lại chặng đường đi 1.000 năm của mình, từ lúc thành phố Rồng Bay ra đời, đã hăm hở đi tới những 100 năm, 1.000 năm mới với bao thách thức, cơ hội ở phía trước. Lại một cuộc chấn hưng văn hóa tầm vóc có lẽ có thể sánh được với cuộc tập đại thành văn hóa rực rỡ nhất thời Lý – Trần thế kỷ 11, 12, 13. Lại một tập đại thành văn hóa mới, văn hóa Thăng Long – Hà Nội - Việt Nam bước vào thiên niên kỷ thứ 3. Vẫn là hồng phúc của tổ tiên Đại Việt run rủi...

Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm ra đời của thành phố Rồng Bay, phải kể được câu chuyện về lịch sử, văn hóa hùng tráng nhất, thơ mộng nhất, cảm động và hấp dẫn nhất, nhưng không gò bó vào các sự kiện biên niên. Câu chuyện ấy phải được bay trên đôi cánh truyền thống anh hùng và lịch sử văn hiến Thăng Long - Việt Nam . Phải làm sao cho các bạn trẻ, sau 10 ngày đại lễ, hình dung được một cách hệ thống lịch sử đất nước, lịch sử Thăng Long, thấm thía những giá trị văn hóa, đạo lý và tình yêu Tổ quốc. Nhưng trên hết, đại lễ phải truyền được cảm hứng cho toàn dân Việt Nam: cảm hứng anh hùng, cảm hứng văn hóa và cảm hứng hội nhập và phát triển.

Nhờ vậy, thông điệp Thăng Long – Hà Nội – Việt Nam 2010 mới thấm đẫm chất anh hùng ca, chất suy tưởng và phản chiếu những nguyện vọng sâu sắc, thiết tha nhất của toàn dân Việt Nam từ xưa đến nay. Trong lịch sử thành văn Việt Nam đã có những tác phẩm bất hủ: Chiếu dời đô, Nam quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ, Bình ngô đại cáo, Tuyên ngôn độc lập 1945, Di chúc của Hồ Chủ tịch 1969, giờ đây thông điệp Thăng Long – Hà Nội – Việt Nam do Chủ tịch nước đọc vào lúc 0 giờ ngày 11-10-2010, cũng phải đạt tới tầm vóc lịch sử, văn học, tư tưởng, xứng đáng tiếp nối với các thiên anh hùng ca nói trên.

Do vậy, phải tổ chức đại lễ hoành tráng, độc đáo, đặc sắc nhất từ trước đến nay.

- Đại lễ phải rất Việt Nam và Thăng Long.
- Đại lễ phải làm khơi dậy lòng yêu nước vô bờ bến, tôn vinh các
  giá trị văn hóa truyền thống.
- Đại lễ phải khơi dậy phong trào chấn hưng văn hóa Việt Nam.
- Đại lễ phải nâng cao thương hiệu quốc gia.
- Đại lễ phải là cơ hội để phát triển các ngành du lịch văn hóa,
  sinh thái, giao lưu quốc tế.
(Đề dẫn phác thảo kịch bản 10 ngày đại lễ 1.000 năm Thăng Long của NV Nguyễn Khắc Phục)

Nhà văn NGUYỄN KHẮC PHỤC

Tin cùng chuyên mục