Hướng ra cho dạy học môn tích hợp

Tại buổi làm việc với Chính phủ và đoàn giám sát của Quốc hội về thực hiện Nghị quyết đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (GDPT) mới đây, trước hàng loạt chất vấn về hiệu quả triển khai các môn tích hợp trong Chương trình GDPT 2018, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng có 2 lựa chọn, quay về đơn môn như trước đây hoặc kiên trì đổi mới nhưng phải tính toán lộ trình thực hiện. Một lần nữa, câu hỏi: Có nên trả môn tích hợp về đơn môn? lại “nóng” lên.

Hiện nay, Chương trình GDPT 2018 đã triển khai cuốn chiếu ở 2/4 khối lớp của bậc trung học cơ sở. Qua 2 năm vừa làm vừa rút kinh nghiệm, báo cáo từ các địa phương cho thấy, có nơi bố trí được giáo viên dạy đa môn, song nhiều nơi vẫn loay hoay trong việc thiết kế thời khóa biểu, chẻ nhỏ môn tích hợp theo kiểu đến phân môn nào thì giáo viên môn đó giảng dạy. Chính sự triển khai không thống nhất dẫn đến chất lượng dạy học mỗi nơi một kiểu, tạo nên lo ngại về tính khả thi và hiệu quả của chương trình.

Người đứng đầu ngành giáo dục cả nước từng thừa nhận, thách thức lớn nhất đối với việc triển khai các môn tích hợp là câu chuyện “quả trứng và con gà”. Nếu chương trình GDPT không thiết kế môn tích hợp thì trường sư phạm không có căn cứ mở mã ngành đào tạo giáo viên dạy tích hợp. Song, khi đã thiết kế và đưa vào giảng dạy thì phải sử dụng phương án tạm thời là tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên hiện có trong thời gian chờ trường sư phạm hoàn thành các khóa đào tạo giáo viên dạy tích hợp. Tháng 8-2023 tới đây, lứa sinh viên đầu tiên tốt nghiệp 2 chuyên ngành sư phạm Khoa học tự nhiên và Lịch sử - Địa lý sẽ tốt nghiệp ra trường, đáp ứng phần nào nhu cầu giáo viên dạy môn tích hợp. Tuy nhiên, do số lượng giáo viên còn hạn chế nên dự báo trong 2-3 năm tới, trường phổ thông vẫn phải triển khai song song 2 phương án là vừa tuyển dụng mới vừa tiếp tục bồi dưỡng giáo viên môn tích hợp.

Năm học 2023-2024 được xem là năm bản lề quan trọng để đánh giá kết quả đạt được, từ đó đặt ra mục tiêu, hành động cụ thể trước khi kết thúc lộ trình đổi mới chương trình vào năm học 2024-2025. Thiết nghĩ, hiện tại không phải là lúc loay hoay với câu hỏi “đi tiếp hay dừng lại” mà cần nghiêm túc, thẳng thắn nhìn nhận những ưu, khuyết điểm của chương trình, từ đó đề ra giải pháp. Trong đó, sự nỗ lực của nhà trường thôi chưa đủ mà cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ giữa các bộ ngành, địa phương trong việc tham mưu, triển khai các chủ trương, chính sách đầu tư về con người, trang thiết bị dạy học để tăng hiệu quả chương trình. Ngành giáo dục cần lắng nghe với tinh thần cầu thị những góp ý của xã hội trong việc điều chỉnh nội dung chương trình theo hướng giảm kiến thức hàn lâm, tăng tính ứng dụng thực tiễn, phát huy tính chủ động, sáng tạo của cả người dạy lẫn người học.

Tin cùng chuyên mục