Tăng trưởng xanh là xu thế tất yếu

Hướng tới một Việt Nam “Xanh hiện tại, vững tương lai”

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng - người đứng đầu cơ quan được giao nhiệm vụ là cơ quan đầu mối quốc gia về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững - khẳng định, càng trong khó khăn thì nhu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng “xanh hóa” càng bức thiết.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng

* PHÓNG VIÊN: Thưa bộ trưởng, tăng trưởng xanh hiện được coi là nhân tố không thể thiếu của phát triển bền vững. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước vẫn đang nhiều khó khăn hơn là thuận lợi ở thời điểm hiện nay thì yêu cầu tăng tốc “xanh hóa” liệu có tạo thêm áp lực?

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT NGUYỄN CHÍ DŨNG: Những biến động lớn của thế giới, đặc biệt trong 3 năm trở lại đây, cùng với thách thức ngày càng lớn từ sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu, đang đòi hỏi các quốc gia phải đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức.

Đối với Việt Nam, phát triển kinh tế xanh không chỉ là bắt kịp xu hướng và thực hiện cam kết về giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu mà quan trọng hơn, chính là xuất phát từ nhu cầu nội tại cấp thiết của đất nước, là con đường và lựa chọn duy nhất mà Việt Nam phải theo đuổi nếu muốn hướng tới mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030, là nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 như Đại hội XIII của Đảng đặt ra.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược đã xác định rõ tăng trưởng xanh là giải pháp quan trọng để thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh, đóng góp trực tiếp vào giảm phát thải khí nhà kính để hướng tới nền kinh tế trung hòa carbon trong dài hạn.

Đúng là chúng ta vừa trải qua năm 2023 với nhiều khó khăn, thách thức. Bối cảnh thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường, tác động mạnh mẽ đến tất cả các nền kinh tế. Mặc dù vậy, kinh tế Việt Nam vẫn đạt được những kết quả đáng khích lệ và khá toàn diện trên nhiều ngành, lĩnh vực, tiếp tục là điểm sáng về kinh tế trong khu vực, trên thế giới, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Tôi cho rằng đây là thời điểm quan trọng để thúc đẩy việc triển khai chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, thực hiện đúng phương châm không vì tăng trưởng kinh tế mà đánh đổi môi trường.

* Bộ KH-ĐT được giao nhiệm vụ là cơ quan đầu mối quốc gia về tăng trưởng xanh - phát triển bền vững. Bộ trưởng có nhận định gì về tiến trình “xanh hóa” các ngành kinh tế trong năm qua?

Như tôi đã nói, kinh tế Việt Nam năm 2023 đạt được những kết quả đáng khích lệ và khá toàn diện, trong đó bao gồm cả những tiến bộ theo hướng “xanh hóa” các ngành kinh tế, tạo nền tảng quan trọng cho hành trình chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển kinh tế xanh của Việt Nam trong dài hạn.

Các bộ, ngành và địa phương đã xây dựng các chính sách cụ thể góp phần giảm phát thải khí nhà kính. Bộ chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh quốc gia đã được ban hành, tạo cơ sở pháp lý cho việc theo dõi, giám sát và đánh giá thực hiện tăng trưởng xanh tại Việt Nam. Hệ thống quy hoạch từ cấp quốc gia, ngành, lĩnh vực, địa phương đã được xây dựng có tính đồng bộ, thống nhất cao, trong đó quan điểm, định hướng, mục tiêu về phát triển kinh tế xanh đã được lồng ghép xuyên suốt, đặc biệt là trong quy hoạch các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

Đặc biệt, trong năm 2023, nhiều cơ chế, chính sách để khuyến khích, thúc đẩy phong trào đổi mới sáng tạo tại Việt Nam được ban hành. Trong đó, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia thuộc Bộ KH-ĐT chính là hạt nhân, là nơi ươm mầm cho các ý tưởng xanh, giải pháp xanh, góp phần quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam.

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục có những bước chuyển đổi mạnh mẽ nhằm thu hút dòng vốn đầu tư xanh, chuyển hướng đầu tư từ chiều rộng sang chiều sâu, theo hướng chất lượng cao và có chọn lọc, phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh. Việt Nam hiện nằm trong nhóm 10 nước thu hút đầu tư xanh nhiều nhất, chiếm 5% trong các nước đang phát triển. Riêng FDI cho năng lượng tái tạo đã tăng gấp 5, 7 lần trong 10 năm qua. Bên cạnh đó, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến ngày 30-9-2023, tín dụng xanh tiếp tục ghi nhận tăng trưởng với mức tăng 12,74% so với cuối năm 2022, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nông nghiệp xanh (chiếm hơn 30% tổng dư nợ tín dụng xanh), năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm gần 45% tổng dư nợ tín dụng xanh).

Cuối cùng, nhưng cũng không kém phần quan trọng, đó là các mục tiêu, định hướng, giải pháp về chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đã được lồng ghép trong tất cả các chương trình nghị sự làm việc, bài phát biểu, trao đổi hợp tác trong các chuyến làm việc cấp cao tại những hội nghị, diễn đàn toàn cầu, khu vực, các sự kiện đối thoại song phương, đa phương của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội. Nhờ đó, Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ, chung tay, đồng hành của cộng đồng quốc tế.

* Đó là những nỗ lực về phía các cơ quan quản lý nhà nước; còn về phía cộng đồng doanh nghiệp và người dân thì sao, thưa bộ trưởng?

Cộng đồng doanh nghiệp được xác định là nhân tố trọng tâm, đóng vai trò quan trọng trong quá trình tăng trưởng xanh. Những năm gần đây, cộng đồng doanh nghiệp đã có nhiều hành động thiết thực đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng xanh như sử dụng năng lượng sạch, nguyên vật liệu thân thiện môi trường, đầu tư những dây chuyền sản xuất hiện đại, công nghệ cao, sử dụng ít tài nguyên, năng lượng, giảm thiểu khí thải, thực hiện bộ tiêu chuẩn ESG (gồm 3 yếu tố: E-enviromental (môi trường), S-Social (xã hội) và G-Governance (quản trị) dùng để đánh giá mức độ doanh nghiệp chuyển đổi sang định hướng bền vững.

Cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa có tiềm lực khiêm tốn hơn. Bộ KH-ĐT đã triển khai thực hiện một số hoạt động hỗ trợ, giúp họ thực hành kinh doanh bền vững thông qua xây dựng 3 bộ công cụ đo lường mức độ sẵn sàng áp dụng nguyên tắc kinh tế tuần hoàn, kinh doanh bao trùm trong doanh nghiệp; đồng thời triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức về kinh doanh bền vững cho hàng trăm doanh nghiệp, hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp cho gần 300 doanh nghiệp, qua đó tạo ra 3.000 việc làm cho nhóm người thu nhập thấp, người yếu thế…

* Chặng đường hướng tới nền kinh tế xanh còn rất dài. Thời gian tới, Bộ KH-ĐT sẽ tập trung vào những công việc trọng tâm nào?

Ưu tiên hàng đầu của bộ là tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành và địa phương xây dựng và triển khai thí điểm chỉ số tăng trưởng xanh tổng hợp nhằm đánh giá mức độ xanh hóa của nền kinh tế trên phạm vi toàn quốc; hoàn thiện hệ thống phân loại ngành xanh quốc gia và xác định những nhiệm vụ, dự án tăng trưởng xanh trọng điểm trong giai đoạn tới; xây dựng lộ trình hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng xanh gắn kết với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đó là hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh; sử dụng phù hợp nguồn lực đầu tư công từ ngân sách nhà nước để dẫn dắt đầu tư tư nhân và hỗ trợ ban đầu cho doanh nghiệp. Việc phân bổ và sử dụng nguồn lực đầu tư công sẽ có tiêu chí cụ thể về giảm phát thải khí nhà kính trong các chương trình, dự án của các bộ, ngành, địa phương. Bộ KH-ĐT sẽ tiếp tục thực hiện chương trình hành động nhằm thúc đẩy doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững; triển khai đánh giá và công nhận doanh nghiệp kinh doanh bền vững, ghi nhận sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp trong tiến trình chuyển đổi xanh.

Và tất nhiên, nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cần được tiếp tục; đồng thời với công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về tăng trưởng xanh cho các cấp, các ngành, mọi tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp.

Bộ KH-ĐT rất mong muốn nhận được sự hỗ trợ, đồng hành của tất cả các bên liên quan nhằm hướng tới một Việt Nam “Xanh hiện tại, vững tương lai”.

Tại hội nghị Thủ tướng gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp FDI và Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam tuần trước, nhiều doanh nghiệp đã đưa ra cam kết thể hiện tính trách nhiệm cao trong việc thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh và ESG.

Tin cùng chuyên mục